Vừa qua, Chính phủ đã ban hành gói hỗ trợ khó khăn do COVID-19 trị giá 26.000 tỷ đồng, trong đó 7.500 tỷ đồng sẽ dành cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh. Theo đó, doanh nghiệp được vay vốn lãi suất 0% từ Ngân hàng chính sách xã hội để trả lương ngừng việc, phục hồi sản xuất phải không có nợ xấu tại thời điểm đề nghị vay vốn.
Tuy vậy, nhiều doanh nghiệp tỏ ra e ngại khi nhắc tới việc tiếp cận gói hỗ trợ mới này. Thực tế, sự băn khoăn này là có cơ sở, nhất khi nhìn vào các số liệu giải ngân của gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng trước đó. Cụ thể, theo số liệu từ Bộ Lao động thương binh và Xã hội, tính đến tháng 5/2021, gói an sinh hỗ trợ người lao động, doanh nghiệp, hộ kinh doanh bị ảnh hưởng trực tiếp bởi dịch giải ngân thực tế trên 13.100 tỷ đồng. Riêng gói vay không lãi suất hơn 16.000 tỷ đồng hỗ trợ doanh nghiệp trả lương giải ngân được thấp nhất, chỉ đạt 0,26% - một con số được nhiều chuyên gia đánh giá là "quá thấp so với kỳ vọng".
Doanh nghiệp “than” khó tiếp cận các gói hỗ trợ
Trao đổi với PV Đời sống & Pháp luật, ông Lê Việt Thắng – Giám đốc Công ty cổ phần Workway cho biết trong giai đoạn dịch COVID-19 kéo dài suốt 2 năm qua, doanh nghiệp của ông may mắn vẫn có thể tiếp tục hoạt động, tuy nhiên không tránh khỏi việc phải chịu những ảnh hưởng gián tiếp từ đại dịch.
“Với đặc thù là một đơn vị cung cấp phần mềm quản lý doanh nghiệp, chính vì vậy chúng tôi đã bị mất nhiều khách hàng do họ phá sản hoặc chuyển đổi mô hình kinh doanh”, ông Lê Việt Thắng cho biết.
Nói về gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng mà Chính phủ đã ban hành trước đó, theo ông Thắng, bản thân chủ doanh nghiệp rất khó để tiếp cận và hưởng lợi từ gói này. “Thực sự tôi chưa được cung cấp đầy đủ các thông tin cần biết, và nếu muốn hỏi cũng không có đầu mối. Ngay cả bạn bè tôi làm doanh nghiệp rất nhiều, nhưng tuyệt nhiên chưa thấy ai nhắc đến các gói hỗ trợ bao giờ.”, ông Thắng thẳng thắn cho biết.
Nhiều doanh nghiệp "than" khó tiếp cận được các gói hỗ trợ từ Chính phủ. Ảnh minh hoạ
Dưới góc độ của một chủ doanh nghiệp, ông Thắng đề xuất, thay vì đưa ra các gói hỗ trợ, Chính phủ chỉ cần cho phép các doanh nghiêp được hoãn đóng các loại thuế, phí trong một vài tháng.
“Tôi lấy ví dụ như tiền bảo hiểm. Chúng tôi chỉ cần đóng chậm 30 ngày là bị cắt bảo hiểm y tế. Theo tôi sẽ hợp lý hơn nếu cộng đồng doanh nghiệp nói chung được giãn, hoãn nộp một số loại thuế, phí. Đây là việc làm thiết thực hơn rất nhiều, thay vì mất thời gian thẩm định và rà soát các đối tượng được vay vốn từ gói hỗ trợ”, CEO này khẳng định.
Cùng chung quan điểm, đại diện một doanh nghiệp khác tại Hà Nội nhận định gói hỗ trợ mới có thể sẽ khó tiếp cận, nhất là khi nó đòi hỏi doanh nghiệp phải 100% không có nợ xấu. "Đây là tiêu chí rất khó để thoả mãn, bởi số lượng doanh nghiệp được vay lãi suất 0% mà không có nợ xấu chắc rất ít”, vị đại diện doanh nghiệp này nói.
Cần giải pháp "gỡ khó"
Nói về vướng mắc trong thủ tục hành chính cản trở doanh nghiệp tiếp cận gói hỗ trợ 26.000 tỷ đồng, chuyên gia kinh tế TS Nguyễn Trí Hiếu chỉ ra điểm bất hợp lý nằm ở việc doanh nghiệp đang nợ xấu ngân hàng không được tiếp cận gói hỗ trợ mới này.
Phân tích thêm, TS Hiếu cho rằng người lao động không có nghĩa vụ với việc việc doanh nghiệp của họ có nợ xấu. Chính vì vậy, sẽ là “không công bằng” nếu như người lao động không được hưởng quyền lợi từ gói hỗ trợ, chỉ vì doanh nghiệp đang vướng nợ xấu ngân hàng.
Về hướng giải quyết, chuyên gia này phân tích, nếu doanh nghiệp đã có nợ xấu ngân hang thì nên tạo điều kiện đối với đơn vị đang có nợ xấu nhóm 3 (nợ dưới tiêu chuẩn - quá hạn từ 90 ngày đến 180 ngày): “Có thể loại khỏi gói hỗ trợ các doanh nghiệp đang ở nợ xấu nhóm 4 và nhóm 5. Tuy nhiên theo tôi tốt nhất nên loại bỏ tiêu chuẩn này.”, TS Nguyễn Trí Hiếu nhấn mạnh.
Cũng theo TS Nguyễn Trí Hiếu, thực tế hiệu quả giải ngân của các gói hỗ trợ là "chưa cao": "Tôi đã theo dõi từ năm ngoái đến năm nay, kể cả gói hỗ trợ 26.000 tỷ mới đây cũng chưa biết đã giải ngân được cụ thể bao nhiêu phần trăm. Nói chung, hiệu quả cỏn rất chậm và có lẽ Chính phủ nên nghĩ tới một biện pháp khác hơn là chỉ đưa ra các gói hỗ trợ', chuyên gia này khẳng định.
Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ
Hiếu Nguyễn