"Không thể có sự thỏa hiệp về vấn đề toàn vẹn lãnh thổ. Ukraine, Slovakia hay bất kỳ quốc gia nào khác cũng sẽ làm như vậy", Ukrainska Pravda dẫn lời ông Oleh Nikolenko - phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Ukraine nói khi bình luận về đề xuất nhượng bộ lãnh thổ do Thủ tướng Slovakia Robert Fico đưa ra gần đây.
Quan chức này nói thêm rằng Ukraine và các đối tác đang nỗ lực đẩy quân đội Nga ra khỏi bán đảo Crimea, Donbas và Luhansk bị chiếm đóng để họ không tiến xa hơn, bao gồm cả tới Košice, Presov cũng như các vùng đất khác của Slovakia.
Thủ tướng Slovakia Robert Fico đề xuất Ukraine nên chấp nhận nhượng bộ lãnh thổ với Nga. Ảnh: Pravda
“Hãy thành thật mà nói, không có an ninh ở Ukraine có nghĩa là không có an ninh ở Slovakia hay ở châu Âu nói chung. Chúng ta phải hợp tác cùng nhau để đưa chiến thắng của Ukraine đến gần hơn”, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Ukraine nhấn mạnh.
Thủ tướng Slovakia Robert Fico dự kiến sẽ gặp mặt người đồng cấp Ukraine Denys Shmyhal vào ngày 24/1 tới. Tuy nhiên, ông Fico trước đó đã tuyên bố rằng ông dự định thông báo tại cuộc gặp với ông Shmyhal rằng ông sẽ ngăn chặn việc Kiev gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) bằng mọi cách có thể.
Ông Fico đồng thời cho biết Ukraine là quốc gia chịu "ảnh hưởng tuyệt đối của Mỹ" và ám chỉ rằng nước này sẽ phải nhường một phần lãnh thổ của mình cho Nga. "Cần phải có một số thỏa hiệp, điều này sẽ rất đau đớn cho cả hai bên. Họ mong đợi điều gì? Nga sẽ rời khỏi Crimea, Donbas và Luhansk? Điều đó không thực tế", Thủ tướng Slovakia lưu ý.
Thủ tướng Fico lên nắm quyền ở Slovakia vào tháng trước sau khi đảng Smer của ông giành chiến thắng trong cuộc bầu cử hồi tháng 9 năm ngoái. Ngay sau khi nhậm chức, ông Fico thông báo sẽ ngừng gửi vũ khí tới Ukraine, ngăn cản tư cách thành viên NATO tiềm năng của Kiev và phản đối các lệnh trừng phạt đối với Nga.
Nhà lãnh đạo Slovakia cũng từng nhiều lần chỉ trích cách tiếp cận của phương Tây đối với cuộc xung đột Nga – Ukraine và rằng sự hỗ trợ lâu dài dành cho Kiev là phung phí nhân lực và tiền bạc một cách vô ích. Tuần trước, ông đã bày tỏ sự ủng hộ đối với Hungary trong việc phủ quyết gói viện trợ trị giá 50 tỷ euro của Liên minh châu Âu (EU) dành cho Ukraine.
Trước sự phản đối của Hungary, EU được cho là đang cân nhắc kế hoạch mới nhằm duy trì viện trợ cho Ukraine. Cụ thể, khối này tính lập ra một quỹ trị giá gần 22 tỷ USD dùng để hoàn trả cho từng quốc gia thành viên cung cấp hỗ trợ quân sự cho Ukraine, bao gồm đạn dược, máy bay không người lái và tên lửa.
Phương Uyên (Theo Pravda)