Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Tin tức đời sống mới nhất ngày 13/9/2020: Thai nhi 1,6kg bị phá bỏ ở tuần thai 31 sống lại kỳ diệu

(DS&PL) -

Tin tức đời sống mới nhất ngày 13/9/2020. Cập nhật tin đời sống mới ngày 13/9/2020 trên trang Đời sống & Pháp luật.

Tin tức đời sống mới nhất ngày 13/9/2020. Cập nhật tin đời sống mới ngày 13/9/2020 trên trang Đời sống & Pháp luật.

Thai nhi 1,6kg bị phá bỏ ở tuần thai 31 sống lại kỳ diệu

Bé Bình An tại Khoa Sơ Sinh, bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn chiều 11/9.

Bác sĩ Thái Bằng Giang, Trưởng khoa Sơ sinh, bệnh viện Xanh Pôn cho biết trên Vietnamnet, em bé được nhóm thiện nguyện đưa từ một cơ sở nạo phá thai ở Hà Nội vào cấp cứu lúc 20h ngày 4/7. Nhóm đặt tên bé là Nguyễn Bình An, cho biết bé mới chào được khoảng 30 phút.

Thời điểm nhập viện, trẻ chỉ nặng 1.6kg, đã ngừng tim, ngừng thở hoàn toàn, toàn thân tím tái, hạ thân nhiệt nặng, chỉ còn 34.8 độ C.

Các bác sĩ ngay lập tức đặt nội khí quản, cho bệnh nhi thở máy, đồng thời bơm thuốc hỗ trợ hô hấp vào phổi. Sau đó, em bé được theo dõi huyết áp, nuôi dưỡng tĩnh mạch, cho sử dụng kháng sinh và truyền các loại thuốc khác.

Khoảng 4 tiếng sau, bé diễn biến xấu hơn, huyết áp tụt, mạch khó bắt. Các bác sĩ tiếp tục cho bé chuyển sang máy thở cao tần HFO (loại máy thở hiện đại nhất cho sơ sinh). May mắn, bệnh nhi đáp ứng tốt, dần qua cơn nguy kịch. Sau 5 ngày thở HFO, bé chuyển thở máy thường 14 ngày trước khi được thở hỗ trợ áp lực và thở oxy. Ngày 13/8, bé được cho dừng thở oxy.

Ngoài vấn đề về hô hấp, trẻ còn bị nhiễm trùng rất nặng. Song song với việc duy trì thở máy, các bác sĩ phải cho bé sử dụng kháng sinh liên tục trong vòng 5 tuần để cải thiện tình trạng này.

Bác sĩ Giang chia sẻ, một em bé sinh ra đủ tháng được tính trong khoảng thời gian từ 38 đến 42 tuần thai. Bình An sinh ra ở tuần thứ 31, chỉ nặng 1.6kg, là trường hợp đẻ non, thiếu khoảng 8 tuần.

Thông thường, trẻ sinh non được ra đời trong cơ sở y tế như Bệnh viện Phụ sản, Khoa Phụ sản hay các trạm y tế xã sẽ được hỗ trợ sau sinh bằng việc ủ ấm, hút dịch mũi họng, làm thông thoáng đường thở,…

Tuy nhiên, em bé này lại là trường hợp nạo phá thai. Người phá sẽ làm mọi cách để đưa trẻ ra ngoài, không thực hiện nhẹ nhàng, khéo léo như các ca đỡ đẻ bình thường. Khi chào đời, bé cũng không được áp dụng các biện pháp hỗ trợ nên mới diễn tiến rất nặng, ngừng tim, ngừng thở chỉ sau 30 phút.

Bác sĩ Giang nhấn mạnh, các trường hợp tương tự khó có khả năng cứu sống, chưa kể quãng thời gian thở máy kéo dài cũng rất nguy hiểm cho tính mạng của cháu bé. Tuy nhiên, Bình An đã rất may mắn để vượt qua.

2 tuần gần đây, cháu đã có thể tự thở, tỉnh táo, hồng hào, tự bú. Các bác sĩ đang chờ đợi hoàn tất thủ tục để đưa bé về trung tâm bảo trợ.

Về các ảnh hưởng sức khỏe trong tương lai của trẻ, ông Giang cho hay, những em bé đẻ non dưới 2kg dễ gặp các bệnh về mắt. Trường hợp Bình An phải thở máy, thở oxy kéo dài sau đẻ non sẽ có nguy cơ mắc bệnh võng mạc, tăng sinh các mạch máu ở phần võng mạc của mắt, có thể gây mù lòa, giảm thị lực sau này. “Thế nhưng, “cực kỳ may mắn” khi mắt của cháu bé không có biểu hiện tổn thương”, ông Giang nói.

Đã đặt vòng tránh thai nhưng vẫn có thai 14 tuần tuổi

Cô gái mang thai lạc chỗ trong buồng trứng được các bác sĩ kịp thời xử lý.

BS CK2 Nguyễn Hữu Trung, Trưởng Khoa Cấp cứu, bệnh viện (BV) Từ Dũ (TP.HCM) cho biết trên báo Pháp luật TP.HCM, nơi đây vừa phẫu thuật thành công cho sản phụ (24 tuổi, ngụ Long An) có thai nằm lạc trong buồng trứng.

