Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Thí sinh đặc biệt “lều chõng” và giấc mơ giảng đường đại học

(DS&PL) -

Y sĩ tuổi 50 đi thi THPT để thực hiện ước mơ thành sinh viên trường Y, cậu học sinh Hải Phòng bị ung thư xương chống nạng tham dự kỳ thi

Y sĩ tuổi 50 đi thi THPT để thực hiện ước mơ thành sinh viên trường Y, cậu học sinh Hải Phòng bị ung thư xương chống nạng tham dự kỳ thi, một thí sinh 19 tuổi bế theo cậu con trai mới sinh khoảng 3 tháng vượt hơn 100km lên TP.Pleiku để tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT Quốc gia... là những câu chuyện khiến mọi người xúc động và nể phục.

Màu sắc của ước mơ

Con trai cả là giảng viên một trường đại học ở Hà Nội, đang hoàn tất chương trình nghiên cứu luận án tiến sĩ. Người con thứ hai đang là nghiên cứu sinh tại Anh. Vậy mà, người mẹ 50 tuổi vẫn cắp sách bút tham gia kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay khiến nhiều người ngạc nhiên.

Chứng kiến chị Nguyễn Thị Thanh Vân (50 tuổi), y sĩ bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An đến lớp làm thủ tục thi (chị dự thi ở trường THPT Lê Viết Thuật, TP.Vinh, tỉnh Nghệ An) khiến cho nhiều thí sinh cùng phòng bất ngờ. Một số thí sinh còn nhầm tưởng chị là giám thị phòng thi. Chị Vân đăng ký thi các môn Toán, Hóa học và Sinh học, lấy điểm xét tuyển vào trường đại học Y khoa Vinh. Hiện tại, chị Vân là y sĩ khoa Răng - Hàm - Mặt, bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An. Chị tâm sự, chị đã ấp ủ ước mơ vào đại học từ lâu nhưng vì bận công việc và chăm sóc con cái nên đành gác lại. Bây giờ, khi con cái đã trưởng thành, chị lại bắt đầu thực hiện ước mơ của mình. "Tôi dự kỳ thi này với tâm lý rất thoải mái và không bị áp lực. Tôi sẽ cố gắng làm bài tốt để đạt được kết quả cao nhất có thể", chị Vân tự tin chia sẻ.

Khi chị Vân nói về ý định của mình, lúc đầu chồng con và bạn bè đều không ủng hộ vì cho rằng tuổi chị đã cao. Nếu trúng tuyển thì thời gian ít nhất tại trường Y cũng mất 6 năm, lúc ra trường đã quá tuổi nghỉ hưu, nhưng chị vẫn quyết định đi thi vì cho rằng sự học không bao giờ là muộn. Và cuối cùng, chồng chị đã ủng hộ, đưa vợ đi thi. Để tham dự kỳ thi này, trước đó, chị Vân tham gia lớp học ôn ở TP.Vinh. Tuy nhiên, hơn 30 năm rời đèn sách, để bắt đầu lại việc học là điều rất khó khăn. Về kiến thức cơ bản là chung, giống như thời chị Vân được học trong quá khứ nhưng phạm vi, giới hạn kiến thức có nhiều thay đổi.

Nghị lực vượt qua số phận của Phạm Đình Đức khiến nhiều người ngưỡng mộ.

Hơn thế nữa, cả 3 môn Toán, Hóa học, Sinh học đều thi trắc nghiệm, khác hoàn toàn với hình thức tự luận trước kia. Vì thế, chị phải học rất nhiều về kỹ năng làm bài cho phù hợp. “Hầu hết thời gian hành chính tôi phải làm việc ở bệnh viện, nên việc ôn thi chủ yếu vào buổi tối và chủ yếu làm bài thi trên mạng. Tôi cũng học cách làm bài thi trắc nghiệm để tránh những sai sót đáng tiếc”, chị Vân nói. Chia sẻ với PV, người phụ nữ này hy vọng sẽ có cơ hội bước chân vào cổng trường đại học. Tại TP Hoa Phượng Đỏ, cũng có một thí sinh hoàn cảnh vô cùng đặc biệt. Vượt qua số phận nghiệt ngã vì mang trong mình căn bệnh hiểm nghèo, một chân bị cắt, nam sinh Phạm Đình Đức (học sinh lớp 12A3 trường THPT Hồng Bàng) vẫn tham dự kỳ thi THPT Quốc gia. Qua tìm hiểu, Phạm Đình Đức mắc phải căn bệnh ung thư xương quái ác.

