Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Tin thế giới mới nhất ngày 30/8

(DS&PL) -

Tin thế giới mới nhất ngày 30/8: Tổng thống Trump lại ngụ ý dùng vũ lực răn đe Triều Tiên; Hòn đảo Nga ‘biến mất’ bí ẩn sau khi Triều Tiên phóng tên lửa đạn đạo;

Tin thế giới mới nhất ngày 30/8: Tổng thống Trump lại ngụ ý dùng vũ lực răn đe Triều Tiên; Hòn đảo Nga ‘biến mất’ bí ẩn sau khi Triều Tiên phóng tên lửa đạn đạo; Bình Nhưỡng cáo buộc Washington đẩy bán đảo Triều Tiên đến 'mức bùng nổ';...

Tổng thống Trump lại ngụ ý dùng vũ lực răn đe Triều Tiên

Báo Tri thức trực tuyến dẫn nguồn tin theo AFP, Tổng thống Trump cảnh báo Triều Tiên sẽ không đạt được gì ngoài sự tự cô lập. Ông Trump một lần nữa nhắc lại đe dọa sử dụng "mọi biện pháp" để đối phó với Triều Tiên.

Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: AFP.

"Những hành động đe dọa và gây bất ổn sẽ chỉ càng cô lập Bình Nhưỡng khỏi cộng đồng quốc tế. Mọi biện pháp đối phó sẽ được xem xét", ông chủ Nhà Trắng đưa ra tuyên bố hôm 29/8.

Ông Trump cáo buộc Bình Nhưỡng "coi thường các nước láng giềng và coi thường các thành viên của Liên Hợp Quốc". Tổng thống Mỹ cũng mỉa mai Triều Tiên "không có khả năng hành xử theo tiêu chuẩn tối thiểu của cộng đồng quốc tế".

Tuyên bố của ông Trump làm người ta nhớ lại đe dọa trút "hỏa lực và thịnh nộ" lên Triều Tiên hồi đầu tháng 8. Đáp lại, Bình Nhưỡng đã dọa sẽ phóng tên lửa tới Guam và biến căn cứ quân sự Mỹ thành biển lửa.

Cũng trong ngày 29/8, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã điện đàm với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe. Nhà Trắng khẳng định hành động phóng tên lửa mới đây của Triều Tiên là "mối hiểm họa trực tiếp và chết chóc" tới Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc và cam kết sẽ phối hợp cùng Nhật Bản gia tăng sức ép lên Triều Tiên.

Rạng sáng 29/8, Triều Tiên đã phóng một tên lửa bay qua bầu trời Nhật Bản xuống Thái Bình Dương. Theo Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Hàn Quốc, tên lửa bay được hơn 2.700 km và đạt độ cao tối đa khoảng 550 km. Đây là lần đầu tiên tên lửa Triều Tiên bay qua vùng trời Nhật Bản trong nhiều năm qua và là lần phóng thử tên lửa thứ 20 của Triều Tiên trong năm nay.

Hòn đảo Nga ‘biến mất’ bí ẩn sau khi Triều Tiên phóng tên lửa đạn đạo

TTXVN đưa tin, ngày 29/8, Đài phát thanh Sputnik cho hay, hiện trên bản đồ trực tuyến của công ty công nghệ Yandex của Nga đã không còn nhìn thấy hình ảnh của đảo Sakhalin.

Vị trí được viền đỏ vốn dĩ có hình ảnh của đảo Sakhalin.

Hòn đảo thuộc khu vực Viễn Đông của Nga đã hoàn toàn biến mất khi chúng ta tìm kiếm trong phạm vi 180-3000 km từ bề mặt Trái Đất.

Sự cố kỹ thuật lần đầu tiên được phát hiện khi dùng ứng dụng bản đồ Yandex trên cả phiên bản iOS và Android vào lúc 2h sáng (giờ địa phương Nga ngày 29/8) – tương đương 6h sáng ngày 29/8 (giờ Việt Nam).

