Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

[E] Thế giới năm 2022: Xung đột, dịch bệnh và lạm phát phủ bóng đen

(DS&PL) -

Năm 2022, đại dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp nhưng thế giới lại nổi lên những sự hỗn loạn khác do xung đột và lạm phát.

$Title <% include MetaTags %>

Thế giới năm 2022: Xung đột, dịch bệnh và lạm phát phủ bóng đen

Minh Hạnh

Năm 2022, đại dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp nhưng thế giới lại nổi lên những sự hỗn loạn khác do xung đột và lạm phát.

COVID-19 bước sang năm thứ 3

Bước vào năm 2022, tình hình dịch COVID-19 trên thế giới vẫn tương đối ảm đạm với sự bùng phát và “thống trị” của biến thể Omicron.

Vào ngày 26/11/2021, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã ra thông báo về biển thế gây lo ngại Omicron, được báo cáo lần đầu tại Nam Phi. Thời điểm đó, WHO nhận định thế giới đang đối phó với một biến thể mới với sự khác biệt và cần có sự chuẩn bị sẵn sàng.

Thực tế, Omicron đã trở thành một biến thể COVID-19 chưa từng có, nhanh chóng vượt qua biến thể Delta đang “thống trị” số ca bệnh COVID-19 toàn cầu và gây ra một cơn "đại hồng thuỷ” COVID-19 khác trên thế giới. Trong những ngày đỉnh điểm của đợt bùng phát biến thể Omicron dịp năm mới 2022, Mỹ từng ghi nhận lên tới 1 triệu trường hợp dương tính với SARS-CoV-2 trong một ngày.

Dòng người xếp hàng ở Mỹ đợi xét nghiệm COVID-19.

Tuy nhiên, các quan sát cho thấy biến thể Omicron ít gây triệu chứng nghiêm trọng hơn so với biến thể Delta. Những loại vaccine ban đầu không có hiệu quả cao trong việc ngăn ngừa lây nhiễm Omicron nhưng vaccine vẫn có tác dụng giảm bớt triệu chứng mà biến thể này gây ra.

Với việc vaccine ngừa COVID-19 được phân bổ và tiêm chủng rộng rãi hơn trong năm 2022, nhiều người trên thế giới đã được bảo vệ khỏi nguy cơ nhập viện và tử vong. Sau các đợt bùng phát biến thể Omicron, tình hình dịch COVID-19 trên thế giới dần được kiểm soát.

Tới thời điểm hiện tại, hầu hết các quốc gia đã bắt đầu mở cửa trở lại, đón tiếp khách du lịch và dỡ bỏ một vài biện pháp kiểm soát nghiêm ngặt để bắt đầu cuộc sống “bình thường mới”. Vào đầu tháng 12/2022, WHO ước tính khoảng 90% dân số thế giới đã có kháng thể với COVID-19, bao gồm cả những trường hợp đã khỏi bệnh và được tiêm chủng.

Tổng Giám đốc WHO, Tiến sĩ Tedros Adhanom Ghebreyesus.

Tổ chức Y tế của Liên hợp quốc cũng đưa rất nhiều tín hiệu tích cực về tình hình dịch COVID-19. Vào tháng 9/2022, WHO nhận định “cái kết của COVID-19 đang trong tầm mắt”. Thời điểm ấy, WHO xác nhận số ca tử vong do COVID-19 trên toàn thế giới đã giảm xuống mức thấp nhât tính từ tháng 3/2020 – thời điểm virus bắt đầu lây lan toàn cầu".

“Chúng ta chưa bao giờ ở điều kiện tốt hơn để chấm dứt đại dịch, dù chúng ta vẫn chưa ở thời điểm chín muồi, nhưng kết cục đã ở trong tầm mắt. Nếu chúng ta không tận dụng cơ hội này ngay bây giờ, sẽ có nguy cơ xuất hiện nhiều biến thể hơn, nhiều người chết hơn, gây nên nhiều lo lắng hơn”.

Tổng Giám đốc WHO, Tiến sĩ Tedros Adhanom Ghebreyesus

Dù tình hình dịch bệnh trên thế giới có điểm sáng nhưng tại Trung Quốc, diễn biến dịch vào thời điểm cuối năm 2022 lại có xu hướng ngược lại. Là quốc gia cuối cùng theo đuổi chiến lược Zero COVID, Trung Quốc đến tháng 12 mới dần nới lỏng các biện pháp phòng dịch nghiêm ngặt.

