Apple bị kiện vì từ chối sửa iPhone 12 còn bảo hành
Theo Business Insider, sau khi biết Apple từ chối sửa chữa chiếc iPhone 12 của mình dù máy vẫn còn thời hạn bảo hành, người dùng Theodore A. Kim đến từ San Francisco (Mỹ) mới đây đã kiện “Táo khuyết” 1.383,13 USD – số tiền mà ông chi ra để mua sản phẩm.
“Tôi muốn chứng minh một người tiêu dùng đơn giản như tôi cũng có thể kiện một công ty lớn mà không phải lo lắng về việc nhờ luật sư và tất cả những thứ khác. Tôi cảm thấy mình cần một ngày ở tòa án để làm điều này”, ông Kim cho biết trong một cuộc phỏng vấn qua điện thoại.
Apple bị một người dùng kiện vì không sửa chữa iPhone 12 còn hạn bảo hành. Ảnh minh họa
Chiếc iPhone 12 của ông Kim của được mua ở một địa điểm bán lẻ được ủy quyền bởi Apple tại Việt Nam vào tháng 10/2020, được bảo hành đến tháng 10/2022. Khi quay về Mỹ trong thời gian xảy ra đại dịch, ông đã gặp sự cố khi điện thoại không đọc được thẻ SIM của Mỹ. Do đó, ông đã gọi cho Apple và được hướng dẫn mang máy tới một Apple Store địa phương.
“Vì vậy tôi đã mang máy đến cửa hàng và họ gửi máy đến kho sửa chữa. Sau đó họ quay lại và nói rằng họ sẽ không sửa máy vì đó là sản phẩm nhái. Và tôi trả lời lại rằng máy bị nhái theo cách nào”, ông Kim chia sẻ, đồng thời cho hay đã không nhận được câu trả lời từ Apple, thay vào đó là điện thoại bị trả lại. Chiếc iPhone 12 của ông hiện đã bị hỏng khay SIM.
Vài tuần sau, ông đệ đơn khiếu nại lên tổ chức Better Business Bureau (BBB). “Ông lớn” công nghệ Mỹ đã phản hồi lại lời phàn nàn, nói rằng iPhone sẽ được sửa chữa nếu máy bị hỏng lúc còn trong tay nhân viên. Apple không chấp nhận trường hợp của ông Kim và xem như đã giải quyết xong vấn đề này.
Thấy Apple không sửa chữa điện thoại theo bảo hành, ông Kim đã đề nghị trả lại tiền sửa chữa nhưng Apple từ chối. Ông Kim sau đó đã gửi một email đến địa chỉ email của CEO Apple Tim Cook vào cuối tháng 6 nhưng không nhận được hồi âm nên đã chuyển sang Google để tìm cách giải quyết vấn đề. Được biết, phiên tòa dự kiến sẽ diễn ra vào ngày 23/11 tới.
Rò rỉ ảnh render của MacBook Air 2022
Hai leaker nổi tiếng Jon Prosser và Ian Zelbo vừa chia sẻ một loạt hình ảnh render mới nhất của MacBook Air thế hệ tiếp theo, dự kiến ra mắt vào đầu năm 2022. Thiết bị được cho sẽ đi kèm bộ vi xử lý Apple M2, màn hình 13 inch và sở hữu thiết kế siêu mỏng.
MacBook Air 2022 được cho sẽ sở hữu thiết kế siêu mỏng.
MacBook Air 2022 có khả năng được trang bị màn hình tai thỏ. Có tin đồn cho rằng Apple sẽ sử dụng viền màn hình trắng trên sản phẩm này. Kích thước viền màn hình phía dưới của thiết bị có thể sẽ giữ nguyên như cũ nhưng viền màn hình phía trên được trau chuốt mỏng hơn đáng kể.
Thiết bị được tích hợp cổng sạc MagSafe 3, cổng Thunderbolt 4 kép và cổng cắm tai nghe 3.5 mm. Hình ảnh render cho thấy mẫu MacBook này có thiết kế khá mỏng, đem đến cảm giác không đủ không gian cho việc tích hợp cổng cắm tai nghe và các cổng kết nối khác. Thế nhưng, Zelbo và Prosser khẳng định họ đã dựa trên bản nguyên mẫu để thiết kế ra những hình ảnh render này.
Trẻ vị thành niên ở Australia tham gia mạng xã hội sẽ cần sự đồng ý của cha mẹ
Reuters đưa tin, ngày 25/10, chính phủ Australia có kế hoạch buộc các công ty truyền thông mạng xã hội khi cho người dùng dưới 16 tuổi tham gia mạng xã hội phải được sự đồng ý của cha mẹ các em.
Cụ thể theo Dự luật về quyền riêng tư trực tuyến của Australia, các công ty truyền thông mạng xã hội, trong đó có Facebook, các diễn đàn ẩn danh như Reddit và các ứng dụng hẹn hò trên điện thoại thông minh như Bumble sẽ được yêu cầu phải thực hiện tất cả các bước xác minh để xác định độ tuổi của người dùng và ưu tiên quyền lợi của trẻ em khi thu thập dữ liệu.
Văn phòng Ủy viên Thông tin là cơ quan giám sát quyền riêng tư của Australia sẽ có đầy đủ quyền điều tra, thực thi và có khả năng phạt lên đến 7,5 triệu USD, 10% doanh thu hằng năm hoặc gấp ba lần lợi ích tài chính của một công ty bất kỳ nếu vi phạm được phát hiện.
Với các quy tắc mới, Australia sẽ trở thành một trong số các quốc gia nghiêm ngặt nhất về kiểm soát độ tuổi đối với phương tiện truyền thông xã hội. Chính phủ nước này cũng có kế hoạch tăng cường luật pháp để chống lại thông tin sai lệch và nói xấu trên mạng xã hội.
Chia sẻ về việc này, Mia Garlick - Giám đốc Chính sách công của Facebook tại Australia và New Zealand cho biết: “Facbook đang xem xét dự luật được đề xuất này và hiểu rõ tầm quan trọng của việc bảo đảm luật bảo mật của Australia phát triển tương đương với tốc độ đổi mới công nghệ mà chúng tôi đang trải nghiệm hiện nay”.
Đinh Kim (T/h)