Bé 10 tuổi ăn liên tục vẫn đói vì mắc bệnh hiếm gặp
David Soo (10 tuổi, ở Singapore) mắc một căn bệnh phức tạp hiếm gặp có tên Hội chứng Prader-Willi (rối loạn cuồng ăn), kèm theo đó là các triệu chứng nghiêm trọng khác. Được biết, bệnh này khiến người bệnh luôn cảm thấy đói bất kể khi nào dù trước đó họ đã ăn nhiều ra sao.
Nguyên nhân gây bệnh là do sự mất chức năng của các gen ở một vùng nhất định của nhiễm sắc thể số 15. Đáng chú ý, hội chứng này không chữa được nên người bệnh buộc phải sống chung. Tuy nhiên, việc chung sống với bệnh thực sự rất khó khăn, nhất là với những người chăm sóc người bệnh.
Bé 10 tuổi ăn liên tục vẫn cảm thấy đói do mắc Hội chứng Prader-Willi (rối loạn cuồng ăn). Ảnh minh họa
Do cảm giác thèm ăn liên tục rất mạnh, các biện pháp đặc biệt cần được thực hiện nhằm đảm bảo bệnh nhân luôn ăn uống hợp lý. Các tài liệu y khoa từng ghi nhận nhiều trường hợp mắc hội chứng này phát triển thành lỗ hoặc rách trong ruột do lượng thức ăn mà bệnh nhân ăn vào không bình thường, thậm chí hoại tử mô dạ dày.
Một số biến chứng khác gồm đầy hơi nghiêm trọng và giảm khả năng làm rỗng dạ dày. Người bệnh thậm chí có thể tự gây nguy hiểm cho bản thân bằng cách ăn thực phẩm độc hại như thực phẩm hư hỏng hoặc rác, có hại cho dạ dày nếu không được giám sát.
Gia đình của David Soo đã cố hết sức để kiểm soát cân nặng của cậu bé, đồng thời thiết lập một lịch trình ăn uống cụ thể để cậu bé biết chính xác khi nào đến giờ ăn hoặc khi nào sẽ ăn nhẹ. Mặc dù phải đối mặt với việc ăn liên tục trong suốt phần đời còn lại nhưng nếu David Soo biết kiểm soát bản thân, tránh ăn vô tội vạ khiến cân nặng tăng lên thì tuổi thọ và chất lượng cuộc sống của cậu bé sẽ tương đương với người bình thường.
Người đàn ông bị xương cá đâm xuyên amidan ra vùng cổ
Theo Sức Khỏe & Đời Sống, bệnh nhân Đ.V.Đ (51 tuổi, trú tại thị xã Chí Linh, tỉnh Hải Dương) được đưa đến Bệnh viện Tai Mũi Họng Trung ương trong tình trạng viêm tấy thành bên họng phải.
Qua khai thác bệnh sử, bác sĩ ghi nhận cách thời điểm nhập viện 20 ngày, bệnh nhân từng bị hóc xương cá, xuất hiện nuốt vướng nên đã đi khám và nội soi họng tại cơ sở y tế địa phương nhưng chưa phát hiện dị vật. Bệnh nhân sau đó vẫn tiếp tục nuốt vướng, nuốt đau, ăn uống kém và sưng vùng cổ phải nên đã đến Bệnh viện Tai Mũi Họng Trung ương thăm khám.
Tua trực khám nội soi thông thường không phát hiện hình ảnh nghi ngờ dị vật, vùng hạ họng amidan bên phải tương đối bình thường. Bệnh nhân sau đó được chụp phim cắt lớp vi tính vùng cổ, không tiêm thuốc cản quang. Trên phim CT Scanner vùng cổ chỉ thấy có một lát cắt Coronal và tái tạo dựng hình 3D có hình ảnh nghi ngờ có dị vật là một vệt mờ, khó xác định ở vùng amidan ở bên phải.
