Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Tin tức công nghệ mới nóng nhất hôm nay 17/4: Chính thức khóa 2 chiều 1,15 triệu thuê bao

  • Hoàng Yên
(DS&PL) -

Chính thức khóa 2 chiều 1,15 triệu thuê bao; 100 triệu lượt tải ứng dụng chứa mã độc trên Android.... là những tin tức công nghệ mới nóng nhất hôm nay 17/4/2023.

Chính thức khóa 2 chiều 1,15 triệu thuê bao

Theo Vietnamplus, đại diện Cục Viễn thông (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho biết đến hết ngày 15/4, sau 15 ngày kể từ ngày các doanh nghiệp chính thức khóa 1 chiều 1,67 triệu SIM thuê bao có thông tin không trùng khớp với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, có dấu hiệu không đúng quy định và đã có hơn 520 nghìn thuê bao đi chuẩn hóa lại.

Đến ngày 16/4, các doanh nghiệp viễn thông đã chính thức dừng hoạt động 2 chiều 1,15 triệu thuê bao chưa chuẩn hóa sau khi bị khóa 1 chiều theo quy định. Đại diện Cục Viễn thông cũng nhấn mạnh đến 15/5, 1,15 triệu thuê bao này sẽ bị thu hồi nếu vẫn tiếp tục không thực hiện chuẩn hóa lại thông tin.

Sau thời điểm bị khóa hai chiều, khách hàng sẽ không thể tự thực hiện chuẩn hóa thông tin thuê bao qua website, ứng dụng của các nhà mạng. Thuê bao phải đến trực tiếp các điểm giao dịch của các nhà mạng để thực hiện chuẩn hóa và mở khóa liên lạc lại.

Theo các nhà mạng, khách hàng cần mang theo các giấy tờ tùy thân như căn cước công dân, hộ chiếu... khi đến các điểm giao dịch để được hỗ trợ mở khóa thuê bao, xác minh thông tin.

Các nhà mạng đều khuyến cáo các khách hàng chưa chuẩn hóa thông tin thuê bao cần sớm đến các điểm giao dịch để thực hiện bổ sung, cập nhật trước thời điểm bị thu hồi thuê bao 15/5 theo quy định.

Thực tế ghi nhận vào sáng 16/4, tại các điểm giao dịch của nhà mạng ở Hà Nội đều không có đông người đến làm thủ tục chuẩn hóa thông tin.

Điểm giao dịch Viettel Telecom trên đường Hoàng Quốc Việt (Hà Nội) thời điểm sáng 16/4 có nhiều người đến làm thủ tục. Nhân viên tại đây cho biết thời điểm này rất ít khách hàng đến làm thủ tục chuẩn hóa thông tin so với thời điểm 31/3.

100 triệu lượt tải ứng dụng chứa mã độc trên Android

Theo công ty bảo mật McAfee, mã độc Goldoson nằm trong một thư viện phần mềm từ bên thứ ba, được các công ty dùng để viết ứng dụng cho Android. Trong quá trình soạn app, các nhà phát triển đã sử dụng thư viện này và vô tình đưa chúng đến hàng chục triệu người dùng.

Trước khi bị phát hiện, mã độc Goldoson đã có mặt trong hàng loạt ứng dụng thu hút từ một triệu đến 10 triệu lượt tải như L.Point with L.Pay của Lotte, Swipe Brick Breaker, Money Manager Expense & Budget, Live Score, Compass 9, Lotte World Magicpass. Các ứng dụng này có 100 triệu lượt tải qua Play Store và khoảng 8 triệu lượt qua kho ứng dụng ONE store tại Hàn Quốc.

Theo các chuyên gia, Goldoson có khả năng thu thập danh sách ứng dụng của người dùng, lịch sử thông tin về Wi-Fi và Bluetooth, vị trí qua GPS. Các thông tin này giúp hacker làm giàu dữ liệu, thậm chí xác định được thông tin của nạn nhân. Chúng được thiết lập mặc định gửi đi hai ngày một lần, nhưng cũng có thể thay đổi chu kỳ từ xa theo lệnh của hacker.

Ngoài ra, mã độc chứa thành phần giúp gian lận quảng cáo bằng cách nhấp vào quảng cáo trong nền mà không cần sự đồng ý từ người dùng.

Tại sao 5 tuyến cáp quang biển đứt gần nửa năm chưa sửa xong?

Từ tháng 2, các đơn vị quản lý cáp quang biển đã đưa ra lịch sửa chữa, dự kiến hoàn thành một phần vào tháng 3. Tuy nhiên đến giữa tháng 4, cả 5 tuyến vẫn đang tiếp tục lỗi, báo Quân Đội Nhân Dân đưa tin.

Theo đại diện một nhà cung cấp dịch vụ Internet (ISP) tại Việt Nam cho biết, quá trình khắc phục tuyến cáp quốc tế gặp nhiều thách thức, trong đó có việc xin phép các nước để tiếp cận vị trí cáp. Ngoài ra, không loại trừ khả năng khắc phục xong vấn đề cũ lại phát hiện lỗi mới, nên thời gian hoàn thành bị chậm.

Việt Nam có 5 tuyến cáp quang biển đang hoạt động và đây là lần đầu cả 5 tuyến cùng gặp sự cố. Trong đó, tuyến AAE-1 bị lỗi từ ngày 24/11/2022 làm mất toàn bộ dung lượng kết nối quốc tế từ Việt Nam đi Hong Kong. Hai tuyến APG và AAG gặp sự cố vào tháng 12/2022 và tháng 1/2023, tuyến IA gặp lỗi cuối tháng 1/2023, trong khi tuyến SMW-3 là tháng 2/2023.

Các tuyến này đều thuộc sở hữu và quản lý của các liên minh, gồm nhiều doanh nghiệp viễn thông ở nhiều quốc gia khác nhau. Vì vậy, các nhà mạng Việt không thể chủ động trong việc khắc phục.

Ngày 9/2, Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo các nhà mạng mở thêm dung lượng cáp quang trên đất liền, chia sẻ, ứng cứu lưu lượng dịch vụ viễn thông và Internet đi quốc tế cho nhau. Tình trạng Internet chập chờn dần được khắc phục, nhưng theo đánh giá của nhiều người dùng, chất lượng Internet chưa thể trở lại như giai đoạn bình thường.

Tại hội nghị giao ban hôm 7/4, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cũng nhắc đến tình trạng của 5 tuyến cáp, nhấn mạnh hạ tầng nền kinh tế số không thể tiếp tục kém ổn định và thiếu bền vững như vừa qua bộc lộ. Theo ông, quản lý nhà nước tại Trung ương, địa phương và các doanh nghiệp viễn thông sẽ phải chịu trách nhiệm về chất lượng và sự bền vững của hạ tầng số quốc gia.

Được biết, Bộ Thông tin và Truyền thông đặt mục tiêu Việt Nam sẽ có 10 tuyến cáp quang biển trong 2 năm tới, trong đó có 3 tuyến do doanh nghiệp trong nước làm chủ để tránh tình trạng phụ thuộc vào các liên minh.

Hoàng Yên (T/h)

Tin nổi bật