iPhone 15 Pro có thể gây bất ngờ với thiết kế mới
Macrumors dẫn thông tin từ trang Blog do iPhone của Brazil cho biết mẫu iPhone 15 Pro dự kiến trình làng vào năm 2023 khả năng sẽ không có khe cắm thẻ SIM vật lý. Thay vào đó, các phiên bản Pro của iPhone 2023 sẽ có 2 eSIM, đảm bảo chức năng Dual-SIM vẫn khả dụng.
iPhone 15 Pro được đồn đoán sẽ không có khe cắm thẻ SIM vật lý. Ảnh minh họa
Với chế độ 2 SIM, người dùng sẽ có 2 lựa chọn dịch vụ mạng trên cùng một chiếc iPhone. Việc này rất hữu ích khi mua các gói chỉ sử dụng dữ liệu khi đi du lịch nước ngoài hoặc để dùng cho các hoạt động kinh doanh và cá nhân trên một chiếc iPhone duy nhất.
Các mẫu iPhone gần đây của “Táo khuyết” đều có khe cắm thẻ nano-SIM vật lý và cả eSIM kỹ thuật số. Việc loại bỏ khe cắm thẻ SIM có thể giúp khả năng chống nước của các dòng iPhone mới tốt hơn.
Apple được đồn đoán sẽ phát hành một chiếc iPhone không có cổng kết nối trong tương lai, loại bỏ khe cắm thẻ SIM sẽ là bước tiến để hướng tới một thiết kế thực sự liền mạch. Tuy nhiên, vì iPhone 15 Pro còn 2 năm nữa mới ra mắt nên tin đồn trên khiến nhiều người không khỏi hoài nghi. Ở thời điểm hiện tại, chưa có nguồn tin nào khác chứng thực tin đồn về iPhone 15 Pro.
Cáp quang biển APG được sửa xong vào tháng 2/2022
Theo Công An Nhân Dân, ngày 25/12, các nhà cung cấp dịch vụ Internet (ISP) trong nước cho biết nguyên nhân dẫn đến sự cố xảy ra trên tuyến cáp quang biển APG (Asia Pacific Gateway) hôm 13/12 là do lỗi cáp cách trạm cập bờ Hong Kong (Trung Quốc) khoảng 125km.
Sự cố lần này khiến kết nối internet đi quốc tế của nhiều nhà mạng tại Việt Nam chịu ảnh hưởng, ước tính khoảng 1TB đường truyền. Sau khi xác định được nguyên nhân và vị trí gặp sự cố, đơn vị kỹ thuật phụ trách tuyến cáp quang APG đã lên kế hoạch sữa chữa. Theo dự kiến, quá trình sửa chữa sẽ kéo dài từ ngày 2/2/2022 đến 6/2/2022.
Tuyến cáp quang biển APG dự kiến được khắc phục xong vào ngày 6/2/2022. Ảnh minh họa: Công An Nhân Dân
Được biết, tuyến cáp quang biển APG được đưa vào vận hành chính thức từ giữa tháng 12/2016, có chiều dài khoảng 10.400 km. APG được đặt ngầm dưới biển Thái Bình Dương, với khả năng cung cấp băng thông tối đa lên tới 54 Tbps.
Tuyến cáp biển này có các điểm kết nối ở Trung Quốc, Hong Kong (Trung Quốc), Đài Loan (Trung Quốc), Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, Singapore, Thái Lan và Việt Nam. Trước sự cố hôm 13/12, cáp quang APG lần lượt gặp sự cố vào các ngày 9/1, 11/5 và 29/10.
Ra mắt mẫu điện thoại siêu bền giá chỉ 3 triệu đồng
Ulefone – nhà sản xuất Trung Quốc vừa giới thiệu tới người dùng mẫu điện thoại siêu bền có tên Ulefone Armor X10. Sản phẩm gây ấn tượng với thiết kế thời trang cùng nhiều tính năng hữu ích.
Cụ thể, điện thoại sở hữu màn hình IPS LCD 5.45 inch với độ phân giải 720 x 1.440 pixel, hỗ trợ tốc độ làm tươi 60Hz. Sản phẩm được trang bị bộ vi xử lý MediaTek Helio A22 dựa trên quy trình 12 nm, có bốn lõi ARM Cortex-A53 hoạt động ở tốc độ 2.0 GHz đi kèm GPU IMG GE8300, RAM 4GB và bộ nhớ trong 32GB.
Ulefone Armor X10 có độ bền "khủng", tồn tại được trong môi trường nhiều bụi, nước.
Hai cạnh bên của Ulefone Armor X10 có một dải kim loại trông rất nổi bật. Nút chỉnh âm lượng và nút nguồn nằm ở cạnh phải, trong khi đó cạnh trái chứa một khe cắm thẻ có thể chứa đồng thời hai thẻ Nano-SIM và một thẻ Micro SD, kèm theo đó là một phím tùy chỉnh để thiết lập phím tắt.
Bên cạnh camera trước 5MP, Ulefone Armor X10 được tích hợp cụm 2 camera sau đều có độ phân giải 13MP ở mặt lưng. Viên pin của máy có dung lượng 5.180 mAh, sạc qua cổng Type-C.
Về độ bền, thiết bị đạt chứng nhận IP68, IP69K và MIL-STD-810G, có thể tồn tại trong môi trường có nhiều bụi, nước. Điện thoại cũng có thể chịu được cú rơi 1.5m xuống bê tông mà không gây tổn hại đến phần cứng. Ulefone Armor X10 lên kệ với giá bán 129.99 USD (khoảng 3 triệu đồng).
Đinh Kim (T/h)