Tuy nhiên, ngay sau khi nới lỏng hạn chế, quốc gia này đang phải đối mặt với đợt bùng phát dịch bệnh mới nghiêm trọng. Công ty dữ liệu y tế có trụ sở tại Anh, Airfinity, dự đoán số ca nhiễm bệnh ở Trung Quốc có thể lên tới hơn 1 triệu ca mắc mới với hơn 5.000 ca tử vong mỗi ngày.

Trung Quốc đang đối phó với đợt bùng phát dịch COVID-19 mới sau khi nới lỏng biện pháp nghiêm ngặt.

Trong khi đó, một bệnh viện ở Thượng Hải ước tính khoảng 50% trong số 25 triệu dân của trung tâm thương mại này sẽ bị mắc COVID-19 vào cuối tháng 12. Các chuyên gia cũng cho rằng Trung Quốc có thể phải đối mặt với hơn 1 triệu ca tử vong do COVID-19 vào năm tới.

Bên cạnh đó, nhiều quốc gia khác cũng tiếp tục kêu gọi người dân tiêm vaccine ngừa COVID-19 để chuẩn bị trước cho những làn sóng dịch mới có thể xảy ra trong mùa đông, đặc biệt là vào dịp lễ năm mới.

Bệnh đậu mùa khỉ bùng phát

Khi dịch COVID-19 có xu hướng được kiểm soát, thế giới – đặc biệt là khu vực châu Âu và Mỹ - lại đối mặt với một đợt bùng phát dịch khác lạ của bệnh mpox (trước là bệnh đậu mùa khỉ).

Kể từ đầu tháng 5/2022, các trường hợp mắc bệnh mpox đã được báo cáo từ nhiều quốc gia trên thế giới, những nơi chưa từng lưu hành căn bệnh này như Châu Âu và Bắc Mỹ. Trong khi đó, vùng Tây hoặc Trung Phi mới là nơi virus mpox thường lưu hành. Đây cũng là lần đầu tiên nhiều trường hợp và cụm mpox được báo cáo đồng thời ở các quốc gia không lưu hành virus ở những vị trí địa lý khác nhau.

Hầu hết các trường hợp mắc mpox đến nay được xác định lây nhiễm thông qua tiếp xúc gần như quan hệ tình dục. Mpox cũng không lây lan nhanh và nghiêm trọng bằng COVID-19 nhưng sự bùng phát bất thường của dịch bệnh tại những quốc gia châu Âu và Mỹ vẫn nhận được sự quan tâm đặc biệt của thế giới.

WHO hiện vẫn đang hợp tác với các cơ quan y tế để ngăn chặn sự lây lan của căn bệnh này. Cơ quan y tế Liên hợp quốc đã ban hành hướng dẫn về quy trình giám sát, công việc trong phòng thí nghiệm, chăm sóc lâm sàng, phòng ngừa và kiểm soát lây nhiễm, cũng như công tác tuyên truyền về căn bệnh này .

Khi đợt bùng phát bệnh đậu mùa khỉ lan rộng trongnăm nay, ngôn ngữ phân biệt chủng tộc và kỳ thị trực tuyến đã xuất hiện. Trong một số cuộc họp,cả công khai và riêng tư, một số cá nhân và quốc gia đã bày tỏ quan ngại về vấn đề phân biệt chủng tộc và yêu cầu WHO đổi tên căn bệnh này. Theo đó, WHO đã quyết định đổi bệnh đậu mùa khỉ (monkey pox) thành mpox.

Cuộc xung đột tại Ukraine

Một trong những tâm điểm thu hút sự chú ý trên toàn thế giới trong năm 2022 chính là cuộc xung đột tại Ukraine.

Ngày 24/2/2022, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã khiến cả thế giới chấn động khi tuyên bố mở chiến dịch quân sự đặc biệt và thực hiện những đòn tấn công đầu tiên nhằm vào Ukraine. Khi đó, Nga đã tổ chức một chiến lược toàn diện, đưa quân từ cả Belarus và bán đảo Crimea vào Ukraine. Kể từ đó tới nay, các cuộc giao tranh dữ dội đã khiến hàng nghìn người thiệt mạng, hàng triệu người Ukraine phải di dời khỏi quê nhà.

Trong 10 tháng qua, xung đột đã trải qua 3 giai đoạn chính. Theo Euronews, trong giai đoạn đầu tiên, Nga muốn giành chiến thắng nhanh chóng và kiểm soát các cảng trên Biển Đen và Biển Azov. Nhưng kỳ vọng của Nga trong giai đoạn đầu đã vấp phải sự kháng cự quyết liệt từ phía Ukraine. Với sự hỗ trợ từ các nước phương Tây, Kiev đã giữ vững quyền kiểm soát phần lớn lãnh thổ trong giai đoạn này.

