Người đàn ông bị cá mập lao lên cắn khi đang chơi dù kéo trên biển
Theo thông tin được chia sẻ, sự việc hy hữu xảy ra vào ngày 25/6 vừa qua. Nạn nhân là một người đàn ông 37 tuổi đến từ Jordan. Thời điểm đó, người đàn ông chơi dù kéo, đang lơ lửng trên mặt biển tại thành phố Aquaba thì con cá mập đột nhiên xuất hiện và tấn công.
Vụ tấn công khiến người đàn ông bị mất 1 phần thịt, đứt gân, rách cơ và gãy nhiều xương. Ngay sau sự việc, người đàn ông đã được đưa đến Bệnh viện quân đội Prince Hashem để tiến hành phẫu thuật cấp cứu. Hiện, tình hình sức khỏe của anh đã ổn định.
Người đàn ông bất ngờ bị cá mập lao lên tấn công khi đang chơi dù kéo.
Ông Mohammad Qatawneh thuộc Trung tâm lặn quốc tế Aquaba cho hay đây là vụ việc gây sốc, tuy nhiên các vụ cá mập tấn công ở Vịnh Aqaba rất hiếm. "Vụ cá mập tấn công đã thu hút rất nhiều sự chú ý của giới truyền thông. Thành thật mà nói, nó khiến rất nhiều người sợ hãi, nhưng đây là điều có thể xảy ra ở bất cứ đâu", ông Mohammad Qatawneh chia sẻ.
Trong khi đó, ông Nayef Al Bakhit thuộc Cơ quan quản lý đặc khu kinh tế Aqaba cho biết họ đang điều tra vụ việc xảy đến với người đàn ông: "Ủy ban sẽ đưa ra một tuyên bố chi tiết về những gì đã xảy ra ngay sau khi họ hoàn thành cuộc điều tra”.
Cứu người đàn ông bị uốn ván nặng
Theo Tri Thức Trực Tuyến, bác sĩ Phạm Thanh Phong, Phó giám đốc Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ vào hôm 1/7 cho hay, các bác sĩ khoa Bệnh Nhiệt đới vừa cứu 3 bệnh nhân bị uốn ván. Trong số đó, có một bệnh nhân ở trong tình trạng nặng, là ông T. V.B. (75 tuổi, ngụ huyện Phú Tân, An Giang).
Bệnh nhân B. được đưa đến bệnh viện vào chiều ngày 12/6 trong tình trạng cứng hàm, tăng trương lực cơ toàn thân, bụng gồng cứng, có những cơn co giật toàn thân, nuốt sặc, co thắt thanh quản. Theo lời kể của người nhà, 7 ngày trước khi nhập viện cấp cứu, bệnh nhân từng bị cây đâm vào chân. Vết thương do cây đâm đã lành da, bệnh nhân không tiêm ngừa uốn ván.
Bệnh nhân hiện đã tỉnh, đang trong quá trình cai thở máy. Ảnh: T.P/ Tri Thức Trực Tuyến
Bệnh nhân được chẩn đoán bị uốn ván giai đoạn toàn phát mức độ nặng, có vết thương cẳng chân trái. Bác sĩ đã dùng huyết thanh kháng độc tố uốn ván để điều trị cho bệnh nhân. Bên cạnh đó, bệnh nhân được mở khí quản thở máy.
Kết quả siêu âm cho thấy bên trong vết thương ở chân của bệnh chứa dịch, còn dị vật. Các bác sĩ sau đó đã tiến hành rạch lấy dị vật, mủ, làm sạch, để hở vết thương và phối hợp kháng sinh điều trị nhiễm trùng. 2 ngày sau khi nhập viện, bệnh nhân có dấu hiệu rối loạn thần kinh thực vật, mạch, huyết áp dao động liên tục…
Sau 18 ngày điều trị tích cực, bệnh nhân hiện đã tỉnh, rối loạn thần kinh thực vật đã ổn định, hết gồng giật. Trong khi đó, vết thương cẳng chân trái không dấu hiệu nhiễm trùng, tiêu tiểu bình thường. Bệnh nhân đang trong quá trình cai thở máy.
Hai nữ sinh y khoa giúp đỡ nữ hành khách ngất xỉu trên máy bay
Trung tâm Khoa học Y tế của Đại học bang Louisiana (LSU) vào cuối tuần trước đã đăng tải một bài viết lên Facebook với mục đích tuyên dương hai nữ sinh viên Heather Duplessis và Lauren Bagneris. Được biết, hai nữ sinh này đã không ngần ngại giúp đỡ một nữ hành khách ngất xỉu rong một chuyến bay đến Hy Lạp.
Hai nữ sinh y khoa nhanh chóng giúp đỡ hành khách bị ngất xỉu.
“Một nữ hành khách bị choáng váng và ngã do lượng đường trong máu thấp và quá nóng. Hai nữ sinh đã tới giúp nữ hành khách thư giãn và yêu cầu người phụ nữ uống một ít nước trái cây và thức ăn, đồng thời giúp cô hạ thân nhiệt", bài đăng có đoạn viết. Kèm theo bài viết, Trung tâm Khoa học Y tế đã đính kèm bức ảnh cho thấy hai nữ sinh đang giúp đỡ hành khách kia.
Bagneris chia sẻ cô và Duplessis trở thành bạn và cùng giúp đỡ nhau trong học tập kể từ khi là sinh viên LSU. Hôm đó, cả hai đang trên chuyến ba đến Hy Lạp, bước vào kỳ nghỉ kéo dài 10 ngày trước khi trở lại trường học.
Ngay khi không thấy có người phản hồi sau câu hỏi có chuyên gia y tế nào trên máy bay hay không, hai cô gái đã quyết đinh giúp đỡ. Khi được hỏi nếu gặp tình huống tương tự trên chuyến bay trở về, hai nữ sinh cho biết họ vẫn sẽ hành động như vậy.
Đinh Kim (T/h)