"Xin lỗi Bộ trưởng chứ lực lượng công an quá đông. Một tỉnh ít nhất có 3.000, tỉnh to thì 4.000 công an chính quy. Đông như thế mà còn thêm nhiều lực lượng nữa. Chẳng lẽ lực lượng chính quy không đủ khả năng để chúng ta nắm tình hình, xử lý tình hình?", Thiếu tướng Sùng Thìn Cò phát biểu.
Tướng Sùng Thìn Cò (Hà Giang) phát biểu - Ảnh: QH |
Sáng 17/11, Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự cơ sở. Phiên thảo luận liên tiếp nhận được những tranh luận thẳng thắn xoay quanh việc có cần thiết ban hành luật này không và những lo ngại liên quan đến vấn đề phình bộ máy, biên chế trong lực lượng công an.
Thiếu tướng Nguyễn Thị Xuân, Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh khẳng định, lực lượng công an bán chuyên trách là “cánh tay nối dài” và luật ra đời không làm phát sinh thêm lực lượng mới, không làm thay đổi bản chất, vì đây chỉ là đối tượng tham gia hỗ trợ.
Tuy nhiên, bà Xuân cũng đề nghị bộ Công an sớm tổng kết đánh giá sau 2 năm triển khai công an chính quy về xã, để có thông tin cung cấp cho đại biểu Quốc hội.
Không đồng tình, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng đề nghị phải xin ý kiến đại biểu Quốc hội về việc có hay không ban hành luật này. “Chúng ta không được nhầm lẫn. Quốc hội nhầm lẫn thì dân đánh giá tai hại lắm”, ông Nhưỡng cho hay.
Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) - Ảnh: VNN |
Phát biểu ý kiến, Thiếu tướng Đào Thanh Hải, Phó giám đốc Công an thành phố Hà Nội đánh giá, khi lực lượng công an chính quy xuống xã, do không phải người địa phương nên không nắm bắt được địa bàn. Trong khi đó công an bán chính quy, sinh ra lớn lên ở địa bàn lại nắm kỹ hơn địa bàn. Tuy nhiên, do phụ cấp hiện rất thấp, nên động viên công an bán chuyên trách tham gia rất khó khăn. Khi công an chính quy xuống, ở Hà Nội đã có 25% lực lượng bán chính quy xin nghỉ. Theo ông Hải, nếu không có luật ra đời, sẽ khó khăn cho lực lượng này.
Thiếu tướng Sùng Thìn Cò, ủy viên Ủy ban Quốc phòng và an ninh Quốc hội, cũng đặt câu hỏi về việc xây dựng thêm một lực lượng không, khi mà hiện nay lực lượng công an chính quy đã được đưa về xã để thay thế lực lượng công an xã không chuyên trách.
Ông cho rằng cần phát huy tốt vai trò của lực lượng này và tin tưởng vào hệ thống chính trị từ trung ương xuống địa phương, cơ sở, xã phường, thôn bản, tin tưởng nhân dân.
"Không có việc gì mà dân không nắm được, dân không biết. Chúng ta không biết tại vì chúng ta không tốt, chúng ta không làm tốt công tác dân vận, nắm tình hình. Xin lỗi bộ trưởng chứ lực lượng công an quá đông. Một tỉnh ít nhất có 3.000, tỉnh to thì 4.000 công an chính quy. Đông như thế mà còn thêm nhiều lực lượng nữa. Chẳng lẽ lực lượng chính quy không đủ khả năng để chúng ta nắm tình hình, xử lý tình hình?", ông Cò phát biểu.
Giải trình ý kiến đại biểu, Bộ trưởng Công an, Đại tướng Tô Lâm khẳng định các lực lượng được nêu trong dự án Luật đang có sẵn. "Công an chưa từng từ chối, thoái thác nhiệm vụ cho lực lượng khác trong bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội", ông nói.
Theo lãnh đạo bộ Công an, vì hoạt động của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở động chạm đến quyền tự do dân chủ, quyền con người, quyền công dân theo quy định của Hiến pháp nên phải quy định bằng luật.
"Con số chúng tôi không nghĩ ra mà thống kê theo quy định trong luật, như lực lượng dân phòng nếu bố trí theo đúng luật, mỗi xóm thôn có 10 người thì tổng cộng có khoảng 2 triệu người, khi xây dựng luật này giảm khoảng 500.000 người", ông Tô Lâm nói thêm.
Cự Giải (T/h)