Các bệnh viện đầu ngành hỗ trợ y tế cho miền Trung khi bão số 4 đổ bộ
Bộ Y tế đã có công văn gửi Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các bệnh viện, viện có giường bệnh trực thuộc Bộ Y tế về việc triển khai hỗ trợ công tác khám chữa bệnh, khắc phục hậu quả mưa lũ.
Cục Quản lý Khám, Chữa bệnh yêu cầu các đơn vị tại địa bàn chịu ảnh hưởng của bão lũ (các tỉnh/thành phố ven biển từ Quảng Ninh đến Bình Thuận) khẩn trương thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn cho người bệnh, nhân viên y tế, cụ thể di chuyển, sơ tán các đơn vị cấp cứu, hồi sức tích cực, người bệnh nặng cần thở máy, chạy thận...
Vận chuyển di dời các máy móc, thiết bị y tế cấp cứu, hồi sức, hồ sơ bệnh án... đến khu vực cao, tránh bị ngập lụt; Bảo đảm an toàn phòng chống cháy nổ; Bảo đảm nguồn điện nước dự phòng, bảo đảm thông suốt về thông tin liên lạc với các đơn vị hỗ trợ và cơ quan quản lý trực tiếp.
Cán bộ, chiến sĩ ở Quảng Nam sơ tán người già, trẻ em, người đau ốm đến nơi trú ẩn an toàn. (Ảnh: VOV)
Cục Quản lý khám, chữa bệnh cũng yêu cầu các đơn vị tại các địa bàn không bị ảnh hưởng của bão lũ, đặc biệt là bệnh viện, viện có giường bệnh trực thuộc Bộ Y tế trên địa bản Hà Nội, TP.HCM (bệnh viện Bạch Mai, bệnh viện Chợ Rẫy, bệnh viện Đại học Y Hà Nội, bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM...) chuẩn bị phương án tham gia hỗ trợ.
Cụ thể, cử 20-30 người, thành phần gồm các bác sĩ, điều dưỡng/kỹ thuật viên chuyên ngành cấp cứu, hồi sức tích cực, ngoại, chấn thương, kiểm soát nhiễm khuẩn...;
Chuẩn bị cơ số thuốc, trang thiết bị, phương tiện phục vụ cấp cứu, hồi sức tích cực, ngoại chấn thương và nhu cầu khám chữa bệnh của người dân sau bão lũ;
Sẵn sàng đến hỗ trợ cho các đơn vị tại miền Trung khôi phục hoạt động khám chữa bệnh khi được lệnh điều động từ Ban Chỉ huy Bộ Y tế.
Chính thức "xóa sổ" Tổng cục Đường bộ từ 1/10
Ông Nguyễn Xuân Cường - Quyền Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam - cho biết trên Tiền phong, triển khai Nghị định 56 của Chính phủ về chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức của Bộ GTVT, đến nay, các điều kiện đối với Cục Đường bộ Việt Nam đã hoàn tất, sẵn sàng vận hành từ ngày 1/10 thay cho Tổng cục Đường bộ.
Đó là thông tin được ông Cường đưa ra tại Hội nghị giao ban quý 3/2022 của Bộ Giao thông vận tải (GTVT) sáng 27/9.
"Thực hiện chủ trương chuyển đổi toàn bộ Tổng cục Đường bộ Việt Nam (ĐBVN) về Cục ĐBVN, có 320 cán bộ đang được thực hiện quy trình bổ nhiệm. Trong đó, 105 quyết định thuộc thẩm quyền của Cục trưởng", ông Cường nói.
Ông Cường cho biết, sau rà soát, có 19 vị trí dôi dư. Thực hiện các quy định hiện hành, Cục ĐBVN sẽ sắp xếp các vị trí nhân sự dôi dư trong 3 năm.
Trước đó, ngày 23/9, Bộ trưởng Bộ GTVT đã ký Quyết định số 1218 về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cục ĐBVN.
Cục Đường bộ Việt Nam là tổ chức trực thuộc Bộ GTVT, thực hiện chức năng tham mưu, giúp Bộ trưởng Bộ GTVT quản lý nhà nước và tổ chức thực thi pháp luật về GTVT đường bộ trong phạm vi cả nước; tổ chức thực hiện các dịch vụ công về giao thông vận tải đường bộ theo quy định của pháp luật.
Về cơ cấu tổ chức, Cục Đường bộ Việt Nam có 14 đầu mối bao gồm: Phòng Tổ chức - Hành chính; Phòng Pháp chế - Thanh tra; Phòng Kế hoạch - Đầu tư; Phòng Tài chính; Phòng Quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông; Phòng Quản lý vận tải, phương tiện và người lái; Phòng Khoa học công nghệ, Môi trường và Hợp tác quốc tế; Chi cục Quản lý đầu tư xây dựng đường bộ.
Tổng cục Đường bộ Việt Nam.
Cùng đó là các Khu Quản lý đường bộ: I, II, III, IV và các đơn vị: Trường Cao đẳng Giao thông vận tải; Trung tâm Kỹ thuật đường bộ.
Trong quyết định cũng nêu các điều khoản chuyển tiếp các đơn vị: Ban Quản lý dự án (QLDA) 3, Ban QLDA 4, Ban QLDA 5, Ban QLDA 8, Trung tâm Truyền thông và Thông tin đường bộ, Cụm phà Vàm Cống, Trung tâm Kỹ thuật đường bộ 1, Trung tâm Kỹ thuật đường bộ 2, Trung tâm Kỹ thuật đường bộ 3 và Trung tâm Kỹ thuật đường bộ 4 tiếp tục duy trì hoạt động theo quy định hiện hành cho đến khi cơ quan có thẩm quyền hoàn thành việc sắp xếp đối với các đơn vị này.
Động đất 3,5 độ richter ở Kon Tum trước khi bão số 4 đổ bộ vào
Ngày 27/9, thông tin từ Trung tâm báo tin động đất và cảnh báo sóng thần - Viện Vật lý Địa cầu, cho biết tại địa bàn thôn Vi Rin, xã Đăk Tăng, huyện Kon Plong, tỉnh Kon Tum, cho biết tại địa bàn thôn vừa xảy ra trận động đất.
Theo đó, trưa cùng ngày, một trận động đất 3.2 độ richter xảy ra tại vị trí tọa độ 14.929 độ vĩ Bắc, 108.250 độ kinh Đông, độ sâu chấn tiêu khoảng 8,1 km. Trận động đất này xảy ra ngay trước thềm cơn bão số 4 đổ bộ, trong đó tỉnh Kon Tum là một trong những địa phương được dự báo chịu ảnh hưởng nặng nề.
Việt Hương (T/h)