Tin tức đời sống mới nhất ngày 11/10/2020. Cập nhật tin đời sống mới ngày 11/10/2020 trên trang Đời sống & Pháp luật.
Cô gái đau đầu nhiều năm do có tổ sán trong não
Hình ảnh nang sán làm tổ trong não khiến bác sĩ nhầm tưởng là khối u. |
Tạp chí Tropical Medicine and Hygiene (Mỹ) vừa đăng tải trường hợp nữ bệnh nhân 25 tuổi ở Úc bị sán dây làm tổ trong não.
Cô gái trẻ là nhân viên pha chế tại vùng ngoại ô Melbourne, chưa từng đi du lịch nước ngoài. Đây là trường hợp người Úc đầu tiên nhiễm loại sán này, trong khi các bệnh nhân trước đó đều là dân nhập cư hoặc có tiền sử du lịch tại châu Á, châu Phi hay Mỹ Latin.
Trước đó, nữ bệnh nhân đã có 7 năm mắc chứng đau nửa đầu liên miên, tần suất lặp lại 2-3 lần mỗi tháng. Tuy nhiên sau khi cô dùng thuốc, các triệu chứng dần biến mất. Nghĩ đau đầu thoáng qua nên cô chủ quan không đi khám.
Gần đây cô bị đau đầu dữ dội trong suốt hơn 1 tuần kèm giảm thị lực. Kết quả chụp MRI sọ não tại bệnh viện phát hiện có khối u trong não, bác sĩ nghi ngờ đây là căn nguyên gây ra các cơn đau đầu.
Tuy nhiên khi phẫu thuật lấy u, bác sĩ phát hiện bên trong chứa đầy nang sán dây lợn. Ấu trùng sán lợn khi xâm nhập vào hệ thần kinh có thể đau đầu, mù lòa, viêm màng não, mất trí nhớ, co giật, động kinh, thậm chí tử vong nếu không được phát hiện kịp thời.
Các nhà khoa học nghi ngờ, đặc thù công việc của cô gái trẻ tiếp xúc với khách từ nhiều quốc gia có thể đã khiến cô nhiễm sán.
Nguyên nhân nhiễm sán lợn thường do ăn thịt lợn chưa nấu chín hoặc tiếp xúc với nguồn nước, đất, thức ăn bị nhiễm trứng sán.
Sán dây lợn có 2 vật chủ, trong đó lợn là vật chủ trung gian, con người là vật chủ chính. Khi người ăn thịt heo chưa chín có nhiễm sán, nang sán vào trong ruột non, bám vào thành ruột bằng giác bám và móc, và phát triển thân sán với nhiều đốt. Mỗi đốt có thể chứa tới 60.000 trứng sán rồi bài tiết theo phân ra ngoài.
Khi người bệnh ăn thịt lợn nhiễm sán hoặc thức ăn dính trứng sán, ấu trùng nở ra, vượt qua thành ruột đi vào máu và đến hầu hết các mô, nơi tạo thành nang sán.
Ấu trùng được tìm thấy phổ biến nhất trong hệ thống thần kinh trung ương, đặc biệt não (chiếm 60-90%), nhưng cũng có thể có trong hốc mắt, cơ, dưới da hoặc các mô khác.
Nếu một người nhiễm sán không vệ sinh tốt sẽ tiếp tục lây truyền sán qua đường phân - miệng cho người khác do bàn tay nhiễm bẩn hoặc các loại trái cây hoặc rau quả được tưới bởi phân người nhiễm bệnh.
Trường hợp nang sán làm tổ trong não, nếu to có thể phải can thiệp phẫu thuật, nếu bé có thể dùng thuốc diệt sán kết hợp thuốc chống co giật, động kinh, giảm phù nề.
Thai phụ 18 tuần vỡ tử cung, chảy 3 lít máu
Hình minh họa. |
Bệnh nhân là chị T.T.B. (35 tuổi, ở Đông Anh, Hà Nội), mang thai lần 4, thai được 4,5 tháng. Chị được đưa vào khoa Cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa Đông Anh trong tình trạng đau bụng, lơ mơ, da tái nhợt, đau lan xuống 2 hố chậu, bụng chướng, nhiều dịch, mạch nhanh nhỏ khó bắt, huyết áp tụt...
Bệnh nhân được siêu âm tại giường, kết quả phát hiện nhiều dịch trong ổ bụng. Tiên lượng tình trạng bệnh nhân rất nặng.
