Bé 13 tuổi nuốt trọn viên thuốc còn nguyên vỏ sắc nhọn
Pháp Luật Việt Nam đưa tin, ngày 11/1, Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM tiếp nhận một bệnh nhi 13 tuổi nuốt cả viên thuốc hạ sốt còn vỏ.
Gia đình bệnh nhi kể lại trước đó cậu bé bị sốt nên người nhà mua thuốc về cho uống. Ngay sau khi uống thuốc, bệnh nhi ho nhiều và than đau họng. Sau khi tiếp nhận bệnh nhân, các bác sĩ đã tiến hành chụp X-quang kiểm tra hình ảnh và ghi nhận dị vật cản quang ở vùng thực quản.
Bệnh nhi lập tức được chuyển đến khoa Tai Mũi Họng để thực hiện nội soi cấp cứu gắp dị vật là viên thuốc còn nguyên vỏ, được cắt vuông vức với 4 góc rất sắc nhọn. Thông qua hình ảnh camera nội soi, các bác sĩ phát hiện viên thuốc còn nguyên vỏ có cạnh sắc nhọn đang kẹt ở thực quản của bệnh nhi.
Viên thuốc còn nguyên vỏ được các bác sĩ lấy ra ngoài. Ảnh: Pháp Luật Việt Nam
Các bác sĩ đã phải rất khó khăn mới kéo thành công dị vật ra ngoài. Tuy nhiên, niêm mạc thực quản của bệnh nhi vẫn bị trầy xước, phải tiếp tục theo dõi, điều trị tại bệnh viện.
Tai nạn hóc dị vật là thuốc còn nguyên vỏ có thể gặp ở mọi lứa tuổi nhưng trẻ em và người già là hai đối tượng chiếm tỷ lệ nhiều nhất. Các bác sĩ khuyến cáo người thân cần đặc biệt lưu ý bóc hết vỏ thuốc khi cho trẻ và người già uống thuốc. Trong trường hợp nghi ngờ hóc dị vật, cần nhanh chóng chuyển đến bệnh viện để được can thiệp kịp thời.
Cấp cứu, nối thành công chi thể đứt rời cho bệnh nhân 58 tuổi
Theo thông tin được đăng trên Nhân Dân, khoảng 8h ngày 11/1, ông Đ.V.N (58 tuổi, trú tại xã Khánh Hòa, huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái) bị máy cắt cỏ cắt vào chân phải trong lúc đang sử dụng máy. Hậu quả, cổ chân phải bị cắt gần rời ra hoàn toàn, chỉ còn dính vạt da mỏng ngoài cẳng chân.
Ông N. được sơ cứu, sau đó chuyển đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Yên Bái cấp cứu vào lúc 12h trong tình trạng sốc, chi bị đứt rời lạnh, mất hoàn toàn vận động cảm giác của bàn ngón chân.
Sau khi tiến hành hội chẩn, ekip bác sĩ đã tiến hành mổ cấp cứu cho ông N. vào 12h30 cùng ngày. Các bác sĩ đã kết hợp xương sau đó tiến hành nối động mạch chảy trước, ghép động mạch chảy sau bằng đoạn tĩnh mạch hiển đảo chiều. Bên cạnh đó, nối tĩnh mạch hiển và tĩnh mạch sâu, nối thần kinh chảy trước và chảy sau, nối lại toàn bộ gân cơ mặt trước và sau cẳng chân.
Ca mổ kéo dài 4 tiếng đồng hồ. Sau ca mổ, qua theo dõi kiểm tra, chi nối hồng ấm, nồng độ oxy đạt 100%. Sức khỏe của ông N. đang phục hồi tích cực.
Theo Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Yên Bái, đây là ca cấp cứu ghép nối chi thể đầu tiên thành công của bệnh viện, khẳng định chuyên môn sâu của đội ngũ phẫu thuật viên và gây mê hồi sức, đã làm chủ được các phẫu thuật ghép xương, gân, cơ, mạch máu.
Cứu sống bệnh nhân bị tách động mạch chủ nguy kịch
Theo Quân Đội Nhân Dân, ngày 12/1, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cho biết đơn vị này vừa cứu sống bệnh nhân E.N (49 tuổi, quốc tịch Thổ Nhĩ Kỳ) bị lóc tách động mạch chủ type A cấp tính, có nguy cơ tử vong cao.
Tình trạng bệnh nhân ổn định sau 3 ngày phẫu thuật. Ảnh: Quân Đội Nhân Dân
Bệnh nhân đến viện trong tình trạng đau ngực dữ dội, khó thở. Kết quả chụp phim cho thấy bệnh nhân bị lóc toàn bộ động mạch chủ cấp gây thiếu máu ruột. Được biết, lóc động mạch chủ type A cấp tính là bệnh lý tim mạch rất nặng, người bệnh có thể tử vong bất cứ lúc nào nên đòi hỏi phải được chẩn đoán và phẫu thuật cấp cứu kịp thời.
Kíp mổ tiến hành thay quai động mạch chủ và động mạch chủ lên, kíp tiêu hóa tiến hành nội soi ổ bụng kiểm tra, ruột còn hồng. Ca phẫu thuật diễn ra trong gần 10 tiếng đồng hồ. Sau 3 ngày phẫu thuật, tình trạng bệnh nhân ổn định, huyết động ổn định, người bệnh đã gọi biết.
Các bác sĩ khuyến cáo việc dự phòng và ngăn ngừa bệnh lý của động mạch chủ có ý nghĩa hết sức quan trọng, đặc biệt cần phát hiện, kiểm soát và điều trị bệnh tăng huyết áp - nguy cơ tiềm ẩn của nhiều bệnh tim mạch nguy hiểm.
Khi đã chẩn đoán lóc động mạch chủ type A cấp tính, người bệnh cần được chuyển ngay đến các bệnh viện có khả năng phẫu thuật, tránh phải trải qua nhiều tuyến trung gian, giảm thiểu các biến chứng, giảm nguy cơ tử vong.
Đinh Kim (T/h)