Công an cứu người phụ nữ có ý định nhảy cầu tự tử
Công an huyện Đầm Hà (Quảng Ninh) cho biết trên Gia đình & Xã hội, trong dịp nghỉ lễ 2/9, đơn vị đã kịp thời ngăn chặn, giải cứu thành công một trường hợp có ý định tự tử.
Tin tức ban đầu, vào lúc 0h45 ngày 4/9, Công an huyện Đầm Hà nhận được tin báo từ quần chúng nhân dân về việc có 1 người phụ nữ sinh sống trên địa bàn có ý định nhảy cầu Đầm Hà (thuộc Quốc lộ 18A, phố Lê Hồng Phong, thị trấn Đầm Hà).
Ngay khi nhận được tin báo, lãnh đạo công an huyện đã chỉ đạo Công an thị trấn Đầm Hà khẩn trương, cơ động phối hợp với lực lượng dân phòng, bảo vệ dân phố cùng gia đình người phụ nữ vận động, thuyết phục ngăn cản và sẵn sàng ứng cứu nạn nhân.
Tin nóng 24h hôm nay ngày 5/9: Công an cứu người phụ nữ có ý định nhảy cầu tự tử. Hình minh họa.
Sau 1 giờ đồng hồ thuyết phục, vận động, tích cực từ lực lượng chức năng và người nhà, nạn nhân đã từ bỏ ý định tự tử; đồng thời Công an thị trấn Đầm Hà đưa nạn nhân trở về và bàn giao cho gia đình.
TP.HCM sẽ kiểm tra nguyên liệu làm bánh trung thu ở các cơ sở sản xuất
Pháp luật TP.HCM thông tin, Ban quản lý an toàn thực phẩm (ATTP) TP.HCM đã đưa ra kế hoạch kiểm tra việc chấp hành pháp luật trong lĩnh vực ATTP dịp Tết Trung thu năm 2023 trên địa bàn TP.
Đối tượng kiểm tra là các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, phụ gia thực phẩm và các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống trên địa bàn TP.
Trong đó, trọng tâm là các cơ sở sản xuất, kinh doanh các sản phẩm phẩm như: các loại bánh trung thu, các sản phẩm từ bột, bánh, mứt, kẹo, trà, bia, rượu, đồ uống có cồn, nước giải khát… và các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống.
Theo đó, Ban quản lý ATTP TP sẽ kiểm tra nguồn gốc, xuất xứ, hợp đồng mua bán, hóa đơn mua vào, chứng từ liên quan đến nguyên liệu, thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến, phụ gia thực phẩm, chất bảo quản thực phẩm.
Các tài liệu quảng cáo, hồ sơ xác nhận nội dung quảng cáo đối với những cơ sở có quảng cáo sản phẩm thực phẩm thuộc diện phải đăng ký nội dung quảng cáo...
Hình minh họa.
Ngoài ra, dịp này, Ban quản lý ATTP cũng sẽ đánh giá thực trạng việc chấp hành các quy định của pháp luật về bảo đảm ATTP của các cơ sở bếp ăn tập thể, căn tin, dịch vụ ăn uống trong trường học để kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý các trường hợp vi phạm về ATTP. Từ đó giúp hạn chế, ngăn ngừa các sự cố về ATTP.
XEM THÊM: Vụ tai nạn tàu hỏa ở TP.HCM: Camera ghi lại tình tiết quan trọng
Ghi nhận 55 trường hợp tử vong do bệnh dại
Theo VOV, trong gần 8 tháng qua, cả nước ghi nhận 55 trường hợp tử vong do bệnh dại, tại 25 tỉnh thành phố.
So với cùng kỳ năm ngoái, số ca tử vong do bệnh dại tăng 15 trường hợp. Gia Lai là tỉnh có số người mắc bệnh dại và tử vong nhiều nhất với 9 trường hợp, tiếp đến là Nghệ An và Điện Biên, mỗi tỉnh 6 trường hợp, Bình Phước và Bến Tre, mỗi tỉnh 4 trường hợp. 20 tỉnh thành khác có từ 1-2 người tử vong vì bệnh dại trong gần 8 tháng qua.
Bệnh dại là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do vi rút dại gây ra, thường tác động lên hệ thần kinh. Người bị mắc bệnh dại do bị lây truyền vi rút dại qua vết cắn, vết cào, vết liếm của động vật bị dại trên da bị tổn thương (thường là chó, mèo). Người đã bị bệnh dại gần như tử vong 100%.
Trên thế giới hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Bệnh dại nguy hiểm nhưng hoàn toàn có thể phòng tránh được.
Việt Hương (T/h)