Thừa Thiên Huế là tỉnh đầu tiên Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tới Kiểm tra công tác chuẩn bị Tết Nguyên đán Kỷ Hợi năm 2019. Các tỉnh thành khác cũng phải thực hiện nghiêm Chỉ thị số 34 về việc tăng cường các biện pháp bảo đảm đón Tết Nguyên Đán Kỷ Hợi năm 2019 vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm mới ban hành vào tháng 12 vừa qua.
Sử dụng ngân sách đúng pháp luật, thăm hỏi, quan tâm đến người già, gia đình chính sách, không phải đi thăm, quà biếu cấp trên. Ảnh VGP/Quang Hiếu |
Chiều tối nay, 6/1, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có cuộc kiểm tra công tác chuẩn bị Tết Nguyên đán Kỷ Hợi năm 2019 tại tỉnh Thừa Thiên - Huế khi còn khoảng 1 tháng nữa là đến Tết cổ truyền của dân tộc.
Thừa Thiên - Huế là tỉnh đầu tiên mà Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tới kiểm tra công tác chuẩn bị Tết Nguyên đán Kỷ Hợi năm 2019 theo tinh thần của Chỉ thị số 34 ngày 28/12/2018 của Thủ tướng về việc tăng cường các biện pháp bảo đảm đón Tết Nguyên Đán Kỷ Hợi năm 2019 vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm.
Cũng như năm ngoái, Thừa Thiên - Huế là tỉnh đầu tiên mà Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đến thăm và làm việc trong năm mới.
Đây cũng là lần thứ 3 Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc có cuộc làm việc với tỉnh ven biển Bắc Trung Bộ này trong vòng 1 năm qua, trong đó, cuộc làm việc gần đây nhất (vào tháng 10/2018) là về Đề án di dời dân cư, giải phóng mặt bằng khu vực 1 di tích Kinh thành Huế thuộc quần thể Di tích cố đô Huế.
Tại cuộc làm việc, lãnh đạo Tỉnh cho biết, năm 2018, Thừa Thiên Huế đạt và vượt 13/14 chỉ tiêu, chỉ tiêu không đạt là tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm nội tỉnh (GRDP) (7,15% trong khi kế hoạch đề ra là 7,5-8%). Nguyên nhân chủ yếu được xác định là do chưa lường trước sự sụt giảm của ngành sản xuất điện. Năm 2018, GRDP bình quân đầu người đạt hơn 1.790 USD. Tổng lượt khách đến Huế đạt 4,25 triệu lượt, bình quân một khách lưu trú 1,8 ngày. Doanh thu các cơ sở lưu trú trên 1.620 tỷ đồng.
Về Đề án di dời dân cư, giải phóng mặt bằng khu vực 1 di tích Kinh thành Huế, Tỉnh cho biết, hiện đang tập trung quyết liệt triển khai thi công hạ tầng kỹ thuật Khu tái định cư phục vụ di dời dân cư (giai đoạn 1 khoảng 10ha phục vụ giải phóng toàn bộ khu vực Thượng Thành với gần 600 hộ). Đồng thời, đang tiến hành song song việc kiểm đếm để hoàn thành số liệu phục vụ chi trả cho người dân.
Tại cuộc làm việc, tỉnh đã báo cáo về công tác chuẩn bị Tết Nguyên đán Kỷ Hợi như bảo đảm cung ứng đủ hàng hóa, chuyển kịp thời quà của Chủ tịch nước cho các đối tượng chính sách…
Ảnh VGP/Quang Hiếu |
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh Thừa Thiên Huế là tỉnh đầu tiên Thủ tướng tới Kiểm tra công tác chuẩn bị Tết Nguyên đán Kỷ Hợi năm 2019, nhưng các tỉnh thành khác trong cả nước đều phải thực hiện nghiêm Chỉ thị số 34 về việc tăng cường các biện pháp bảo đảm đón Tết Nguyên Đán Kỷ Hợi năm 2019 vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm mà Thủ tướng mới ban hành vào tháng 12 vừa qua.
