Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Tin tức đời sống ngày 19/2: Bé trai 14 tuổi bị vết thương sọ não phức tạp

  • Đinh Kim
(DS&PL) -

Tin tức đời sống mới nhất ngày 19/2/2023. Cập nhật tin đời sống mới nhất ngày 19/2/2023 trên trang Đời sống & Pháp luật.

Điều trị cho bé trai 14 tuổi bị vết thương sọ não phức tạp

VTV News đưa tin, các bác sĩ Bệnh viện Nhi Thanh Hóa vừa tiếp nhận điều trị cho một trường hợp bệnh nhi bị vết thương sọ não phức tạp. Cụ thể, bé N.B.T.C. (14 tuổi, trú tại Đông Sơn, Thanh Hóa) nhập viện trong tình trạng lơ mơ, gọi hỏi có đáp ứng nhưng trả lời không đúng, có 2 vết thương vùng thái dương, mỗi vết thương kích thước 5x10 mm, đang rỉ máu.

Theo lời kể của người mẹ, bệnh nhi đang chơi đùa cùng bạn tại lớp học, trong lúc không để ý bị bạn dùng chìa khóa chọc vào đầu. Sau đó, bệnh nhi thấy đau đầu và phát hiện có vết thương chảy máu. Nhà trường nhanh chóng sơ cứu và đưa đến Bệnh viện Nhi Thanh Hóa.

Bác sĩ tiến hành phẫu thuật cho bệnh nhi. Ảnh: VTV News

Kết quả chụp phim CT sọ não có hình ảnh vỡ xương sọ, máu tụ ngoài màng cứng, dưới màng cứng trong não, trong não thùy trán trái (kích thước: 4x5cm). Sau khi hội chẩn, các bác sĩ thống nhất chẩn đoán: Vết thương sọ não với hướng xử trí mổ cấp cứu.

ThS.BS Dư Văn Nam - bác sĩ trực tiếp phẫu thuật cho hay, ngay sau khi tiếp nhận, bệnh nhi được tiến hành hồi sức, mổ cấp cứu. Ekip phẫu thuật đã tiến hành cưa xương sọ lấy máu tụ ngoài màng cứng, dưới màng cứng, trong não và đặt dẫn lưu.

Đây là một ca phức tạp, nặng, cần theo dõi sát toàn trạng. Sau 1 ngày được điều trị, chăm sóc tận tình, sức khỏe bệnh nhi đã ổn định, tỉnh hoàn toàn. Bệnh nhi được xuất viện sau 11 ngày, không có di chứng gì.

Mất máu liên tục, 3 lần cấp cứu vì chữa bệnh trĩ sai cách

Báo Công Lý dẫn thông tin từ Bệnh viện Bạch Mai cho biết, khoa Phẫu thuật Tiêu hóa - Gan mật tụy của đơn vị này vừa cấp cứu một trường hợp bệnh nhân trĩ chảy máu nặng do điều trị không đúng cách.

Cụ thể, nữ bệnh nhân P.T.H. (46 tuổi, ở Đông Triều, Quảng Ninh) bị bệnh trĩ từ năm 2011, đã được nội soi tiêm xơ búi trĩ năm 2015, nội soi thắt trĩ năm 2019. Khoảng 2 tháng nay, bệnh nhân đi ngoài bị chảy máu thành tia và sa trĩ, phải dùng tay đẩy lên.

Trước khi vào Bệnh viện Bạch Mai 1 tháng, người bệnh đi ngoài ra máu kéo dài, mất máu nhiều phải cấp cứu lần 1 tại bệnh viện địa phương, phải truyền 5 đơn vị máu, tiêm thuốc cầm máu, có chỉ định mổ nhưng gia đình chưa đồng ý phẫu thuật. Khi trở về nhà, bệnh nhân tiếp tục bị đi ngoài ra máu.

Sau đó, người bệnh mất máu nhiều phải đi cấp cứu lần 2 tại địa phương, được truyền thêm 2 đơn vị máu, tiêm thuốc cầm máu không đỡ, người bệnh và gia đình vẫn không đồng ý mổ và xin ra viện về ăn Tết.

