Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Tin thời sự mới nóng nhất 20/1: TP.HCM lên 7 phương án ứng phó với 7 cấp độ dịch Covid-19 dịp Tết

  • Việt Hương
(DS&PL) -

Tin tức thời sự 24h mới nhất ngày 20/1/2023. Cập nhật tin tức thời sự 24h nóng nhất ngày 20/1/2023 trên trang Đời sống & Pháp luật.

TP.HCM lên 7 phương án ứng phó với 7 cấp độ dịch Covid-19 dịp Tết

Theo VOV, Sở Y tế TP.HCM nhận định, dịch Covid-19 hiện cơ bản được kiểm soát. Tuy nhiên, trên thế giới, tình hình Covid-19 vẫn đang phức tạp với sự xuất hiện các biến thể phụ mới. Đáng lưu ý, sự giao lưu, đi lại và thương mại qua biên giới dịp Tết sẽ làm tăng nguy cơ xâm nhập các biến thể phụ vào nước ta.

Do đó, để chuẩn bị sẵn sàng các kịch bản phù hợp cho từng cấp độ dịch bệnh và không để bùng phát dịch trong cộng đồng, ngành y tế TP.HCM huy động nguồn nhân lực thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại Bệnh viện Dã chiến số 13. Bệnh viện này vừa được kích hoạt, diễn tập vào ngày 17/1 với quy mô 100 giường hồi sức tích cực tại địa chỉ 9A-B, Nguyễn Văn Linh, xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh.

Trước mắt, nhân sự làm việc tại Bệnh viện Dã chiến số 13 được điều động từ 9 bệnh viện gồm: Bệnh Nhiệt đới, Nhân dân 115, Nhân dân Gia Định, Nguyễn Trãi, Trưng Vương, Nguyễn Tri Phương, Phạm Ngọc Thạch, Đa khoa khu vực Thủ Đức, An Bình.

Ngoài ra, Sở Y tế TP.HCM còn đề nghị 51 cơ sở y tế trực thuộc chuẩn bị nhân sự, ưu tiên người có kinh nghiệm hoặc được đào tạo chuyên môn về hồi sức cấp cứu. Trong vòng 24 giờ kể từ khi có yêu cầu kích hoạt, sẵn sàng hỗ trợ công tác khám, chăm sóc và điều trị bệnh nhân tại Bệnh viện Dã chiến số 13.

Diễn tập Covid-19 Tết Nguyên đán 2023: Ê kíp cấp cứu (mặc áo quần phòng hộ và đeo khẩu trang N95) di chuyển người bệnh xuống xe và bàn giao cho nhân viên y tế tại khu Hồi sức tích cực của Bệnh viện dã chiến số 13. (Ảnh: Sở Y tế TP.HCM)

 

 

Sở Y tế TP.HCM đưa ra 7 tình huống ứng phó 7 cấp độ dịch sẽ được triển khai phòng, chống Covid-19 trong dịp Tết Nguyên đán. Tình huống 1 với 100 giường hồi sức cần 162 người, trong đó có 54 bác sĩ và 108 điều dưỡng. Tình huống 2 từ 300 - 600 giường (có 100 giường hồi sức) cần 240 người, trong đó có 80 bác sĩ và 160 điều dưỡng. Tình huống 3 khoảng 600 - 900 giường (trong đó có 150 giường hồi sức) cần 348 người, trong đó có 116 bác sĩ và 232 điều dưỡng.

Tình huống 4 từ 900 - 1.200 giường (có 200 giường hồi sức), cần 474 người, trong đó có 158 bác sĩ và 316 điều dưỡng. Tình huống 5 từ 1.200 - 1.500 giường (có 250 giường hồi sức) cần 588 người, trong đó có 196 bác sĩ và 392 điều dưỡng. Tình huống 6 có 1.500 - 1.800 giường (có 300 giường hồi sức) cần 708 người, trong đó 236 bác sĩ và 472 điều dưỡng. Tình huống 7 với trên 1.800 giường (có 450 giường hồi sức) cần 954 người, trong đó 318 bác sĩ và 636 điều dưỡng.

