Một số chuyên gia công nghệ cho rằng trào lưu “Thử thách 10 năm” tưởng như vô hại có thể là công cụ của Facebook để thu thập dữ liệu khuôn mặt từ người dùng.
"10-year challenge" (Thử thách 10 năm) đang được người dùng mạng xã hội Facebook hưởng ứng nhiệt tình. Để thực hiện thử thách này, người chơi chỉ cần đăng hai bức ảnh, một chụp trong năm nay, bức còn lại chụp vào năm 2009, để so sánh sự thay đổi diện mạo qua một thập niên.
Nhiều người hưởng ứng trào lưu này như một cách để ôn lại kỷ niệm xưa, những người nổi tiếng nhiệt tình tham gia để chứng minh "vẻ đẹp trường tồn trước thách thức của thời gian". Tuy nhiên, một số chuyên gia công nghệ cho rằng trào lưu tưởng chừng như vô hại này có thể là công cụ của Facebook để thu thập dữ liệu khuôn mặt từ người dùng.
"Tôi không cho rằng bản thân của trào lưu này là nguy hiểm. Nhưng tôi biết Facebook đang sử dụng những dữ liệu này để đào tạo công nghệ nhận diện khuôn mặt và mọi người cũng nên biết điều đó. Thật đáng để xem xét một lượng dữ liệu cá nhân khổng lồ đang được chia sẻ mà không cần sự yêu cầu nào", chuyên gia phân tích công nghệ Kate O'Neill cho biết trong bài viết mới nhất của mình trên Wired.
Không chỉ có Facebook, các công ty về dữ liệu cũng lợi dụng những tấm hình này để thu thập các dữ liệu nhằm hoàn thiện hệ thống trí tuệ nhân tạo (AI) dựa trên sự phát triển tuổi tác của người dùng. Việc đối chiếu các bức ảnh hiện tại của người dùng sẽ không có nhiều khác biệt. Tuy nhiên, với trào lưu ảnh 'Thử thách 10 năm", các công ty này sẽ biết chính xác sự thay đổi của người dùng trước đây và hiện tại như thế nào với mốc thời gian là 10 năm.
Dẫu vậy, chuyên gia Kate cũng chỉ ra rằng việc thu thập nhận diện khuôn mặt không phải là một điều quá đáng lo ngại, có thể các nhà mạng sẽ áp dụng tính năng này nhằm phát triển sản phẩm của mình, tăng tính tiện lợi và phục vụ sử dụng.
Đây không phải là trào lưu, trò chơi duy nhất có thể lợi dụng để thu thập dữ liệu. Vài năm gần đây, những ví dụ về trò chơi trên mạng xã hội và các trào lưu được thiết kế ra với mục đích này rất nhiều.
Năm 2018, hiệp hội Người tiêu dùng Trung Quốc từng phải lên tiếng cảnh báo về tình trạng các ứng dụng ở nước này đang lưu trữ nhiều thông tin cá nhân của người sử dụng.
Cách các công ty này chia sẻ dữ liệu với bên thứ ba cũng không rõ ràng. Những dữ liệu cá nhân này có cả vị trí người dùng, danh sách liên lạc và số điện thoại di động.
Ví dụ những ứng dụng "làm mưa làm gió" tại Trung Quốc như Pitu, Meitu... Những ứng dụng này đòi hỏi truy xuất thư viện ảnh hay truy cập camera là điều đương nhiên, nhưng nó lại "đòi" thêm quyền truy cập vị trí địa lý, số điện thoại, lịch sử duyệt web, ID máy… dấy lên mối nghi ngờ thu thập thông tin người dùng.
NGUYỄN QUỲNH (Theo Forbes)