Bé 31 tháng tuổi tím tái sau tiêm loại kháng sinh rất phổ biến
Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương cho biết đơn vị này vừa cấp cứu thành công bệnh nhi 31 tháng tuổi ở Phú Thọ bị sốc phản vệ so dùng thuốc, theo báo Phụ Nữ Việt Nam. Hồ sơ bệnh án nêu, bệnh nhân nhi nhập viện điều trị nội trú từ ngày 15/9 với chẩn đoán, viêm tiểu phế quản cấp, viêm tai giữa hai bên.
Bệnh nhi được các bác sĩ chỉ định dùng kháng sinh amoxicilin. Chiều ngày 18/9, sau khi tiêm, bé vẫn hoàn toàn bình thường. Tuy nhiên, ngay sau khi các điều dưỡng ra khỏi phòng để đi thực hiện y lệnh ở các buồng bệnh khác, bệnh nhi có những diễn biến xấu, đột ngột tím tái, mệt lả. Thấy vậy, bố mẹ bệnh nhi vừa ôm con chạy ra khỏi phòng vừa hoảng hốt gọi cấp cứu.
Nhân viên y tế nhanh chóng ôm bệnh nhi chạy thẳng đến khoa Hồi sức tích cực cấp cứu. Ảnh: Phụ Nữ Việt Nam
Nhân viên y tế gần đó lập tức nghĩ đến tình trạng phản vệ nặng nên đã ôm bệnh nhi chạy thẳng đến khoa Hồi sức tích cực cấp cứu. Tại đây, bệnh nhi tiếp tục có những diễn biến rất xấu, mạch nhanh, nhỏ khó bắt, SPO2 tụt, huyết áp không đo được, toàn thân tím tái và rơi vào tình trạng hôn mê sâu.
Các bác sĩ trực nhanh chóng kích hoạt báo động đỏ toàn viện, sử dụng thuốc cấp cứu sốc phản vệ mà chủ lực vẫn là Adrenalin, các thuốc vận mạch khác. Đồng thời, đặt nội khí quản, bóp bóng, sau đó cho bệnh nhi thở máy, chuẩn bị sẵn các kịch bản cấp cứu ngừng tuần hoàn, lọc máu cấp cứu…
Bên cạnh đó, các bác sĩ đã thiết lập hệ thống hội chẩn online với các bác sĩ Hồi sức tích cực của Bệnh viện Nhi Trung ương để chuẩn bị cho những tình huống xấu và nặng nề hơn. May mắn, nhờ nỗ lực của các bác sĩ, sau gần 20 tiếng chiến đấu không mệt mỏi, hiện bệnh nhi đã cai máy, tự thở, tiếp xúc tốt và có thể tự ăn, uống. Theo bệnh viện, đây là một ca sốc phản vệ thuộc loại đặc biệt nguy kịch đã được cấp cứu kịp thời và đúng phác đồ.
Hoại tử cảnh tay do chữa rắn cắn bằng thuốc nam
Theo báo Giáo Dục và Thời Đại, Bệnh viện Đa khoa khu vực Hoàng Su Phì (Hà Giang) thông tin mới đây, đơn vị này tiếp nhận và điều trị cho bệnh nhân L.S.T (20 tuổi, địa chỉ xã Thèn Chu Phìn, huyện Hoàng Su Phì) bị rắn độc cắn ngày thứ 5.
Gia đình kể lại, sau khi bị rắn cắn (không rõ rắn gì), bệnh nhân được người nhà dùng dây cuốn chặt cánh tay và ở nhà tự bó thuốc nam. Qua 5 ngày, tình trạng ngày càng nặng thêm nên bệnh nhân đến trạm y tế điều trị và được chuyển ngay đến bệnh viện.
Người bệnh nhập viện trong tình trạng kích thích, la hét, thể trạng mệt mỏi nhiều. Cánh tay trái hoại tử tím, loét trợt, chảy dịch, mùi tanh. Sau khi thăm khám lâm sàng và làm các xét nghiệm cần thiết, bệnh nhân được chẩn đoán sốc nhiễm khuẩn/rắn cắn.
Sau khi được điều trị hồi sức tích cực, người bệnh được chuyển Bệnh viện đa khoa tỉnh Hà Giang để tiếp tục theo dõi và điều trị. Các bác sĩ cho biết, đây là một trường hợp khá đáng tiếc do quan niệm sai lầm của người dân trong xử trí và điều trị bệnh tại nhà.
Khi bị rắn cắn, người dân lưu ý không sử dụng các loại thuốc dân gian không rõ nguồn gốc hoặc chữa trị bằng mẹo, không những không hiệu quả mà còn làm mất thời gian vàng điều trị. Việc cần làm là đưa bệnh nhân tới cơ sở y tế gần nhất để thăm khám, điều trị, ngăn chặn không để nọc độc phát tán.
Mắc uốn ván nguy kịch sau khi giẫm phải đinh rỉ
VTV News thông tin, khoa Hồi sức tích cực - Chống độc, Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ vừa tiếp nhận và điều trị thành công một trường hợp người bệnh bị uốn ván nguy kịch. Cụ thể, cách thời điểm vào viện 1 tuần, bệnh nhân M.V.L. (60 tuổi, trú tại Quang Húc, Tam Nông, Phú Thọ) giẫm phải đinh sắt rỉ, sau đó không được tiêm phòng huyết thanh kháng uốn ván.
Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng cứng khít hàm, co cứng cơ toàn thân, vã mồ hôi và nhanh chóng diễn tiến đến suy hô hấp. Tiếp nhận bệnh nhân, nhận thấy đây là trường hợp uốn ván toàn phát với thời gian ủ bệnh ngắn, tiên lượng rất nặng nề, các bác sĩ điều trị tích cực bằng các biện pháp đặt ống nội khí quản cấp cứu, mở khí quản, dùng các thuốc an thần, giãn cơ, trung hòa độc tố uốn ván, điều chỉnh các rối loạn thần kinh thực vật, kháng sinh phòng bội nhiễm, hỗ trợ dinh dưỡng.
Dự kiến bệnh nhân có thể được ra viện trong vài ngày tới. Ảnh: VTV News
Sau 1 tháng điều trị, tình trạng co cứng của người bệnh dần cải thiện, được rút canuyn khí quản, tình trạng lâm sàng dần cải thiện và có thể được ra viện trong vài ngày tới.
Bác sĩ CKI Nguyễn Thị Thanh Mai, Trưởng khoa Hồi sức tích cực - Chống độc, cho hay uốn ván là một bệnh nhiễm trùng cấp tính nặng, có khả năng gây tử vong do độc tố vi khuẩn uốn ván gây ra đặc trưng bởi các cơ co giật trên nền tăng trương lực cơ. Đây là trường hợp rất nặng do thời gian ủ bệnh ngắn, người bệnh diễn biến nhanh chóng đến suy hô hấp.
Bệnh lý uốn ván nặng nề bởi thời gian độc tố uốn ván được đào thải khỏi cơ thể lâu, cần 3- 4 tuần. Trong thời gian này, cần sự kiên trì, phối hợp tốt giữa người nhà và nhân viên y tế để giúp người bệnh vượt qua giai đoạn khó khăn.
Đinh Kim (T/h)