Dị vật là xương dài khoảng 3cm với đường kín rất mỏng. Ảnh: Sức Khỏe & Đời Sống
Các chuyên gia đã tiến hành hội chẩn và đưa ra hai phương án phẫu thuật là đi theo đường trong hoặc đường ngoài. Được sự đồng thuận của bệnh nhân và gia đình, kíp mổ quyết định phẫu thuật theo đường trong, trước hết là cắt amidan, nếu xương không nằm trong amidan thì tiếp tục tìm vùng cổ bên. Tuy nhiên tư thế cổ của bệnh nhân khi chụp phim khác tư thế cổ của bệnh nhân khi phẫu thuật (kê vai, ngửa cổ, gối đầu tròn) nên rất khó để xác định được vị trí chính xác của xương.
Kíp mổ tiến hành cắt amidan và kiểm tra nhưng không thấy dị vật, tiếp tục đi vào đáy hốc mổ, bóc tách và cầm máu từng chút một bằng meche adrenaline do không thể cầm máu bằng đông điện bởi sẽ gây nguy cơ bỏng những mạch lớn. Sau khoảng 30 phút không thấy dị vật, kíp mổ quyết định chụp lại phim để định vị chính xác dị vật bằng cách đặt một chiếc kim vào trong hốc mổ của thành bên họng (kim đã được làm tù đầu).
Sau khi xác định được vị trí của dị vật, kíp mổ đã tiến hành bóc tách thành bên họng theo đáy của hốc amidan xuống dưới khoảng 1cm và tìm trong tổ chức cân cơ, vừa kiểm soát thành bên họng vừa kiểm soát các mạch máu lớn và cầm máu bằng meche adrenaline. Sau nhiều cố gắng, dị vật cuối cùng cũng được lấy ra, là một cái xương dài khoảng 3cm với đường kín rất mỏng. Sau phẫu thuật 5 ngày, bệnh nhân đã hoàn toàn hồi phục, vết mổ lên giả mạc tốt như một ca cắt amidan thông thường nên được xuất viện.
Cứu sống cụ bà choáng nhiễm trùng do sỏi đường mật
Sức Khỏe & Đời Sống đưa tin, cụ bà N.T.B (77 tuổi, ở Hậu Giang) được tuyến trước chuyển tới Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ trong tình trạng lơ mơ, nhiễm trùng nặng, vàng da, vàng mắt, huyết áp thấp, mạch nhanh nhẹ.
Kết quả siêu âm ghi nhận bệnh nhân bị sỏi ống mật chủ gây giãn đường mật trong và ngoài gan. Sau khi tiến hành hội chẩn nhiều chuyên khoa, các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân choáng nhiễm trùng do sỏi đoạn cuối ống mật chủ, nhồi máu cơ tim cũ, suy tim độ III, loạn nhịp nhanh thất.
Bệnh nhân hiện tỉnh táo, sinh tồn ổn. Ảnh: Sức Khỏe & Đời Sống
Bệnh nhân được hồi sức nội khoa tích cực, điều trị suy tim, loạn nhịp. Được biết, phương pháp tối ưu để giải quyết nguyên nhân choáng nhiễm trùng, yếu tố làm nặng suy tim và rối loạn nhịp là nội soi mật tụy ngược dòng, dù nguy cơ tử vong rất cao do có suy tim nặng, sốc nhiễm trùng nặng… bệnh nhân lại tuổi cao.
Các bác sĩ thống nhất vừa hồi sức khi tình trạng bệnh nhân cho phép sẽ thực hiện nội soi mật tụy ngược dòng. Trong quá trình thực hiện, các bác sĩ phát hiện có 1 viên sỏi kẹt ở đoạn cuối ống mật chủ, kích thước khoảng 10 mm, ống mật chủ giãn 12 mm, cắt cơ vòng oddi, có nhiều dịch mủ trắng. Thủ thuật thực hiện thành công sau 10 phút, viên sỏi đã được lấy ra hoàn toàn.
Toàn trạng bệnh nhân ổn định dần sau can thiệp. 5 ngày sau điều trị tích cực, bệnh nhân ngưng thở máy, ngưng được thuốc vận mạch. Bệnh nhân hiện tỉnh táo, sinh tồn ổn, bụng mềm, không sốt, tình trạng suy tim và rối loạn nhịp tim đã ổn định.
Đinh Kim (T/h)