Tài khoản YouTube, TikTok phải được định danh
Tại phiên giải trình do Ủy ban Tư pháp tổ chức ngày 8/5, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) Nguyễn Thanh Lâm cho biết, khi cơ quan điều tra đề nghị xác thực tài khoản trên mạng có dấu hiệu vi phạm, Bộ TT&TT sẽ có cơ chế phối hợp với Cục An toàn thông tin, Trung tâm Internet Việt Nam, Cục Phát thanh, truyền hình và Thông tin điện tử xác thực chủ tài khoản.
Ông Lâm cho biết, có trường hợp xác định được, nhưng cũng có trường hợp gặp khó khăn do một số sử dụng tin nhắn bằng ứng dụng OTT xuyên biên giới.
Theo ông Lâm, vướng mắc này sẽ được giải quyết bằng khuôn khổ pháp lý, cụ thể thông qua việc sửa đổi Luật Viễn thông. Trong đó, quy định mới sẽ quản lý các ứng dụng OTT nước ngoài như các nền tảng trong nước, nếu như không đáp ứng yêu cầu quản lý sẽ ngăn chặn.
Cùng với đó, Nghị định của Chính phủ thay thế nghị định về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng cũng sẽ được ban hành trong năm nay.
"Nghị định mới yêu cầu các chủ tài khoản mạng xã hội thực hiện định danh, dù sử dụng nền tảng của nước ngoài như Facebook, TikTok, YouTube hay trong nước", Thứ trưởng nói và cho biết, với tài khoản không định danh sẽ bị đấu tranh, ngăn chặn, xử lý với các mức độ khác nhau.
Đề cập vấn đề định danh điện tử, Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc - Thứ trưởng Bộ Công an - đồng tình thực trạng phạm tội trên không gian mạng và mạng viễn thông còn phức tạp. Về giải pháp, ông cho biết Bộ TT&TT sẽ thực hiện quyết liệt việc cắt liên lạc hai chiều với 1,2 triệu thuê bao chưa chuẩn hóa và "không ít trong số đó tiềm ẩn việc sử dụng để thực hiện hành vi phạm tội".
Song song, Bộ Công an cũng phối hợp Ngân hàng Nhà nước xác thực tài khoản thanh toán. "Như vậy, chúng ta sẽ tiếp cận và hạn chế được vấn đề tội phạm lừa đảo, phạm tội trên không gian mạng, lợi dụng công nghệ cao dưới hình thức sim điện thoại hay thanh toán tài khoản, tiền", ông Ngọc nói.
Twitter sắp xóa tài khoản không hoạt động
Tỷ phú sở hữu Twitter trong một tweet riêng cho biết các tài khoản không hoạt động sẽ bị xóa hoặc thu lại, song không cho biết thêm bất kỳ chi tiết nào về thời điểm quá trình này sẽ bắt đầu.
Ông Musk cũng cho biết người dùng trên nền tảng này có thể thấy số lượng người theo dõi giảm do một số tài khoản không hoạt động có thể bị xóa.
Theo chính sách của Twitter, người dùng nên đăng nhập vào tài khoản ít nhất 30 ngày một lần để tránh bị xóa vĩnh viễn.
Đầu tháng này, Musk đã "đe dọa" sẽ thu lại và cấp tài khoản Twitter của Đài NPR cho một đơn vị khác, sau khi đài phát thanh và truyền hình công cộng của Mỹ này ngừng đăng nội dung để phản đối bị Twitter gắn nhãn ám chỉ nội dung của họ bị chính quyền Mỹ can thiệp.
Tháng trước, Twitter đã xóa dấu tích xanh khỏi tài khoản của hàng nghìn người, bao gồm cả những người nổi tiếng, nhà báo và chính trị gia – những người không chịu trả tiền theo chính sách mới của dịch vụ này.
Việt Nam đứng thứ ba về chip xuất khẩu sang Mỹ
Theo báo cáo lĩnh vực công nghệ ICT của Việt Nam do Bộ Thông tin và Truyền thông công bố tuần qua, Việt Nam đứng thứ ba về doanh số xuất khẩu chip bán dẫn sang Mỹ, sau Malaysia và Đài Loan. Việt Nam cũng thuộc nhóm dẫn đầu về gia tăng xuất khẩu chip tới Mỹ, bên cạnh Thái Lan, Ấn Độ và Campuchia.
Kết quả này tương tự báo cáo của Cục Thống kê Dân số Mỹ. Cụ thể, trong tháng 2, các đơn hàng chip bán dẫn nhập khẩu vào Mỹ đạt 4,86 tỷ USD, tăng 17% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong số này, chip có nguồn gốc từ châu Á chiếm 83%.
Trong 10 thị trường Mỹ nhập khẩu nhiều nhất, Việt Nam là một trong sáu thị trường tăng trưởng dương từ tháng 2/2022 đến 2/2023, trong khi doanh thu từ Malaysia, Trung Quốc đại lục, Nhật Bản, Philippines giảm.
Doanh thu từ thị trường Mỹ của ngành chip Việt Nam tăng 74,9%, từ 321,7 triệu USD trong tháng 2/2022 lên 562,5 triệu USD tháng 2 năm nay, chiếm 11,6% thị phần. Đây cũng là tháng thứ bảy liên tiếp chip "Made in Vietnam" đạt hơn 10% thị phần tại nước này.
Hoàng Yên (T/h)