Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Thấy gì sau khi thực nghiệm sách giáo khoa Cánh Diều lớp 10?

(DS&PL) -

Qua buổi dạy thực nghiệm môn Toán lớp 10 sách giáo khoa Cánh Diều, một số vấn đề được “mổ xẻ” để bộ sách hoàn thiện hơn.

Qua buổi dạy thực nghiệm môn Toán lớp 10 sách giáo khoa Cánh Diều, một số vấn đề được “mổ xẻ” để bộ sách hoàn thiện hơn.

Có một số lưu ý trong sách giáo khoa mới

Giờ học thực nghiệm môn Toán của cô Nguyễn Thị Hoài Thương tại lớp 10A1 (trường THPT Tây Hồ).

Mới đây, trường THPT Tây Hồ (Hà Nội) đã có giờ dạy thực nghiệm sách giáo khoa lớp 10 Cánh Diều. Thứ trưởng bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ đi kiểm tra, dự giờ và có một số đánh giá về nội dung này.

Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ và tác giả bộ sách giáo khoa mới, cùng một số thầy cô, chuyên gia giảng dạy môn Toán đã dự tiết dạy minh họa bài Phương trình đường tròn tại lớp 10A1 do cô giáo Nguyễn Thị Hoài Thương thực hiện.

Qua tiết dạy minh họa, giáo viên đã thể hiện phương pháp tổ chức lớp học theo hướng đổi mới, chủ động hướng dẫn học sinh vận dụng những điều đã biết để hình thành các năng lực, phẩm chất trên cơ sở kiến thức trong sách giáo khoa mới.

Sau khi tổ chức xong tiết dạy thực nghiệm, cô Nguyễn Thị Hoài Thương chia sẻ: “Sách giáo khoa mới đã đưa vào những nội dung, cách thức chuyển từ truyền thụ kiến thức sang khơi dậy năng lực của học sinh. Giáo viên đóng vai trò dẫn dắt, hướng dẫn, đặt vấn đề để học sinh tự tìm tòi, phát hiện và triển khai nội dung bài học. Cách dẫn dắt kiến thức từ dễ đến khó, giúp giáo viên dễ dàng tiếp cận để dạy học sinh, qua đó các em thấy dễ học, dễ nhớ hơn. Sách giáo khoa mới đã đưa vào hình ảnh trực quan, những bài tập ví dụ thực tiễn, gần gũi với đời sống, đỡ nhàm chán và công thức”.

Tuy nhiên, theo cô giáo Hoài Thương, có một số điểm khó vẫn tồn tại trong sách giáo khoa mới, một số định nghĩa phương trình ở dạng mới khiến học sinh gặp khó khi tiếp cận, tư duy và ghi nhớ, cụ thể, phương trình ở sách cũ thuận mắt hơn.

Cũng trong buổi trao đổi, các thầy cô và chuyên gia đề cập đến các nội dung cần sát thực tiễn và có nhiều ví dụ thực tiễn hơn nữa. Đại diện tổ Toán - Tin trường THPT Tây Hồ gợi ý: “Những nội dung trong sách giáo khoa mới cần nghiên cứu thêm những ứng dụng của đường tròn, tiếp tuyến của đường tròn, chẳng hạn, tính độ dốc, độ cao leo núi...”.

GS.TS Đỗ Đức Thái (Chủ biên môn Toán chương trình giáo dục phổ thông 2018, Tổng chủ biên sách giáo khoa Cánh Diều môn Toán) cũng cho biết: “Việc triển khai dạy thực nghiệm là yêu cầu bắt buộc và khâu quan trọng trong quy trình biên soạn sách giáo khoa. Mục đích thực nghiệm là kiểm nghiệm, đánh giá tính khả thi, mức độ đáp ứng yêu cầu của các bài học trong sách giáo khoa mới để từ đó có cơ sở chỉnh sửa và hoàn thành bản mẫu sách trước khi gửi hội đồng quốc gia thẩm định”.

Được biết, chương trình dạy thực nghiệm sẽ được tiến hành ở các vùng miền trong điều kiện kinh tế - xã hội, đặc thù nhà trường khác nhau. Việc thực nghiệm càng khách quan, trung thực càng nhận được nhiều phản hồi chính xác, cụ thể và chất lượng cho công tác biên soạn sách giáo khoa mới.

Cần tăng cường dạy thực nghiệm

Phiếu đánh giá và góp ý giờ học thực nghiệm.

Sau khi dự giờ dạy thực nghiệm của giáo viên trường THPT Tây Hồ, Thứ trưởng bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ đánh giá: “Chương trình giáo dục phổ thông mới trao quyền chủ động cho giáo viên. Thầy cô đã tích cực đổi mới phương pháp, vận dụng khoa học công nghệ vào mỗi bài giảng, khiến mỗi tiết học là một giờ sinh động với học sinh. Sách giáo khoa theo chương trình mới chỉ là kênh tham khảo chính trong quá trình giảng dạy. Giáo viên có vai trò chọn lựa những nội dung bài học phù hợp và áp dụng linh hoạt, sáng tạo theo chương trình nhà trường xây dựng; bảo đảm học sinh tiếp thu bài tốt nhất”.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Hữ Độ, để đảm bảo chất lượng, bộ GD&ĐT chủ trương tăng cường nâng cao chất lượng bản mẫu sách giáo khoa, trong đó đẩy mạnh dạy thực nghiệm trong các nhà trường. Bộ sẽ chỉ đạo các sở GD&ĐT, nhà trường tạo điều kiện thuận lợi để công tác dạy thực nghiệm diễn ra hiệu quả, đúng mục tiêu đề ra. Từ đó, phản ánh trung thực, chính xác, khách quan nhất chất lượng và tính phù hợp của sách giáo khoa mới. Thực nghiệm khách quan để có văn bản sách giáo khoa tốt nhất.

Năm nay, Bộ sẽ tăng cường khâu thẩm định nội bộ của các nhà xuất bản, phù hợp mới gửi sách giáo khoa mới lên hội đồng quốc gia thẩm định. Qua đó, bảo đảm sách giáo khoa mới được đưa vào dạy đại trà phù hợp với các nhà trường.

“Giáo viên là người trực tiếp tạo ra sản phẩm giáo dục. Vì vậy, để triển khai hiệu quả, chất lượng dạy học theo các bộ sách giáo khoa mới, ngành giáo dục sẽ quan tâm bồi dưỡng, tập huấn nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ giáo viên. Trong đó chú trọng bồi dưỡng thường xuyên, liên tục tại chỗ từ các nguồn tư liệu được cung cấp qua mạng Internet”- vị Thứ trưởng nhấn mạnh.

Thủy Tiên

Bài đăng trên ấn phẩm Đời sống & Pháp luật số Thứ 5 (61)

Tin nổi bật