Năm lên 9 tuổi, vì căn bệnh này mà Đức bị mất 1 chân. Theo lời kể của Đức, hôm ấy em đang chơi đùa với bạn thì đột nhiên ngã quỵ không dậy nổi. Chân trái em cứ thế đau mãi. Mẹ Đức phát hiện ra đã đưa em đi khám thì bác sỹ bảo bị khớp. Chữa một thời gian không hết đau nên mẹ em đưa lên Hà Nội khám và phát hiện bị ung thư xương. Một tháng sau, bác sĩ bảo phải cắt chân mới sống được. Khi nghe tin phải cắt chân, mẹ Đức khóc như mưa còn Đức bình thản nói: “Mẹ cứu con, mẹ cứ để con cắt chân đi, không sao ạ”.

Được biết, nam sinh Phạm Đình Đức sinh ra trong một gia đình khó khăn, mẹ em là công nhân công ty CP Giày Thống Nhất, sau khi nghỉ hưu thì lương tháng hơn 2 triệu đồng. Bố Đức mất năm 2004 vì bệnh ung thư dạ dày. Đức còn một người anh trai sinh năm 1992 đang đi nghĩa vụ quân sự. Mọi gánh nặng trong nhà đều đè nặng trên vai mẹ Đức. Buổi sáng mẹ của Đức đi phụ hàng bán canh bánh đa, chiều đi dọn nhà thuê. Hoàn cảnh gia đình khó khăn là vậy, song Phạm Đình Đức đã luôn nỗ lực phấn đấu trong học tập. Khi được hỏi về bài thi, Đức tươi cười, phấn khởi khoe: “Đề thi Ngữ văn năm nay vừa sức nên em và các bạn đều làm được khá tốt bài thi”.

Mẹ trẻ ẵm con 3 tháng tuổi đi thi

Cũng vì theo đuổi ước mơ, thí sinh 19 tuổi bế theo cậu con trai mới sinh khoảng 3 tháng vượt hơn 100km lên TP.Pleiku để tham dự kỳ thi trong sự ngưỡng mộ của nhiều người. Gọi điện cho chúng tôi, một sinh viên tình nguyện tại cụm thi trường THCS Hoàng Hoa Thám (TP.Pleiku, tỉnh Gia Lai) thông tin về trường hợp của em thí sinh khá đặc biệt. Đó là em Siu H'Đanila (SN 1999, ngụ làng Plei Kia, thị trấn Nhơn Hòa, huyện Chư Pưh, tỉnh Gia Lai). Siu H'Đanila địu theo đứa con trai hơn 3 tháng tuổi vượt hành trình cả 100km lên TP. Pleiku để thi tốt nghiệp. Theo chỉ dẫn của nhóm tình nguyện viên, chúng tôi tìm đến chùa Vĩnh Nghiêm (TP.Pleiku), nơi mẹ con thí sinh H'Đanila đang tá túc. Tại bộ bàn đá bên hông chùa, bà mẹ nhí trong bộ dạng bận bịu. Sau lưng, em địu con, trên bàn còn hộp cơm đang ăn dở. Thế nhưng, đôi mắt em vẫn cặm cụi nhìn vào tập tài liệu ôn bài.

Sau một lúc làm quen, H'Đanila mở lòng: "Nhà em ở tận huyện Chư Pưh cách TP. Pleiku xa lắm. 12 năm đèn sách, để không bị lỡ kỳ thi, sáng hôm 24/6, em phải địu con, đón xe đò lên TP.Pleiku từ mờ sáng. Vì con còn nhỏ mới sinh được hơn 3 tháng, đi xa gia đình không yên tâm nên mẹ của em cũng đi để hỗ trợ trông nom cháu khi cần. H'Đanila chia sẻ: "Lần đầu tiên xa nhà, lại đem theo con nhỏ nên em có chút lo lắng. Hôm qua, khi được xe đò chở tới điểm thi, thấy em tay xách nách mang ba lô, đồ đạc, địu con các bạn sinh viên tình nguyện đưa em đến chùa Vĩnh Nghiêm để tá túc. Tại đây, mẹ con em được các sư trong chùa giúp đỡ rất nhiệt tình, được cho ăn ở miễn phí". Theo H'Đanila, nhờ có mẹ đi cùng nên em cũng có nhiều thời gian để tập trung ôn bài, đảm bảo trang bị tốt kiến thức phục vụ cho kỳ thi. "Chỉ khi nào con khát sữa cho cháu bú, xong lại giao cho bà ngoại trông nom. Được cái con trai em cũng rất ngoan không quấy phá nên em cũng đỡ vất vả", nữ thí sinh nói. H'Đanila phấn khởi khoe: "Sáng nay, đề thi môn Văn cũng tương đối sát với phần kiến thức mà em được ôn luyện nên đã hoàn thành phần thi tương đối tốt. Nhà em có truyền thống mẹ là giáo viên, chị cũng giáo viên nên em đang theo đuổi ước mơ làm cô giáo để nối nghiệp của mẹ".

HÀ HẰNG - HỒ NAM - MINH SƠN 
Bài đăng trên báo giấy Đời sống & Pháp luật số 77 

Tin nổi bật