Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Thực hư thông tin bác bảo vệ Đại học Hà Nội đạt 8.0 IELTS, thành thạo 3 thứ tiếng

(DS&PL) -

Câu chuyện bác bảo vệ trường Đại học Hà Nội có điểm IELTS 8.0 và thành thạo 3 thứ tiếng hiện đang trở thành chủ đề bàn tán sôi nổi trên mạng xã hội.

Những ngày gần đây, các diễn đàn trên mạng xã hội xôn xao thông tin về bác bảo vệ trường Đại học Hà Nội (HANU) với "profile khủng". 

Theo đó, bác bảo vệ được miêu tả từng làm giảng viên dạy Tiếng Anh, đã về hưu được 10 năm và chỉ đi làm vì "đam mê". Một số nguồn thông tin về bác được dân tình truyền tai nhau như: "Đằng sau vẻ ngoài giản dị nhưng rất phong trần của bác bảo vệ, đó là một người đàn ông có trình độ kiến thức uyên bác khiến nhiều sinh viên phải nể phục!".

Thông tin về bác bảo vệ trường Đại học Hà Nội được chia sẻ trên mạng xã hội.

Đáng chú ý, một số sinh viên của Đại học Hà Nội còn bổ sung thông tin bác bảo vệ là người thông thạo 3 thứ tiếng và có chứng chỉ IELTS 8.0. Không chỉ có trình độ ngoại ngữ "siêu đẳng", bác bảo vệ của trường HANU còn được các bạn sinh viên yêu mến bởi tính cách dễ mến, hào sảng. Sinh viên mới vào trường ai cũng bất ngờ vì bác quá dễ thương, thân thiện. Những thông tin trên mạng xã hội về người đàn ông này khiến cộng đồng mạng không khỏi bất ngờ và ngưỡng mộ. 

Tuy nhiên, chia sẻ với VietNamNet, bác Vũ Tiến Dũng (sinh năm 1964) – bảo vệ trông giữ xe tại trường Đại học Hà Nội phủ nhận thông tin này. Bác cho biết, mình chỉ nói được một ngoại ngữ duy nhất là tiếng Nga, cũng là ngôn ngữ đã gắn bó nhiều năm với mình khi còn đi xuất khẩu lao động.

“Năm 1983, tôi có 3 tháng học tiếng và 3 tháng học nghề rồi đi xuất khẩu lao động tại Nga. Sau đó, tôi đi làm rồi tự học tiếng Nga bồi thông qua việc tiếp xúc và sử dụng hàng ngày với đồng nghiệp tại nơi làm việc. Vì thế, tôi mới có thể nói thông thạo tiếng Nga, nhưng không thể viết.

Một thời gian sau, tôi gặp vợ tôi – vốn là người gốc Triều Tiên. Cuộc sống của cả gia đình ở Nga cũng rất chật vật. Vì thế, đến tháng 8/2009, vợ và các con quyết định theo tôi trở về Việt Nam để sinh sống”.

Bác Vũ Tiến Dũng.

"Bỗng dưng mình được quan tâm tôi cũng rất bối rối. Tuy nhiên tôi đính chính lại thông tin này không phải là sự thật. Bản thân tôi chỉ thành thạo duy nhất tiếng Nga vì đã có thời gian dài sống và làm việc tại Nga theo hình thức xuất khẩu lao động. Còn lại những thông tin khác như "sáng đọc báo tiếng Trung, nói chuyện tiếng Pháp như người bản địa" là sai sự thật", Dân Trí dẫn lời bác Dũng.  

Nói về lý do trở lại Việt Nam sau nhiều năm sinh sống tại Nga, bác Dũng cho biết: "Năm 2009, mẹ tôi đổ bệnh nặng, cuộc sống bên Nga cũng không mấy dễ dàng nên tôi và bà xã đã quyết định sẽ trở lại Việt Nam để sinh sống. Cho đến nay tôi vẫn thấy quyết định đó là hoàn toàn chính xác. Không nơi đâu ấm áp bằng quê nhà cả". 

Bác Dũng được nhiều sinh viên của trường yêu mến.

Tuy thông tin về bác Vũ Tiến Dũng không như những gì dân mạng đồn đại, nhiều sinh viên trường Đại học Hà Nội từng theo học cũng dành lời ngợi khen cho bác: "Bác ấy trong đội dân phòng của phường mình nè, tốt bụng lắm luôn. Bác là người mình rất yêu mến, dù làm việc lấy tiền nhưng nếu sinh viên nào lỡ quên không có tiền gửi xe, bác cũng thoải mái cho qua luôn. Chúc bác luôn khỏe, vui và an lành!", "Mình từng được bác cho nợ tiền gửi xe đây. Dù cổng trường HANU có mấy điểm gửi xe nhưng vẫn thích gửi xe chỗ bác vì bác hiền và tính cũng dông dài với các bạn sinh viên"...

Bích Thảo (T/h)

Ảnh: VietNamNet, Dân Trí

Tin nổi bật