Dập nát bàn tay vì tự chế pháo để chơi Tết

Tiến sĩ, bác sĩ Bùi Mai Anh, Khoa Phẫu thuật Hàm mặt-Tạo hình-Thẩm mỹ, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cho biết trên báo Nhân dân, bệnh nhân vào viện trong tình trạng tỉnh táo, bàn tay phải dập nát nhiều vết thương; ngón 1 dập nát xẹp lạnh, không chảy máu; gân gấp tuốt dài; vết thương bẩn, nguy cơ nhiễm trùng cao.

Theo bác sĩ Mai Anh, nếu không giữ được ngón cái cho bệnh nhân thì chức năng bàn tay mất 80%, gân gấp tuốt dài nếu không được nối lại chức năng vận động của ngón kém. Do tai nạn pháo nổ nên phần mềm dập nát, nguy cơ tắc mạch sau nối ngón cao.

Do đó, các bác sĩ đã phải tiến hành mở rộng lên cẳng tay để tìm đầu trung tâm của gân gấp bị đứt và nối lại cho bệnh nhân. Mạch máu của ngón nhỏ, co thắt nên các bác sĩ phải nối bằng chỉ nhỏ 11/0.

Các bác sĩ thăm khám cho bệnh nhân sau phẫu thuật. (Ảnh: Bệnh viện)

 

Hiện tại bệnh nhân có thể cử động nhẹ nhàng ngón, nối ngón hồng ấm, tiếp tục theo dõi và điều trị tại Khoa Phẫu thuật Hàm mặt-Tạo hình-Thẩm mỹ.

PGS, TS Nguyễn Hồng Hà, Trưởng khoa Khoa Phẫu thuật Hàm mặt-Tạo hình-Thẩm mỹ cho biết: Mặc dù đã tích cực tuyên truyền về hậu quả nghiêm trọng của pháo tự chế nhưng cứ vào dịp giáp Tết lại càng có nhiều bệnh nhân nhập viện trong tình trạng chấn thương nặng, ảnh hưởng đến tính mạng và sức khỏe, nhiều trường hợp phải chịu thương tật suốt đời.

Để không còn những tai nạn thương tâm do pháo nổ, các bác sĩ khuyến cáo người dân cần nghiêm chỉnh chấp hành các quy định của pháp luật về quản lý và sử dụng pháo nổ, không tự ý chế tạo thuốc nổ, pháo nổ gây đe dọa tính mạng của bản thân và những người chung quanh.

CSGT Đồng Nai "tiếp sức" người dân về quê đón Tết

Ngày 19/1 (28 Tết), 5 tổ công tác gồm hàng chục CBCS của Phòng Cảnh sát giao thông, Công an tỉnh Đồng Nai đã có mặt tại các tuyến quốc lộ có đông dân về quê đón Tết để phát nước và khăn lạnh miễn phí cũng như tặng mũ bảo hiểm...

Tại mỗi địa điểm đều có băng rôn thông báo từ xa. Khi người dân ghé vào, CSGT nhanh chóng tặng nước, khăn lạnh cho họ. Đặc biệt, các tổ đã chuẩn bị hàng trăm mũ bảo hiểm để phát cho người dân, nhất là các trẻ em theo ba mẹ về quê đón Tết cùng gia đình. Nhiều trẻ tỏ ra thích thú khi được các chú CSTG tự tay đội mũ bảo hiểm lên đầu giúp.

Ngoài ra, một số người dân đội mũ bảo hiểm hư hỏng, cũ, không đảm bảo an toàn cũng được CSGT mời vào để tặng mũ mới. Các tuyến chính được CSGT chọn tiếp sức cho người dân về quê đón Tết là Quốc lộ 51, Quốc lộ 1, Quốc lộ 20.

Theo đại diện Phòng Cảnh sát giao thông - Công an tỉnh Đồng Nai chương trình “Hỗ trợ bà con vui xuân đón Tết” là sự đồng hành, chia sẻ của lực lượng Cảnh sát giao thông gửi tới người dân. Ngoài những phần quà nhỏ, những lời động viên tinh thần, người dân trên đường về quê khi gặp khó khăn có thể liên hệ trực tiếp đến các chiến sĩ CSGT để được hỗ trợ, giúp đỡ kịp thời.

Việt Hương (T/h)

Tin nổi bật