Góp mặt trong chương trình y tế trực tuyến Health 2.0 (Trung Quốc), bác sĩ Trần Hân Mai đã chia sẻ về một trường hợp nữ bệnh nhân phát hiện mình mắc ung thư thực quản khi mới ngoài 20 tuổi.
Theo đó, bệnh nhân đang làm công việc văn phòng, vì muốn duy trì vóc dáng và bảo vệ sức khỏe nên cô luôn uống ít nhất 2 lít nước mỗi ngày. Cách đây khoảng 2 tháng, người bệnh bỗng cảm thấy có nhiều điểm bất thường ở cổ họng.
Không chỉ khó nuốt, hay đau phía sau xương ức, cô còn ho dai dẳng không rõ nguyên nhân, sút cân rất nhanh. Khi đến bệnh viện của bác sĩ Trần thăm khám, cô được chẩn đoán mắc ung thư thực quản giai đoạn 3.
Nữ bệnh nhân vô cùng sửng sốt khi biết bệnh tình của mình, liên tục hét lên rằng bản thân sống rất lành mạnh, chưa từng hút thuốc hay uống rượu. Thậm chí, cô yêu cầu được xét nghiệm lại vì cho rằng kết quả có sự nhầm lẫn.
Cô gái cho rằng uống nước nóng có lợi cho sức khỏe, không ngờ hành động này tiềm ẩn nguy cơ gây ung thư. Ảnh minh họa
Để biết nguyên nhân, bác sĩ tìm hiểu về tiền sử gia đình, lối sống sinh hoạt nhưng đều không phát hiện điểm bất thường. Hơn nữa, bệnh nhân cũng đang mất bình tĩnh nên bác sĩ tập trung điều trị trước.
Tới lần tái khám sau đó, nữ bệnh nhân mang theo một tờ tạp chí, òa khóc ngay trước mặt bác sĩ. Hóa ra, cô đọc được bài báo về việc uống nước quá nóng có thể gây ung thư thực quản. Đáng nói, đây là thói quen cô duy trì suốt nhiều năm do nghĩ tốt cho sức khỏe.
Gia đình bệnh nhân cho biết, từ nhỏ cô đã thích uống nước nóng, thậm chí có thể uống nước nóng lấy trực tiếp từ cây nước, không pha thêm nước ấm hay nước lạnh. Cô cho rằng nước nóng không chỉ khử trùng, giải độc, đốt cháy mỡ nội tạng mà còn tốt cho tiêu hóa và làm đẹp da, giảm cân nhanh. Không ngờ, uống nước quá nóng lại hại sức khỏe, tiềm ẩn nguy cơ gây ung thư.
Năm 2016, Cơ quan Nghiên cứu Ung thư Quốc tế - cơ quan nghiên cứu ung thư của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã phân loại đồ uống rất nóng trên 65 độ C là một chất gây ung thư. Nghiên cứu của WHO xem xét một loại trà truyền thống rất nóng, đặc biệt là ở Nam Mỹ, châu Á và châu Phi, đã cho biết nhiệt độ quan trọng hơn loại đồ uống.
“Những kết quả này khuyến cáo rằng uống đồ uống rất nóng là một trong những nguyên nhân có thể gây ung thư thực quản. Việc mắc ung thư là do nhiệt độ chứ không phải do các thành phần trong đồ uống”, TS Christopher Wild – Giám đốc Cơ quan Nghiên cứu Ung thư Quốc tế nói.
Được biết, ung thư thực quản hiện đang đứng thứ 8 trong số các loại ung thư mắc nhiều nhất. Đây là nguyên nhân gây 400.000 trường hợp tử vong chiếm khoảng 5% số ca tử vong do ung thư.
Theo bác sĩ Trần, uống nước ấm thường xuyên tốt cho sức khỏe và nhan sắc nhưng nhiệt độ nước chỉ nên khoảng 30 – 45 độ C và là nước lọc đun sôi thay vì trà, cà phê hay đồ uống khác. Bên cạnh việc kiểm soát nhiệt độ của đồ ăn, thức uống, cần tránh xa bia rượu, đồ uống có ga, thực phẩm chế biến sẵn… để phòng tránh ung thư dạ dày và ung thư thực quản. Nếu cảm thấy đau rát, mất vị giác, khó nuốt, khó tiêu, ợ chua, buồn nôn, đau bụng… sau khi ăn đồ nóng, cần nhanh chóng đến bệnh viện thăm khám.
Đinh Kim (T/h)