Ngay lập tức, bệnh viện đã phát tín hiệu “báo động đỏ”, hội chẩn liên khoa, chuyển bệnh nhân đi mổ cấp cứu. Kíp phẫu thuật có sự tham gia của các bác sĩ khoa Ngoại tổng hợp, khoa Sản, kíp gây mê khoa Gây mê hồi sức, khoa Xét nghiệm.
Trong quá trình phẫu thuật, bác sĩ phát hiện tử cung bị vỡ, máu chảy nhiều kèm vỡ nhau thai trên vết mổ tử cung cũ. Các bác sĩ đã lấy ra 3 lít máu đỏ tươi lẫn máu cục trong ổ bụng bệnh nhân đồng thời quyết định cắt tử cung bán phần để cầm máu.
Trong hơn 2 giờ phẫu thuật, thai phụ được truyền gần 4 lít máu và huyết tương, 5 lít dịch. Bệnh nhân hồi phục tốt sau mổ, đang được theo dõi hậu phẫu. Sau mổ bệnh nhân ổn định, tỉnh táo, tiếp xúc tốt, tiếp tục theo dõi điều trị hậu phẫu.
Nhờ sự phối hợp tích cực, nhịp nhàng của các khoa trong toàn bệnh viện theo quy trình “báo động đỏ” cũng như sự làm chủ các kỹ thuật trong Ngoại khoa, Gây mê Hồi sức đã cứu sống bệnh nhân trong tình trạng nguy kịch.
Thanh Hóa: Bệnh nhân nhập viện do kiến ba khoang tăng đột biến
Bác sĩ CK1 Phan Thị Loan, Trưởng khoa điều trị I, Bệnh viện Da liễu Thanh Hóa cho biết: Những bệnh nhân bị viêm da do tiếp xúc kiến ba khoang phải nằm điều trị tại khoa đều là những bệnh nhân nặng, thường đến viện sau 3 đến 4 ngày tự điều trị tại nhà không khỏi do nhầm lẫn với bệnh zona thần kinh.
Nhiều trường hợp nhập viện bị viêm da nặng, tổn thương lan nhanh, nóng rát, xuất hiện mụn mủ màu vàng, trên nền da sưng tấy, mẩn đỏ, gây khó chịu cho người bệnh.
Việc điều trị viêm da do tiếp xúc kiến ba khoang không khó nhưng nếu điều trị không đúng có thể gây viêm nặng hơn, nhiễm khuẩn thứ phát, lở loét, để lại vết thâm và sẹo xấu gây ảnh hưởng đến thẩm mỹ.
Theo thống kê của Bệnh viện Da Liễu Thanh Hóa cho biết, chỉ tính riêng từ đầu tháng 10 đến nay đã khám và điều trị cho hơn 200 lượt bệnh nhân bị viêm da do tiếp xúc với kiến ba khoang. Từ đầu tháng 9/2020 đến ngày 9/10 con số này là hơn 500 lượt bệnh nhân. Trong khi đó, 8 tháng năm 2020, chỉ có vài chục lượt bệnh nhân đến khám do tiếp xúc kiến ba khoang.
Bác sĩ Loan cũng cho biết, khi bị kiến đốt sẽ gây ra các tổn thương thành đường hay vệt đỏ, có thể phù nề nhẹ, có mụn nước, mụn mủ, thường ở vị trí vùng da hở như mặt, cổ, tay, chân. Bệnh nhân có cảm giác rát bỏng tại chỗ, thương tổn trên diện rộng, có thể gây sốt nhẹ, nổi hạch lân cận.
Bác sĩ Loan cũng khuyến cáo, để đề phòng kiến ba khoang bay vào nhà, người dân nên thường xuyên dọn dẹp phòng ở gọn gàng, ngăn nắp. Hạn chế mở cửa sổ ban công vào buổi tối. Trước khi đi ngủ phải mắc màn, làm sạch giường chiếu, chăn màn. Kiểm tra khăn mặt và đồ dùng trước khi tắm, mặc. Tránh đứng dưới bóng đèn sáng nơi công cộng.
Nếu trường hợp phát hiện kiến ba khoang bò trên người không được dùng tay đập, giết hoặc chà xát kiến mà chỉ nên thổi nhẹ. Nếu có tiếp xúc kiến ba khoang thì nên rửa sạch ngay chỗ tiếp xúc, tránh lấy tay chạm vào những vùng da khác có thể gây dị ứng đồng thời đến ngay cơ sở y tế để khám và điều trị kịp thời...
Việt Hương (T/h)