Xung đột Ukraine đã kéo dài hơn 10 tháng.

Diễn biến này đã khiến Nga đưa ra những thay đổi chiến lược, đẩy cuộc xung đột sang giai đoạn thứ hai. Trong đó, Điện Kremlin đã chuyển trọng tâm chiến dịch sang Donbas, trung tâm công nghiệp phía Đông Ukraine, nơi phe ly khai thân Nga chiến đấu với quân đội Kiev từ năm 2014.

Dựa vào lợi thế lớn về pháo binh, các lực lượng Nga đã giành được những bước tiến đáng kể. Cảng chiến lược Mariupol trên Biển Azov, biểu tượng cho sự kháng cự của Ukraine, đã thất thủ vào tháng 5 sau cuộc bao vây kéo dài gần 3 tháng. Trong các tháng sau đó, Nga tiếp tục giành quyền kiểm soát toàn bộ khu vực Luhansk và hơn một nửa lãnh thổ tỉnh Donetsk, hai tỉnh tạo nên vùng Donbas rộng lớn.

Cuộc giao tranh ở Donbas đã chậm lại khi Moscow di chuyển một số binh sĩ của mình đến các khu vực do Nga kiểm soát ở phía Nam để chống lại một cuộc phản công tiềm năng của Ukraine.

Từ đầu xung đột, quân đội Nga đã chiếm giữ vùng Kherson, phía Bắc Crimea và một phần của vùng Zaporozhye. Theo đó, Moscow đã thiết lập các chính quyền mới ở đó, ban hành tiền tệ của mình, trao hộ chiếu Nga và tổ chức các cuộc chưng cầu dân ý về việc sáp nhập vào Nga. Vcuối tháng 9, Nga đã chính thức tuyên bố sáp nhập 4 tỉnh ly khai Ukraine bao gồm Luhansk, Donetsk, Kherson và Zaporizhyia.

Sau bán đảo Crimea, Nga đã sáp nhập thêm 4 tỉnh ly khai Luhansk, Donetsk, Kherson và Zaporizhyia.

Động thái của Nga sau đó đã vấp phải sự phản đối từ Ukraine và các đồng minh phương Tây. Vào tháng 10/2022, Liên hợp quốc đã thông qua một nghị quyết phản đối Nga sáp nhập 4 tỉnh ly khai Ukraine.

Sau sự kiện trên, cuộc xung đột đã bước sang giai đoạn mới khi Ukraine bắt đầu chiến dịch phản công giành lại các khu vực do Nga kiểm soát ở phía Nam. Trong đó, nổi bật nhất là thành công của Kiev trong việc giành lại quyền kiểm soát thành phố Kherson từ Nga.

Thời điểm ấy, Nga cho biết họ đã rút 30.000 binh sĩ từ Kherson qua khu vực sông Dnipro.Sự kiện này là cuộc rút lui lớn thứ 3 của Nga trong chiến dịch quân sự và lần đầu tiên Nga phải nhường lại một thành phố lớn như vậy trước cuộc phản công từ Ukriane.

Ukraine thiệt hại nghiêm trọng sau các cuộc giao tranh.

Tình hình tại Ukraine hiện vẫn đang diễn biến vô cùng căng thẳng, đặc biệt khi mùa đông giá lạnh tới. Ông Mark Hertling, cựu tướng chỉ huy Lục quân Mỹ tại châu Âu, dự đoán cuộc xung đột tại Ukraine sắp bước sang giai đoạn thứ tư.

Ông Hertling nhận định Moscow có thể sắp "đóng băng" chiến dịch quân sự tại Ukraine. Theo ông Hertling, động thái này sẽ cho Nga thời gian tập hợp lại lực lượng.

Lạm phát kỷ lục trong nhiều thập kỷ

Điều khiến năm 2022 trở nên khác thường là cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt. Theo đó, tỷ lệ lạm phát toàn cầu trong năm 2022 sẽ kết thúc ở mức khoảng 9%. Đối với nhiều nước đang phát triển, lạm phát cao là một thách thức thường xuyên. Lần gần nhất thế giới chứng kiến lạm phát tăng cao như vậy ở các nước giàu là vào đầu những năm 1980.

Trong năm 2022, giá tiêu dùng cá nhân ở Mỹ đang trên đà tăng khoảng 7%, mức cao nhất trong 4 thập kỷ. Trong khi đó, ở Đức, tỷ lệ này sẽ ở mức gần 10%, lần đầu ghi nhận lạm phát ở mức 2 con số kể từ năm 1951.

Cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt tác động tới nhiều quốc gia phát triển trên thế giới.

Nguyên nhân chính thúc đẩy lạm phát trên thế giới là do chi phí nhiên liệu và thực phẩm tăng vọt. Giá của nhiều mặt hàng tiêu dùng đã có xu hướng tăng vào đầu năm 2022 do tác động kéo dài của COVID-19 với chuỗi cung ứng.

Thêm vào đó, chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga tại Ukraine hồi tháng 2 đã khiến tình hình càng tồi tệ hơn. Giá dầu tăng 1/3 khi các nước phương Tây sau khi họ áp trừng phạt với nhiên liệu Nga. Giá lương thực cũng tăng mạnh do chi phí phân bón và vận chuyển cũng như việc Nga phong tỏa xuất khẩu ngũ cốc từ Ukraine, một nhà sản xuất lúa mì lớn.

Về mặt kinh tế, việc giá cả tăng đột ngột đối với các mặt hàng chủ chốt đã nhanh chóng len lỏi vào cuộc sống hàng ngày của người dân thế giới. Ở châu Âu, từ lâu đã phụ thuộc vào khí đốt của Nga, hàng triệu người sẽ phải vật lộn để được sưởi ấm trong mùa đông này. Trên tất cả các khu vực, lương thực và nhiên liệu chiếm trung bình hơn một nửa lạm phát vào năm 2022.

Nếu lạm phát chỉ là một hiện tượng từ phía nguồn cung, thì điều đó đã đủ gây tổn hại rồi. Tuy nhiên, sự phát triển đáng lo ngại nhất đối với các ngân hàng trung ương là áp lực đã thấm vào các thành phần “cốt lõi” của chỉ số giá cả - đó là hàng hóa và dịch vụ ngoài thực phẩm và năng lượng.

Bên cạnh đó, nhiều quốc gia hiện có thị trường lao động cực kỳ chặt chẽ, một phần của làn sóng nghỉ hưu sớm trong thời kỳ COVID-19. Kết quả là các công ty đang trả lương cao hơn để thu hút người lao động, làm tăng thêm đà lạm phát.

Tại Mỹ, nơi mức tăng lạm phát đặc biệt cao thì một nguyên nhân khác được xác định là do sự kích thích kinh tế quá mức của cả chính phủ và Cục Dự trữ liên bang (Fed) trong thời gian COVID-19 đạt đỉnh. Phần lớn năm 2022 những sự kích thích kinh tế này đã kéo nhu cầu chi tiêu cá nhân thực tế lên cao, cao hơn so với xu hướng trước đại dịch.

Trong khi đó, theo báo cáo thường niên về tiên lương của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), giá trị tiền lương thực tế trung bình hàng tháng trong năm 2022 đã giảm 0,9% so với năm ngoái. Con số này đánh dấu sự sụt giảm mức sống toàn cầu lần đầu tiên trong 15 năm qua.

Bước sang năm 2023, lạm phát và kinh tế được dự báo sẽ vẫn là vấn đề trọng tâm của thế giới. Các ngân hàng trung ương trên thế giới đã bắt đầu tăng lãi suất mạnh để giảm bớt nhu cầu và kiềm chế lạm phát. Quỹ Tiền tệ Quốc tế ước tính đến cuối năm 2023, lạm phát sẽ giảm xuống còn khoảng 4,7% - bằng một nửa so với mức độ hiện tại.

Mục đích của các ngân hàng trung ương là hạ nhiệt lạm phát một cách nhẹ nhàng, không khiến thị trường nhà ở sụp đổ, doanh nghiệp phá sản hoặc làm tăng tỉ lệ thất nghiệp. Dù vậy, trong quá khứ, những kịch bản lý tưởng được chứng minh là khó thành hiện thực.

Từ Giám đốc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ Jerome Powell đến Giám đốc Ngân hàng Trung ương Châu Âu Christine Lagarde, tất cả đều nhận định việc tăng lãi suất có thể kéo theo "tác dụng phụ". Bên cạnh đó, những tác động tiêu cực khác từ bên ngoài, như xung đột Ukraine và sự cạnh tranh giữa phương Tây - Trung Quốc, đang dần bộ lộ những điểm tiêu cực.

"Nhìn chung, điều tồi tệ nhất vẫn chưa đến và với nhiều người, năm 2023 có thể là một cuộc suy thoái".

Trích báo cáo tháng 10 của Quỹ Tiền tệ Quốc tế

Ảnh: Reuters, Getty, AP

DOISONGPHAPLUAT.COM |

<% include googleAnalystic %>

Tin nổi bật