Thời điểm này hoàn toàn trùng khớp với khoảng thời gian Triều Tiên phóng một quả tên lửa đạn đạo tầm trung bay qua lãnh thổ Nhật Bản và rơi xuống vùng biển Thái Bình Dương cách đảo Hokkaido 1.180 km.

Tuy nhiên, các quan chức Yandex đã giải thích nguyên do cho sự cố kỹ thuật “mất đảo” trên là vì lúc đó dịch vụ bản đồ đang nâng cấp. Ban lãnh đạo công ty cũng hứa hẹn hòn đảo sẽ sớm được cập nhật và quay trở lại trên bản đồ trực tuyến.

Theo ông Dmitry Gorchakov - Thư ký báo chí tập đoàn Yandex, công ty đã sữa lỗi kỹ thuật và đảo Sakhalin sẽ sớm trở lại trên dịch vụ phiên bản điện thoại và website.

Bình Nhưỡng cáo buộc Washington đẩy bán đảo Triều Tiên đến 'mức bùng nổ'

Báo VnExpress thông tin, ngày 29/8, Han Tae Song, đại sứ Triều Tiên tại Liên Hợp Quốc hôm nay nói rằng Mỹ "đang đẩy tình hình bán đảo Triều Tiên tới mức bùng nổ bằng cách triển khai các tài sản chiến lược khổng lồ quanh bán đảo và tiến hành một loạt cuộc tập trận chiến tranh hạt nhân".

Người Hàn Quốc xem bản tin về việc Triều Tiên phóng tên lửa ngày 29/8. Ảnh: AFP.

"Bây giờ Mỹ đã tuyên bố công khai ý định thù địch của mình đối với Triều Tiên bằng cách tiến hành các cuộc tập trận chung hung hăng, bất chấp những cảnh báo lặp đi lặp lại. Nước tôi có mọi lý do để phản ứng bằng các biện pháp cứng rắn, đó là quyền tự vệ của chúng tôi", ông Han với Hội nghị Giải trừ quân bị của Liên Hợp Quốc.

"Mỹ sẽ phải hoàn toàn chịu trách nhiệm về hậu quả thảm khốc mà họ sẽ tự chuốc lấy", ông Han nhấn mạnh.

Ông Han không đề cập rõ ràng tới cuộc thử nghiệm mới nhất của Triều Tiên vào sáng nay, khi họ phóng một tên lửa từ Sunan, bay qua Nhật Bản và rơi xuống biển.

Seoul và Washington tuần trước bắt đầu tập trận chung thường niên, một sự kiện bị Trung Quốc phản đối và bị Triều Tiên coi là hành động diễn tập xâm lược. Bình Nhưỡng luôn phản ứng bằng những lời đe dọa đáp trả quân sự mạnh mẽ.

Đảng Pheu Thai: Bà Yingluck sẽ xuất hiện trước công chúng

Theo báo Dân trí, trong tuyên bố phát đi hôm 29/8, Đảng Pheu Thai (Đảng vì nước Thái) cho biết, cựu Thủ tướng Yingluck sẽ xuất hiện trước công chúng vào “thời gian thích hợp”. Tuy nhiên, thông cáo không nêu rõ tại sao có thể đưa ra khẳng định này.

Cựu Thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra (Ảnh: Reuters)

Trước đó các thành viên của Pheu Thai nói rằng, bà Yingluck đã rời khỏi Thái Lan và hiện “an toàn” ở Dubai.

Các thành viên trong đảng Pheu Thai cuối tuần trước cho biết, không có bà Yingluck, đảng của họ rơi vào tình trạng không có người lãnh đạo. Tuy nhiên, trong thông cáo hôm nay, Pheu Thai cam kết sẽ tiếp tục đấu tranh vì dân chủ, vì lợi ích của người dân.

"Pheu Thai đã trải qua những thăng trầm, nhưng các thành viên của đảng vẫn cam kết đấu tranh vì dân chủ. Chúng tôi muốn nói rằng đảng của chúng tôi đã trải qua những sự kiện quan trọng. Nhưng những trở ngại mà chúng tôi đang phải trải qua chỉ khiến chúng tôi thêm quyết tâm cống hiến vì hạnh phúc của người dân Thái Lan", thông cáo nêu rõ.