Ngày 28/1, gia đình thấy bệnh nhân nhợt nhạt, hoa mắt, chóng mặt nhiều nên quyết định đưa đi cấp cứu lần 3 tại Bệnh viện Bạch Mai. Bệnh nhân tiếp tục được truyền 4 đơn vị máu trước mổ và tiến hành phẫu thuật Longo kết hợp khâu treo trĩ vào ngày 31/1. Sau mổ, bệnh nhân tiếp tục được truyền 2 đơn vị máu. Đến ngày 3/2, người bệnh ổn định, đi ngoài không còn chảy máu, được ra viện.

Theo Ths.Bs Nguyễn Thế Hiệp - Khoa Phẫu thuật Tiêu hóa - Gan mật tụy, chảy máu hậu môn khi đại tiện là triệu chứng thường gặp của các bệnh nhân trĩ. Tuy nhiên, mức độ chảy máu ít hay nhiều khác nhau ở từng bệnh nhân. Hiện tượng chảy máu nhiều mỗi lần đi ngoài kéo dài sẽ dẫn đến tình trạng thiếu máu nặng, nguy hiểm đến tính mạng.

Như trường hợp bệnh nhân nói trên, trong suốt quá trình từ thời điểm cấp cứu lần 1 đến khi phẫu thuật, các bác sĩ đã phải truyền đến 13 đơn vị máu (tương đương 3,25 lít máu).

Cô gái đi khám vì nuốt vướng, ngờ đâu nhận kết quả ung thư

Theo VietNamNet, nữ bệnh nhân M.C (24 tuổi, ở Phú Thọ) đến Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương thăm khám với triệu chứng nổi u vùng cổ, kèm theo đau rát họng, nuốt vướng nhẹ. Người bệnh cho biết, triệu chứng này mới xuất hiện trong thời gian ngắn nên cô nghĩ mình bị viêm họng.

Thông qua kết quả thăm khám và các cận lâm sàng, bác sĩ phát hiện thùy phải tuyến giáp của bệnh nhân có nhân kích thước 7x6mm. Bệnh nhân được chỉ định chọc tế bào, kết quả nghi ngờ ung thư biểu mô tuyến giáp thể nhú.

Bệnh nhân được mổ nội soi. Ảnh: VietNamNet

Bác sĩ Nguyễn Văn Tùng – Phó khoa Ung bướu và Chăm sóc giảm Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương chia sẻ, hiện tại sức khỏe bệnh nhân ổn định, có thể ăn uống bình thường. Sau 2 ngày phẫu thuật, bệnh nhân có thể nói rõ tiếng, không tê bì tay chân, vùng mổ đau ít.

Ung thư tuyến giáp là một trong những bệnh thường gặp ở vùng đầu, mặt, cổ ở cả nam và nữ giới. Bệnh không có dấu hiệu rõ ràng nên âm thầm di căn đến nhiều bộ phận khác, khi phát hiện bệnh đã ở giai đoạn muộn.

Người bệnh chủ yếu được phát hiện tình cờ trên siêu âm hoặc chụp CT khi đi kiểm tra sức khỏe. Đôi khi, bệnh nhân tự phát hiện thấy u vùng cổ khi soi gương, đóng khuy cổ áo hoặc đeo dây truyền.

Một số trường hợp có biểu hiện đau cổ, hàm hoặc tai. U phát triển có thể chèn ép vào thực quản hoặc khí quản gây ra cảm giác nuốt vướng, khó thở hoặc cảm giác “mắc ở cổ họng’’. Ít gặp hơn, bệnh nhân có thể bị khàn tiếng do u chèn ép vào dây thần kinh điều khiển giọng nói.

Theo khuyến cáo của bác sĩ, bệnh nhân nữ nên đi khám định kỳ 3-6 tháng/lần để kiểm tra tuyến giáp, tuyến vú và phụ khoa để tầm soát, phát hiện ung thư sớm.

Đinh Kim (T/h)

Tin nổi bật