Cha hiến một phần gan cứu con gái 7 tuổi
Theo VietNamNet, ngày 20/12, Bệnh viện Nhi đồng 2 TP.HCM cho biết vừa thực hiện thành công ca phẫu thuật ghép gan cho một bệnh nhi 7 tuổi. Được biết, bệnh nhi bị teo đường mật, đã mổ Kasi lúc 2 tháng tuổi.
Tuy nhiên, sau ca mổ, bệnh nhi nhập viện nhiều lần do nhiễm trùng đường mật, gan xơ, lách rất to gây cường lách. Năm 2020, bệnh nhi bị xuất huyết tiêu hóa, ói ra máu và tiêu phân đen. Bệnh nhi suy dinh dưỡng do chức năng gan xấu, giảm tiểu cầu máu nặng, thường xuyên chảy máu mũi.
Các bác sĩ thực hiện ca phẫu thuật ghép gan cho bệnh nhi. Ảnh: VietNamNet
Ngày 1/12, Bệnh viện Nhi đồng 2 và Bệnh viện Y dược TP.HCM đã tiến hành phẫu thuật ghép gan cho bệnh nhi, người cho gan chính là cha ruột cô bé. Dù có khá nhiều khó khăn trong phẫu thuật ở bệnh nhi do dính quá nhiều, diễn tiến trong và sau mổ khá thuận lợi, cho kết quả thành công ban đầu.
Cha của bệnh nhi đã xuất viện sau ca mổ 1 tuần. Bệnh nhi ăn uống tốt, chơi vui vẻ cùng mẹ và các cô. Gan ghép đã được chấp nhận và hoạt động như một gan bình thường giúp bệnh nhi thay đổi từng ngày. Theo dự kiến, bệnh nhi sẽ được xuất viện vào cuối tháng 12.
Nữ bệnh nhân gặp biến chứng sau tiêm filler
Phụ Nữ Việt Nam đưa tin, ngày 20/12, bác sĩ Nguyễn Quang Minh – Phó trưởng khoa Nghiên cứu và Ứng dụng công nghê tế bào gốc, Bệnh viện Da liễu Trung ương cho biết đơn vị này đang điều trị cho một bệnh nhân bị biến chứng sau tiêm filler. Được biết, bệnh nhân là chị N.T.H ở Hà Nội.
Bệnh nhân đến viện trong tình trạng biến chứng muộn sau tiên chất làm đầy (filler). Cụ thể, bên ngoài vùng mũi, má tiết dịch còn tổn thương bên trong đã khu trú thành u, cục cứng. Theo lời kể, do thường bị chê “gò má cao” do giảm cân nhanh, nếp nhăn "ngoặc đơn, ngoặc kép" quanh khóe miệng, mũi và rãnh má nhiều hơn, bệnh nhân đã quyết định tiêm filler làm đầy "má baby", xóa nhăn ở một spa gần nhà.
Sau khi tiêm, dù bệnh nhân đã uống kháng sinh nhưng toàn bộ vùng má, mũi bắt đầu sưng nề. Mấy ngày sau, vùng mũi, má tiết dịch, chảy mủ nên bệnh nhân đã đến bệnh viện thăm khám. Tiếp nhận bệnh nhân, các bác sĩ tiến hành làm sạch toàn bộ vùng da bị hoại tử, chảy dịch, bên cạnh đó cho người bệnh sử dụng corticoid, kháng sinh, tiêm trực tiếp chất chống viêm để xử lý ổ viêm, bảo vệ vùng tổn thương bên trong.
Bệnh nhân sau đó được chỉ định điều trị ngoại trú, dùng thuốc liên tục, tái khám 2 tuần/lần. Sau một thời gian điều trị, tình trạng của bệnh nhân đã thuyên giảm 70-80%. Tuy nhiên, các bác sĩ chưa thể khẳng định liệu những đợt viêm, nhiễm trùng tiếp theo có tái phát hay không.
Gắp thành công 156 viên sỏi ra khỏi thận của người đàn ông
Theo The Sun, một nam giáo viên 50 tuổi gần đây đã đến bệnh viện ở tỉnh Hyderabad (Ấn Độ) thăm khám sau khi chịu nhiều cơn đau dạ dày. Qua thăm khám, các bác sĩ phát hiện cơn đau không xuất phát từ hệ tiêu hóa, mà do một lượng lớn sỏi trong thận của người đàn ông.
Điều tồi tệ hơn là những viên sỏi nằm trong bụng thay vì vị trí bình thường trong đường tiết niệu. Điều này đồng nghĩa với việc các bác sĩ buộc phải tiến hành phẫu thuật nội soi tốn rất nhiều thời gian.
Ảnh chụp X-quang của nam bệnh nhân.
Chia sẻ về tình trạng của bệnh nhân, bác sĩ V Chandra Mohan thuộc Bệnh viện Thận và Tiết niệu Preeti cho hay: "Những viên sỏi có thể đã phát triển hơn 2 năm nay nhưng trước đó bệnh nhân chưa từng gặp phải triệu chứng nào. Sau khi đánh giá tình trạng sức khỏe của bệnh nhân, chúng tôi quyết định nội soi ổ bụng và nội soi tuyến để lấy sỏi, thay vì thực hiện một cuộc đại phẫu”.
Ca phẫu thuật diễn ra suôn sẻ, các bác sĩ đã gắp ra tổng cộng 156 viên sỏi thận từ trong người bệnh nhân. Theo các bác sĩ, đây là số lượng sỏi thận nhiều nhất từng được lấy ra từ một bệnh nhân, tính riêng Ấn Độ. Bệnh nhân hiện đã hồi phục sức khỏe.
Đinh Kim (T/h)