Bà Yingluck, 50 tuổi, nữ thủ tướng đầu tiên của Thái Lan, bị phế truất sau một cuộc đảo chính quân sự hồi năm 2014. Bà bị cáo buộc sơ suất trong chính sách trợ giá gạo gây ra thất thoát hàng tỷ USD cho chính phủ. Nếu bị tuyên có tội, bà sẽ phải đối diện với án 10 năm tù và bị cấm tham gia chính trị trọn đời theo hiến pháp mới do quân đội soạn thảo.

Tuy nhiên, bà đã vắng mặt tại phiên tòa luận tội dự kiến diễn ra sáng 25/8 buộc tòa án phải dời phiên tòa sang ngày 27/9.

Nga, Trung Quốc nói gì sau vụ thử tên lửa của Triều Tiên?

Theo báo Tiền Phong, trong cuộc họp báo hàng ngày, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hua Chunying có đề cập đến vụ phóng tên lửa bay qua lãnh thổ Nhật Bản vào sáng ngày 29/8.

Màn hình TV công cộng ở Tokyo, Nhật Bản, phát tin về vụ thử tên lửa sáng nay của Triều Tiên. Ảnh: Reuters

Không khác với những lần trước, Bắc Kinh tiếp tục kêu gọi các bên kiềm chế để tránh tình hình leo thang theo chiều hướng phức tạp hơn.

Ngược lại với phản ứng hời hợt từ Trung Quốc, Nga đánh giá mối đe dọa tên lửa từ Triều Tiên không phải không có căn cứ, đồng thời cho rằng, các lệnh trừng phạt gần đây của Liên Hợp Quốc áp lên Bình Nhưỡng không mang lại kết quả tốt.

“Bình Nhưỡng đã chứng minh được lời đe dọa nhắm đến căn cứ quân sự của Mỹ trên đảo Guam không phải là trò lừa đảo”, Reuters dẫn lời ông Konstantin Kosachev, Chủ tịch Ủy ban Các vấn đề Quốc tế Thượng viện Nga, nhận xét.
Trước đó, Quân đội Nhật Bản nhận định, tên lửa mới phóng thử có thể là Hwasong-12, tên lửa đạn đạo xuyên lục địa tầm trung mà Bình Nhưỡng từng tuyên bố sẽ dùng để tấn công Guam.

Theo ông Kosachev, nghị quyết trừng phạt Triều Tiên của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc thông qua ngày 5/8 đã thất bại trong việc kiềm chế tham vọng hạt nhân của quốc gia Đông Bắc Á này, vì tình hình hiện tại trên Bán đảo Triều Tiên đang phát triển theo hướng có thể sẽ xảy ra một cuộc xung đột song phương giữa Washington và Bình Nhưỡng.

Cùng ngày, chính quyền Tokyo kêu gọi các hành động thiết thực hơn từ Trung Quốc và Nga để ngăn chặn chương trình tên lửa và hạt nhân của Triều Tiên, đang ngày càng đe dọa nghiêm trọng hơn đến an ninh quốc gia Nhật Bản.

“Vai trò của Trung Quốc và Nga là vô cùng quan trọng. Chúng tôi kêu gọi hai quốc gia này hành động ở các mức độ khác nhau để nâng cao vị thế một cách tích cực và mang tính xây dựng hơn liên quan đến vấn đề Triều Tiên. Chúng tôi cũng đang đẩy mạnh những nỗ lực này”, Sputnik dẫn lời Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga.

So với các động thái tên lửa và hạt nhân trước đây từ chính quyền Kim Jong-un, Tokyo quan ngại sâu sắc về vụ thử nghiệm mới này. Bởi lần đầu tiên sau hơn 2 thập kỷ, tên lửa Triều Tiên đã bay qua lãnh thổ Nhật Bản.

(Tổng hợp)

Tin nổi bật