Đánh giá cao công tác chuẩn bị Tết Nguyên đán của Thừa Thiên Huế, Thủ tướng yêu cầu tỉnh tiếp tục tập trung chăm lo Tết cho người nghèo, gia đình chính sách, hộ bị ảnh hưởng bởi thiên tai, vùng cao, vùng sâu với yêu cầu trước ngày 20 Tết thì phải nhận được các chính sách của Đảng, Nhà nước như quà của Chủ tịch nước.
Thủ tướng lưu ý bảo đảm cung ứng hàng hóa chất lượng, giá cả hợp lý và “nhất là, không được để các hộ nghèo đứt bữa trong dịp Tết”. Bên cạnh đó, cần bảo đảm sản xuất, từ sản xuất công nghiệp đến dịch vụ, chú ý bảo đảm an toàn cháy nổ, an toàn giao thông, an toàn thực phẩm, phục vụ tốt khách du lịch; đẩy mạnh phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại. Ngăn chặn, xử lý các hành vi thiếu văn hóa tại các lễ hội sau Tết. “Sử dụng ngân sách đúng pháp luật, thăm hỏi, quan tâm đến người già, gia đình chính sách, không phải đi thăm, quà biếu cấp trên”, Thủ tướng quán triệt.
Cho rằng Huế là nơi có nhiều nhà trí thức, tôn giáo lớn, Thủ tướng lưu ý, lãnh đạo tỉnh cần quan tâm đến các thành phần này.
Đề cập đến việc tổ chức thực hiện Nghị quyết 01 và Nghị quyết 02 về phát triển kinh tế - xã hội và cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ghi nhận nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thừa Thiên Huế trong thúc đẩy tăng trưởng 7,15%, mặc dù chưa đạt mục tiêu đề ra, do hạn hán làm sụt giảm của ngành sản xuất điện. Tuy nhiên, thu ngân sách của tỉnh vượt 13% so với kế hoạch với trên 7.700 tỷ đồng. Tổng khách du lịch đến Huế đạt trên 4,2 triệu người, trong đó, gần một nửa là khách quốc tế, đạt tăng trưởng đến 30%.
Thủ tướng cho rằng, quy mô kinh tế của Thừa Thiên Huế tuy không lớn nhưng thu ngân sách đạt cao, nói lên chất lượng tăng trưởng kinh tế tốt. Tuy nhiên, Thủ tướng đề nghị tỉnh cần nỗ lực để đạt tăng trưởng về du lịch cao hơn cả nước. Vì năm nay, Thủ tướng giao cho ngành này đón được 18 triệu khách quốc tế, cao hơn 2,5 triệu so với năm nay. Bên cạnh đó, tỉnh cũng cần chú trọng phát triển ngành công nghiệp cơ khí và nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Thủ tướng cũng đề nghị, trong năm mới 2019, tỉnh Thừa Thiên- Huế tiếp tục đi đầu trong triển khai xây dựng Chính phủ điện tử, trong đó có xây dựng thành phố thông minh.
Đồng thời phải bảo đảm cuộc sống an lành cho người dân cũng như du khách, giữ nét đặc trưng của Huế trong phát triển. “Giám đốc Công an ở đây phải lo an toàn cho người dân, từ nông thôn đến thành thị, cả du khách”, Thủ tướng nhấn mạnh, làm sao du khách yên tâm, không bị mất cắp, trấn lột hay bị tài xế taxi đe dọa.
Tại buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng khẳng định Chính phủ sẽ làm hết sức mình để ủng hộ tỉnh thực hiện Đề án di dời dân cư, giải phóng mặt bằng tại khu vực I Di tích Kinh thành Huế. Trong đó, năm nay sẽ di dời khoảng 600 hộ dân trong tổng số 4.200 hộ. Thủ tướng nhấn mạnh, đây là việc lớn nên tỉnh cần thực hiện đúng theo tinh thần mà Thủ tướng đã kết luận tại buổi làm việc trước về vấn đề này.
Đức Tuân