Chính phủ vừa ban hành Quyết định số 33/2021/QĐ-TTg sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg ngày 7/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ quy định về việc thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19.
Quyết định 33 không áp dụng đối với những trường hợp đã được chi trả hỗ trợ hoặc đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt danh sách hỗ trợ nhưng chưa chi trả theo hướng dẫn của quyết định 23.
Theo quy định mới, lao động chấm dứt hợp đồng chỉ cần nộp bản sao giấy tờ như hợp đồng lao động, quyết định thôi việc, không cần chứng thực hay có bản chính đi kèm.
Người lao động được nhận tiền hỗ trợ từ gói 26.000 tỷ đồng. (Ảnh: Thanh Niên)
Quyết định 33 mở rộng hỗ trợ đối tượng hộ kinh doanh sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp, làm muối và những người bán hàng rong, quà vặt, buôn chuyến, kinh doanh lưu động, kinh doanh thời vụ, làm dịch vụ có thu nhập thấp không phải đăng ký hộ kinh doanh. Hỗ trợ 1 lần duy nhất với mức 3 triệu đồng.
Hộ kinh doanh được hỗ trợ khi có đủ các điều kiện: Có đăng ký kinh doanh và có trong danh bạ của cơ quan thuế; phải dừng hoạt động từ 15 ngày liên tục trở lên do yêu cầu của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền để phòng, chống dịch COVID-19, hoặc do có địa điểm kinh doanh trên địa bàn thực hiện Chỉ thị số 16, hoặc phải áp dụng biện pháp không hoạt động/ngừng hoạt động theo Nghị quyết số 128/NQ-CP trong thời gian từ ngày 1/5/2021 đến hết ngày 31/12/2021.
Cũng tại quyết định này, ngoài hỗ trợ với trẻ em trong thời gian điều trị do nhiễm COVID-19 hoặc cách ly y tế đã được quy định trước đó, có bổ sung quy định hỗ trợ đối với người cao tuổi, người khuyết tật.
Cụ thể, đối với trẻ em, người cao tuổi, người khuyết tật trong thời gian điều trị do nhiễm COVID-19 hoặc cách ly y tế được hỗ trợ thêm một lần mức 1 triệu đồng/người.
Trong khi đó, doanh nghiệp tạm dừng đóng quỹ hưu trí, tử tuất khi bị giảm 10% số lao động vì ảnh hưởng của dịch COVID-19 trở lên tại thời điểm nộp hồ sơ đề nghị so với tháng 1/2021.
Một điểm nữa, trường hợp dịch bệnh hoặc nguyên nhân bất khả kháng không thể thỏa thuận bằng văn bản thì người sử dụng lao động và người lao động có thể thỏa thuận qua điện thoại, tin nhắn, thư điện tử… và chịu trách nhiệm về tính chính xác của nội dung thỏa thuận.
Việt Hương (T/h)