Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Tin tức đời sống ngày 17/6: Ngỡ ngàng bé 4 tuổi có đến 14 ngón tay, 13 ngón chân

  • Đinh Kim
(DS&PL) -

Tin tức đời sống mới nhất ngày 17/6/2021. Cập nhật tin đời sống mới nhất ngày 17/6/2021 trên trang Đời sống & Pháp luật.

Ngỡ ngàng bé 4 tuổi có đến 14 ngón tay, 13 ngón chân

Theo thông tin được chia sẻ, Ting Ting là một bé gái 4 tuổi, hiện đang sinh sống ở tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc). Cô bé sinh ra đã bị dị tật bẩm sinh, mắc chứng đa ngón. Được biết, Ting Ting có tới 14 ngón tay và 13 ngón chân. Việc này khiến bé gái 4 tuổi gặp không ít khó khăn trong cuộc sống sinh hoạt thường ngày.

Các bác sĩ cho biết chứng đa ngón là tình trạng khiến người bệnh sinh ra đã có nhiều hơn 5 ngón trên một bàn tay và 5 ngón trên một bàn chân. Những video và hình ảnh mà bác sĩ chụp lại cho thấy mỗi bên bàn tay của Ting Ting đều có 7 ngón. Cô bé có 2 hoặc nhiều hơn 2 ngón tay dính vào nhau do mắc dị tật ngón tay. Trong khi đó, bàn chân trái của Ting Ting có 7 ngón, còn chân phải có 6 ngón.

Bé gái 4 tuổi khiến không ít người kinh ngạc khi có đến 14 ngón tay và 13 ngón chân.

Mới đây, các bác sĩ đã tiến hành phẫu thuật cắt bỏ các ngón thừa và chỉnh sửa phần xương ở hai bàn tay cho Ting Ting. Theo bác sĩ Wang Xiaoli, khoa Phẫu thuật thẩm mỹ, nhiều ngón tay của bé gái 4 tuổi bị dính lại ở phần khớp xương thứ năm của cả hai tay, ngón tay ngắn và biến dạng. Hiện, các ngón tay của cô bé đã có thể di chuyển, cử động uốn và duỗi mặc cho có chút bất thường, trong khi các ngón chân thừa không thể chủ động uốn, mở.

"Chúng tôi đã xem xét kỹ lưỡng dựa vào hình dáng và cấu trúc vị trí các ngón tay của Ting Ting đồng thời tiến hành chụp x-quang. Do cô bé còn nhỏ tuổi, không nên sử dụng thuốc gây mê quá lâu nên ca phẫu thuật tập trung chủ yếu vào việc cắt bỏ bớt những ngón thừa ở cả tay và chân cho cô bé", bác sĩ Wang chia sẻ về ca phẫu thuật cho bé gái Ting Ting.

Cô gái suy gan cấp vì ngộ độc paracetamol

Pháp Luật Việt Nam đưa tin Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ mới đây đã tiếp nhận và điều trị cho một nữ bệnh nhân bị ngộ độc paracetamol vì sử dụng liều cao kéo dài nhiều ngày. Được biết, bệnh nhân là Đ.T.N.A (25 tuổi, trú tại An Đạo, Phù Ninh, Phú Thọ).

Cô gái 25 tuổi được chẩn đoán suy gan cấp vì ngộ độc paracetamol. Ảnh: BVCC/ Pháp Luật Việt Nam

Bệnh nhân được đưa vào khoa Cấp cứu của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ trong tình trạng ý thức lơ mơ, tiếp xúc chậm chạp, mệt mỏi, nôn nhiều, da vàng đậm, bụng chướng đau. Theo lời kể của gia đình, khoảng 6 ngày trước khi được đưa đến bệnh viện, bệnh nhân bị đau đầu nên đã tự mua paracetamol uống. Bệnh nhân uống 4 viên 500mg/ngày trong vòng 6 ngày, tổng liều là 12g.

Nắm được thông tin, các bác sĩ nhận thấy bệnh nhân có khả năng bị ngộ độc paracetamol vì sử dụng thuốc kéo dài nhiều ngày. Sau khi thực hiện đầy đủ các xét nghiệm, các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị suy gan cấp vì ngộ độc paracetamol.

Bệnh nhân sau đó nhanh chóng được tiến hành điều trị theo thuốc giải độc đặc hiệu Acetylcystein đường tĩnh mạch liên tục 20h, hỗ trợ tế bào gan, dinh dưỡng. Sau 6 ngày điều trị bằng các thuốc giải độc đặc hiệu và các biện pháp hồi sức tích cực, tình hình sức khỏe của bệnh nhân đã dần ổn định. Bệnh nhân ăn uống được, đỡ bị vàng da. Theo dự kiến, bệnh nhân sẽ xuất viện trong vài ngày tới.

Cấp cứu kịp thời bé 5 tuổi bị đuối nước

Theo báo Quảng Ninh, khoa Nhi của Bệnh viện Bãi Cháy vừa tiếp nhận và điều trị cho một bé trai 5 tuổi bị suy hô hấp, viêm phổi nguy kịch do đuối nước. Bệnh nhi là bé V.B.N (5 tuổi, trú tại TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh).

Được biết, bệnh nhi không may bị đuối nước trong lúc đi tắm biển cùng gia đình. Cháu bé được đưa lên bờ sau khi phát hiện đuối nước trong khoảng 2 - 3 phút. Bệnh nhi được đưa đến Bệnh viện Bãi Cháy cấp cứu trong tình trạng tỉnh, kích thích, sốt cao trên 39 độ, thở nhanh, thở gắng sức.

Theo kết quả thăm khám lâm sàng, cận lâm sàng, phổi của bệnh nhi có ran ẩm, ran rít, nồng độ oxy trong máu giảm. Hình ảnh chụp X-quang cho thấy có tổn thương mờ không đều hai bên phổi, mờ nhiều ở phổi phải, khí máu toan hô hấp. Sau khi hội chẩn chuyên khoa, các bác sĩ đưa ra chẩn đoán bệnh nhi bị suy hô hấp tiến triển, viêm phổi do sặc nước mặn. Bệnh nhi sau đó đã được điều trị tích cực, thở máy không xâm nhập… Sau 1 ngày, tình trạng bệnh nhi tiến triển tốt, hết sốt, thở oxy kính.

Tình hình bệnh nhi bị đuối nước hiện đang tiến triển tốt. Ảnh: Báo Quảng Ninh

Nhân trường hợp này, các bác sĩ khuyến cáo cha mẹ không nên cho trẻ đi chơi ở gần những khu vực có sông, suối, ao, hồ, bể nước đặc biệt trẻ nhỏ. Trẻ cần được mặc áo phao khi tắm ở bể bơi. Cha mẹ phải luôn quan sát, theo dõi con trong suốt quá trình vui chơi tắm biển, tránh cho trẻ tắm biển vào những ngày thời tiết xấu hoặc thời điểm sáng sớm, về đêm.

Trẻ cũng nên được học kỹ năng bơi lội và giải quyết các tình huống nguy hiểm có thể gặp phải khi tiếp xúc với nước. Trong khi đó, cha mẹ cần học tập, trang bị các kĩ năng sơ cấp cứu cơ bản đối với người bị đuối nước. Cha mẹ cũng cần nhanh chóng đưa con tới cơ sở y tế gần nhất ngay khi phát hiện trẻ bị đuối nước để được điều trị kịp thời.

Đinh Kim (T/h)

Tin nổi bật