BM-30 Smerch của quân đội Nga là một trong những hệ thống tên lửa phóng loạt (MLRS) tầm xa nhất đang được sử dụng hiện nay. Ban đầu được phát triển bởi Liên Xô, Smerch (do Nga đặt tên) đã phục vụ trong các cuộc xung đột trên khắp các chiến trường, bao gồm cả chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine năm 2022.
Ở cấu hình cơ bản, hệ thống BM-30 Smerch được tạo thành từ 12 ống phóng đặt trên khung gầm xe tải bánh lốp MAZ-543M 8x8 và được điều khiển bởi kíp lái 4 người. Smerch có khả năng bắn nhiều loại tên lửa khác nhau, bao gồm đạn chùm, tên lửa có thể rải mìn trên một khu vực rộng và đạn nhiệt áp.
Smerch đã được phát triển và sử dụng như thế nào?
Được phát triển và sản xuất bởi Doanh nghiệp sản xuất và nghiên cứu nhà nước Splav ở Tula, Nga, Smerch lần đầu tiên được đưa vào biên chế của Liên Xô vào năm 1987. Nga đã cố gắng hiện đại hóa kho vũ khí BM-30 của mình bằng cách hiện đại hóa hệ thống định vị và nhắm mục tiêu.
Hệ thống pháo phản lực BM-30 Smerch được Nga sử dụng trong cuộc tấn công ở Ukraine. Ảnh: 19fortyfive.
Smerch có thể hoạt động theo nhóm 6 chiếc được giám sát thông qua hệ thống điều khiển hỏa lực Vivari. Hệ thống Vivari được chứa trong xe chỉ huy riêng biệt KamAZ-4310, được trang bị máy tính E-715-1 trong cấu hình xe chỉ huy của chúng.
Ngoài việc phục vụ cho các lực lượng vũ trang Nga, Smerch còn xuất hiện trong kho vũ khí của các lực lượng vũ trang của một số quốc gia khác như Ấn Độ, Azerbaijan, Armenia, Kuwait và thậm chí cả Ukraine...
Ukraine đã hiện đại hóa các nguyên mẫu BM-30 Smerch của riêng mình để cho phép chúng bắn tên lửa dẫn đường nhằm cải thiện tầm bắn và độ chính xác của hệ thống.
Những chiếc BM-30 hiện đại hóa này được gọi là Vilkha MLRS. Smerch cũng đã từng xuất hiện nhiều trong Cuộc xung đột Nagorno-Karabakh năm 2020 ở cả hai phía Azerbaijan và Armenia. Đặc biệt, những chiếc BM-30 của Azerbaijan sử dụng bom chùm được cho là đã được sử dụng để tấn công các mục tiêu dân sự và đô thị.
Sức mạnh có đủ chống lại "hỏa thần" HIMARS của Mỹ?
Ngày nay, pháo binh là một phần trung tâm trong chiến dịch quân sự của Nga tại khu vực Donbass, nơi tập trung hầu hết các cuộc giao tranh ở Ukraine. Kể từ khi cuộc chiến bắt đầu, Nga đã sử dụng pháo binh một cách nổi bật để tạo điều kiện cho bước tiến gia tăng của mình ở Donbass. Họ bắn hàng chục nghìn quả đạn vào các mục tiêu ở Ukraine mỗi ngày.
Ngoài việc sử dụng kho vũ khí pháo binh do Liên Xô sản xuất từ trước, Ukraine cũng đã dùng các hệ thống pháo binh được chuyển giao từ Mỹ và phương Mỹ.
Trong đó, một trong những loại vũ khí nổi bật nhất có thể kể đến Hệ thống tên lửa pháo binh cơ động cao (HIMARS) do Mỹ chế tạo và thiết kế. Là một hệ thống pháo dẫn đường được thiết kế để tấn công chính xác vào các mục tiêu cụ thể, vai trò của HIMARS khác với Smerch. Hệ thống pháo phản lực của Nga được sản xuất với mục đích tác chiến trên một khu vực rộng lớn hơn.
Hệ thống tên lửa pháo binh cơ động cao (HIMARS) của Mỹ. Ảnh: Defence News.
Theo đánh giá của tờ 19fortyfive, hệ thống HIMARS được lực lượng Ukraine sử dụng chính là đối thủ xứng tầm với Smerch. Trong khi Smerch có tầm bắn tối đa từ 90-120km thì HIMARS sở hữu khả năng tấn công mục tiêu trong phạm vi 70km với tên lửa chính xác cơ bản GMLRS-Unitary
Hiện, Ukraine tiếp tục yêu cầu các Hệ thống Tên lửa Chiến thuật Quân đội (ATACMS) tầm xa hơn, mà HIMARS có khả năng bắn.
Với phạm vi gần như tương tự, HIMARS hiện đang được Ukraine sử dụng cung cấp cho lực lượng Kiev một số biện pháp chống lại Smerch. Tuy nhiên cho đến nay, chưa có chiếc BM-30 nào của Nga bị phá hủy ở Ukraine.
Bích Thảo (Theo 19fortyfive)