Cứu sống 9 ngư dân trôi dạt nhiều giờ trên biển
UBND phường Thuận An (TP. Huế, tỉnh Thừa Thiên - Huế) đã phối hợp với lực lượng chức năng cứu hộ cứu nạn thành công 9 ngư dân trên tàu cá TTH-96365TS bị chìm trên biển.
Trước đó, vào tối 2/10, tàu cá mang số hiệu TTH 96365TS do ông Dương Đe (SN 1978, phường Thuận An, TP. Huế) làm chủ tàu, trên tàu có 9 thuyền viên đang khai thác thủy sản thì bị sóng đánh chìm.
Sau khi thông báo, phát tín hiệu gặp nạn, toàn bộ 9 ngư dân trên đã rời tàu cá bằng phao cứu sinh để đảm bảo an toàn tính mạng.
Đưa các ngư dân gặp nạn vào bờ an toàn. (Ảnh: Công lý)
Sau khi tiếp nhận thông tin, UBND phường Thuận An đã phối hợp với Đồn Biên phòng Cửa khẩu Cảng Thuận An huy động tàu thuyền đang đánh bắt ở khu vực lân cận tiếp cận, cứu hộ cứu nạn.
Đến 22h40, toàn bộ 9 ngư dân được tàu cá mang số hiệu NA 99886TS do anh Lê Quốc Thế (36 tuổi, trú thị xã Hoàng Mai, Nghệ An) đang làm nghề câu phối hợp với tàu của Hải đội 2 Biên phòng cùng hai tàu cá khác đưa vào bờ.
Hiện 9 ngư dân sức khỏe bình thường.
Chủ động xử lý môi trường sau khi nước lũ rút
Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh (CDC Hà Tĩnh), đến hết ngày 2/10, toàn tỉnh có 23 xã, 53 thôn, gần 3.971 hộ, 1.783 giếng và 1.597 công trình vệ sinh bị ngập lụt do đợt mưa lớn vừa qua.
Với thời tiết ẩm ướt, mưa nhiều như hiện nay, nguy cơ bùng phát dịch sốt xuất huyết, các bệnh về đường hô hấp, phổ biến nhất là cúm, cảm lạnh. Đặc biệt, sau những đợt mưa lũ, điều kiện vệ sinh suy giảm, nước sinh hoạt có nguy cơ bị ô nhiễm là những yếu tố có thể gây ra bệnh đau mắt đỏ.
Với phương châm nước rút đến đâu, xử lý môi trường đến đó, CDC Hà Tĩnh đã cử các đội cơ động phòng chống, dịch có mặt tại các địa phương bị ngập nặng hướng dẫn làm vệ sinh môi trường, xử lý ô nhiễm ngay sau khi nước rút, đảm bảo không để xảy ra tình trạng ô nhiễm môi trường thứ phát và phát sinh dịch bệnh.
Để chủ động phòng chống dịch bệnh mùa lũ, trước đó, CDC Hà Tĩnh đã chủ động cấp 530.000 viên Aquatab, 1.800kg CloraminB, 1.272 chai nước rửa tay, 50.000 khẩu trang y tế cho các trung tâm y tế huyện, thị, thành phố.
Cán bộ CDC Hà Tĩnh cùng với Trung tâm Y tế huyện Hương Khê hướng dẫn người dân pha Cloramin B để xử lý môi trường. (Ảnh: Báo Hà Tĩnh)
CDC Hà Tĩnh cũng đề nghị trung tâm y tế các địa phương phối hợp chặt chẽ với chính quyền chủ động nguồn lực, chuẩn bị trang thiết bị, phương tiện để sẵn sàng triển khai hoạt động thu gom rác, vệ sinh môi trường sau lũ lụt. Tổ chức huy động nhân dân vệ sinh khu dân cư, đường làng, ngõ xóm, khơi thông cống rãnh, dòng chảy, đặc biệt là vệ sinh các khu vực chuồng trại chăn nuôi. Chủ động bố trí kinh phí để mua hóa chất xử lý môi trường và Cloramin B nhằm kịp thời cấp phát cho người dân vùng ngập lụt xử lý nước; hướng dẫn nhân dân sửa chữa các giếng nước, bể chứa và khử trùng để chủ động về nguồn nước đảm bảo vệ sinh phục vụ sinh hoạt.
Giá xăng tiếp tục giảm mạnh, về hơn 20.000 đồng/lít
Giá xăng tiếp tục giảm mạnh. (Ảnh: Người lao động)
Ngày 3/10, Liên Bộ Công Thương - Tài chính vừa điều chỉnh giá xăng dầu trong nước, áp dụng từ 15 giờ cùng ngày.
Cụ thể, xăng E5RON92 giảm 1.049 đồng/lít, có giá bán 20.732 đồng/lít; xăng RON95 giảm 1.141 đồng/lít, có giá bán không cao hơn 21.443 đồng/lít. Như vậy, xăng đã có lần giảm giá thứ 4 liên tiếp.
Tương tự, dầu diesel giảm 328 đồng/lít, có giá 22.208 đồng/lít; dầu hỏa giảm 753 đồng/lít, có giá 21.688 đồng/lít; dầu mazut giảm 562 đồng/kg, có giá 14.094 đồng/kg.
Liên Bộ thực hiện trích Quỹ bình ổn giá xăng dầu với xăng E5RON92 ở mức 451 đồng/lít, xăng RON95 ở mức 600 đồng/lít, dầu diesel ở mức 300 đồng/lít, dầu hỏa ở mức 300 đồng/lít và dầu mazut ở mức 741 đồng/kg.
Trong các kỳ điều chỉnh giá gần đây, Liên Bộ Công Thương - Tài chính thường xuyên trích lập quỹ ở mức khá cao để khôi phục quỹ, tạo dư địa điều hành giá trong bối cảnh thị trường xăng dầu còn diễn biến khó lường.
Việt Hương (T/h)