Sáng 14/10, Triều Tiên tuyên bố vụ phóng tên lửa đạn đạo mới nhất của nước này là một biện pháp đối phó với hành động của quân đội Hàn Quốc ở khu vực tiền tuyến.
Hình ảnh bệ phóng tên lửa Triều Tiên do KCNA công bố.
Trước đó, Hãng Thông tấn Trung ương Triều Tiên (KCNA) đưa tin, phía Triều Tiên nhận thấy quân đội Hàn Quốc tiến hành một "cuộc bắn pháo trong khoảng 10 tiếng gần khu vực phòng thủ tiền phương của Quân đoàn 5 ngày 13/10”.
Về phía Hàn Quốc, quân đội nước này cho biết Bình Nhưỡng đã phóng một tên lửa đạn đạo tầm ngắn (SRBM) về phía vùng biển phía Đông của nước này từ khu vực Sunan ở thủ đô Bình Nhưỡng lúc 1h49 sáng cùng ngày.
KCNA cho biết ngày 13/10, Nhà lãnh đạo Kim Jong Un đã trực tiếp giám sát vụ phóng tên lửa. Ông Kim "rất hài lòng" với cuộc thử nghiệm được tiến hành nhằm nâng cao hiệu quả chiến đấu của tên lửa "triển khai tại các đơn vị quân đội của Triều Tiên".
Đây là lần thử vũ khí thứ 8 của Triều Tiên trong gần 3 tuần qua. Động thái của Triều Tiên khiến căng thẳng gia tăng trong khu vực, kéo theo mối lo ngại rằng Bình Nhưỡng có thể tiến hành một vụ thử hạt nhân đầu tiên kể từ năm 2017.
Hôm 12/10, phái viên hạt nhân hàng đầu của Hàn Quốc và Nhật Bản cũng đã tiến hành tham vấn về cách thức đối phó với hành động gây hấn liên tiếp từ Triều Tiên.
Dự kiến, trong tuần tới, giới chức quân sự hàng đầu của Hàn Quốc, Mỹ và Nhật Bản sẽ nhóm họp ba bên tại Mỹ để trao đổi cũng như tăng cường các biện pháp hợp tác nhằm đối phó với các mối đe dọa gia tăng từ Triều Tiên.
Ông Sangsoo Lee, người đứng đầu Trung tâm Hàn Quốc - Stockholm cho rằng, Mỹ và Hàn Quốc nên chuyển trọng tâm ra khỏi các cuộc đàm phán phi hạt nhân hóa và thay vào đó theo đuổi chiến lược “quản lý khủng hoảng quân sự” và cắt giảm vũ khí.
Tương tự, ông Mark Barry, một chuyên gia về Triều Tiên và là phó tổng biên tập của Tạp chí Quốc tế vì Hòa bình Thế giới nhận định, các chuyên gia về vấn đề Triều Tiên nên bắt đầu “thừa nhận một cách công khai rằng mục tiêu phi hạt nhân hóa giờ đã lỗi thời”.
Mộc Miên (T/h)