Ngày 9/5, Người phát ngôn của thủ tướng Sri Lanka cho biết ông Mahinda Rajapaksa quyết định từ chức sau khi xảy ra đụng độ bạo lực giữa người ủng hộ ông và nhóm chống chính phủ.
Cũng theo nguồn tin trên, vị thủ tướng 76 tuổi đã gửi lá thư từ chức tới em trai mình là Tổng thống Gotabaya Rajapaksa để mở đường cho việc thành lập một "chính phủ đoàn kết mới".
Thủ tướng Sri Lanka Mahinda Rajapaksa. Ảnh: AP
Thông tin được công bố giữa lúc cảnh sát Sri Lanka áp đặt lệnh giới nghiêm toàn quốc sau khi những người ủng hộ chính phủ đụng độ với người biểu tình đòi Tổng thống Gotabaya Rajapaksa từ chức.
Trước đó, hàng nghìn người biểu tình cắm trại hàng ngày bên ngoài văn phòng Tổng thống Gotabaya Rajapaksa, yêu cầu ông và anh trai từ chức. Các cuộc biểu tình trên toàn quốc chứng kiến cảnh đám đông cố gắng xông vào nhà riêng và nơi làm việc của các lãnh đạo chính phủ.
Sri Lanka tuyên bố vỡ nợ hôm 12/4. Nền kinh tế sụp đổ sau khi đại dịch COVID-19 làm sụt giảm nguồn kiều hối và doanh thu du lịch, nguồn đóng góp chính cho GDP đất nước.
Nhiều tháng mất điện kéo dài, lạm phát kỷ lục và tình trạng thiếu nhiên thực, nhiên liệu trầm trọng đã làm dấy lên sự bất mãn ngày càng tăng của người dân Sri Lanka.
Các ý kiến chỉ trích cho rằng cuộc khủng hoảng kinh tế hiện nay ở Sri Lanka là do các quyết sách sai lầm của chính quyền, việc vay nợ nước ngoài liên tục trong thời gian dài.
Sri Lanka đang vật lộn với khoản nợ nước ngoài khổng lồ, lên đến 51 tỷ USD. Là một quốc gia phụ thuộc vào nhập khẩu, nước này không thể chi trả nổi cho các mặt hàng thiết yếu.
Tổng thống Gotabaya Rajapaksa đã cải tổ nội các, bỏ bớt một số họ hàng, nhưng không xoa dịu được sự giận dữ. Tình hình thêm căng thẳng sau khi cảnh sát nổ súng bắn tử vong một người biểu tình vào tuần trước.
Sức ép lên ông Rajapaksa ngày càng lớn khi một số bộ trưởng và thành viên cấp cao trong đảng của ông cũng đứng về phe biểu tình, yêu cầu thay thế nội các hiện tại bằng một nội các lâm thời được người dân ủng hộ.
Hôm 6/5, Tổng thống Gotabaya Rajapaksa từng tuyên bố tình trạng khẩn cấp lần thứ hai chỉ trong vòng 5 tuần, nhằm trao cho lực lượng an ninh nhiều quyền lực hơn để xử lý làn sóng biểu tình trên cả nước.
Mộc Miên (T/h)