Theo thông tin ban đầu, vào khoảng hơn 3h ngày 31/12, chiếc xe tải mang BKS: 29C-545.98 (chưa rõ danh tính lái xe) lưu thông trên quốc lộ 1A theo hướng Bắc - Nam, khi đến đoạn qua phường Quỳnh Xuân, thị xã Hoàng Mai, tỉnh Nghệ An bất ngờ tông vào đuôi một chiếc xe tải khác đang lưu thông phía trước.
Tài xế mắc kẹt trong cabin bẹp dúm. Ảnh: Infonet |
Cú va chạm mạnh khiến chiếc phần đầu xe tải này biến dạng bẹp dúm, tài xế bị kẹt cứng trong cabin.
Nhận được tin báo, Phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ (PCCC&CNCH), Công an tỉnh Nghệ An đã chỉ đạo Đội CC&CNCH số 4 và số 9, điều 1 xe chuyên dụng, 1 xe chữa cháy cùng 16 cán bộ đến hiện trường.
Ngay sau đó, lực lượng CHCN đã sử dụng kích thủy lực cùng các dụng cụ chuyên dụng khác để phá cắt cabin, giải cứu nạn nhân ra ngoài đưa đi cấp cứu.
Hiện nguyên nhân vụ tai nạn vẫn đang được cơ quan chức năng tỉnh Nghệ An điều tra, làm rõ.
Ngày 31/12, Phòng Cảnh sát giao thông (Công an Thanh Hóa) cho biết: Các cơ quan chức năng tỉnh Thanh Hóa vẫn đang tiến hành điều tra, làm rõ vụ tai nạn khiến 3 người chết, 1 người bị thương.
Cụ thể, vụ tai nạn giao thông xảy ra vào khoảng 21h30 ngày 29/12, tại Km 554+400 trên đường mòn Hồ Chí Minh đoạn chạy qua địa phận xã Minh Tiến, huyện Ngọc Lặc (Thanh Hóa).
Hiện trường vụ tai nạn tối 29/12 tại Ngọc Lặc, Thanh Hóa. Ảnh: Infonet |
Vào thời điểm trên, Nguyễn Quốc Quân (SN 1982, trú huyện Cẩm Thủy, Thanh Hóa) điều khiển xe ô tô mang BKS: 36N-0838 khi chạy đến đoạn đường trên thì xảy ra va chạm với 2 xe máy mang BKS: 36B1-140.54 và 36K5-172.77; 2 xe máy này cùng chở 1 người ngồi phía sau.
Cú va chạm mạnh khiến Lê Văn Đạo (SN 2004), Bùi Văn Niệm (SN 2002), Lê Văn Sỹ (SN 2002), đều trú xã Nguyệt Ấn, huyện Ngọc Lặc - Thanh Hóa tử vong tại chỗ. Trong khi Lê Tuấn Khuê (SN 2005, trú xã Phùng Minh, huyện Ngọc Lặc) cũng bị thương nặng.
Tại hiện trường, 2 chiếc xe máy bị hư hỏng nặng. Ngay sau khi sự việc xảy ra, Công an huyện Ngọc Lặc đã nhanh chóng có mặt tại hiện trường điều tra, làm rõ nguyên nhân sự việc.
Ngày 30/12, Thủ tướng Chính phủ chính thức ký ban hành Nghị định số 100/2019 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt thay thế Nghị định số 46/2016 của Chính phủ với nhiều điểm mới. Nghị định sẽ có hiệu lực từ ngày 1/1/2020. Đáng chú ý, Nghị định xử phạt cả đối với hành vi người điều khiển xe đạp, xe thô sơ sau khi đã uống rượu bia lái xe.
Người tham gia giao thông bằng xe đạp, xe thô sơ, xe đạp điện sẽ bị xử phạt nếu có nồng độ cồn. Ảnh minh họa |
Cụ thể: Điều 8 Nghị định 100 quy định: Phạt 80.000 đến 100.000 đồng khi lái xe có nồng độ cồn nhưng chưa vượt quá 50 miligam/100 mililít máu hoặc chưa vượt quá 0,25 miligam/1 lít khí thở. Phạt từ 200.000 đồng đến 300.000 đồng khi người đi xe đạp, xe đạp điện có nồng độ cồn vượt quá 50 miligam đến 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,25 miligam đến 0,4 miligam/1 lít khí thở; từ 400.000 đồng đến 600.000 đồng khi trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở.
Theo ban soạn thảo Nghị định, lần đầu tiên Chính phủ quy định mức phạt đối với người đi xe đạp, xe thô sơ, xe đạp điện vi phạm nồng độ cồn. Việc quy định nội dung này để phù hợp với quy định của Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia sẽ có hiệu lực từ 1/1/2020, đáp ứng yêu cầu thực tiễn của công tác bảo đảm trật tự ATGT.
"Nếu trước đây, xe đạp và xe thô sơ không bị xử phạt khi người điều khiển có nồng độ cồn thì nay, mức xử phạt đã có, và có thể lên tới 600.000 đồng. Chế tài đối với vi phạm nồng độ cồn được sửa đổi, cho tất cả các phương tiện đường bộ gồm xe đạp, xe thô sơ, các lái xe vi phạm về sử dụng chất cấm, nồng độ cồn và các hành vi nghiêm trọng gây nguy hiểm đến ATGT được tăng nặng mức xử phạt", ban soạn thảo cho biết.
Nguyễn Phượng (T/h)