Trường hợp của sản phụ khá đặc biệt khi có tiền sử mổ lấy thai vào tháng 5/2019. Sau khi xử lý lấy thai, sản phụ đã đặt vòng tránh thai để thực hiện kế hoạch hóa gia đình. Tuy nhiên, gần đây, sản phụ bị đau bụng, nôn ói, không thấy kinh nguyệt hơn 2 tháng nên đến phòng khám tư tại địa phương siêu âm thì phát hiện có thai nằm ngoài tử cung.

Sản phụ sau đó đến BV Từ Dũ để thăm khám và chẩn đoán lại. Tại BV, khi siêu âm, các bác sĩ xác định có một thai nhi 14 tuần tuổi ngoài tử cung, nguy cơ vỡ đột ngột trong ổ bụng gây tử vong, cần phải mổ gấp.

BS Trung cho biết cuộc mổ dự kiến khó khăn do thai nằm trong ổ bụng thường bị các cơ quan lân cận, mạch nối hoặc ruột bám vào. Do đó, các bác sĩ đã hội chẩn và chuẩn bị sẵn máu và các trang thiết bị hiện đại để phục vụ ca mổ.

Trực tiếp thực hiện ca mổ, ThS-BS Nguyễn Châu Mai Phương cho biết khi mở ổ bụng, ê kip xác định thai 14 tuần nằm trọn trong buồng trứng bên trái, khiến buồng trứng phình to lên, chảy máu khoảng 100ml trong bụng. Ca phẫu thuật mất 2 giờ mới kết thúc, hiện tại tình trạng của bệnh nhân đã ổn định.

Theo các bác sĩ, thai trong buồng trứng là trường hợp thai lạc chỗ hiếm gặp. Thai lạc chỗ có thể làm tổ lên các tạng trong ổ bụng như gan, ruột, dạ dày hoặc bám lên mạc nối, phúc mạc hoặc các thành ổ bụng. Hầu hết thai trong ổ bụng cần được chấm dứt thai kỳ do các nguy cơ rất nguy hiểm lên tính mạng người mẹ.

BS Trung lưu ý mặc dù phụ nữ đã đặt vòng tránh thai nhưng một số vẫn có thể mang thai. Phụ nữ đang ở độ tuổi sinh đẻ cần quan tâm đến kinh kỳ của mình. Nếu kinh kỳ ra máu bất thường, kéo dài, đau bụng thì nên đến cơ sở y tế để thăm khám và điều trị kịp thời.

Bé 10 tháng tuổi nuốt đèn LED điện thoại đồ chơi

Tối 12/9, bác sĩ Nguyễn Cát Phương Vũ, bệnh viện Nhi đồng TP.Hồ Chí Minh cho biết trêm báo Công an nhân dân, bệnh viện vừa nội soi lấy đèn LED của điện thoại đồ chơi trong phế quản bệnh nhi 10 tháng tuổi.

Bé gái P.N.K.N (10 tháng, ngụ huyện Cần Đước, tỉnh Long An) ho sặc sụa, ói liên tục sau khi mẹ phát hiện em ngậm và hóc đầu đèn nhựa dò tín hiệu của điện thoại đồ chơi. Mẹ móc họng bé nhưng mãi dị vật không ra, gia đình đưa con đến trạm y tế địa phương, qua chụp phim, bác sĩ thấy dị vật đã nằm trọn phế quản phải.

Nguy cơ tắc khí xẹp luôn phần phổi được dẫn khí nên tức tốc chuyển con đến Bệnh viện Nhi đồng TP Hồ Chí Minh trong đêm qua. Các bác sĩ đã chụp phim kiểm tra kĩ lại vị trí và tiến hành soi khẩn gắp dị vật đang bít sâu vào thành phế quản trung gian phổi phải, dị vật là đầu đèn điện thoại nhựa.

BS CK2 Nguyễn Hoàng Nhật Mai, Phó Khoa Hô hấp - Bệnh viện Nhi đồng Hồ Chí Minh rà soát kiểm tra lại một lượt hệ thống đường thở thông thoáng, rút ống soi và ổn định bệnh nhi.

Bác sĩ Mai cho biết may một điều là dị vật đã được gắp ra kịp thời, không gây bít tắc ứ khí hoặc xẹp phổi. Dị vật chưa hoại tử nhiễm trùng, chưa tạo ổ mủ áp xe, hay rơi vào bít tắc đường thở chính, có thể gây ngưng thở, thậm chí tử vong nếu cấp cứu không kịp. Hiện bé đã tỉnh mê, sinh hiệu ổn và tiếp tục được ổn định sức khoẻ, điều trị viêm phổi.

BS Mai khuyến cáo quý phụ huynh Tai nạn hay xảy ra ở trẻ em do thói quen ngậm đồ chơi hoặc trêu đùa trong lúc đang ăn, uống. Vì vậy, cha mẹ không nên cho trẻ ăn những thức ăn dễ hóc như hạt lạc, hạt dưa, hướng dương, không nên cho trẻ chơi các đồ chơi nhỏ. Nếu trẻ bị hóc nghẹn sặc hay nghi ngờ bị hóc phải đưa đến bệnh viện ngay để được kiểm tra và điều trị nhanh chóng.

Việt Hương (T/h)

Tin nổi bật