Theo báo Tuổi trẻ, ngày 7/7, Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan nói Washington đã quyết định gửi bom chùm cho Ukraine. Số vũ khí này nằm trong gói viện trợ quân sự mới trị giá tới 800 triệu USD.
Bom chùm CBU-97 do Mỹ sản xuất của Không quân Hàn Quốc. Ảnh: Reuters
Ngay sau khi có thông báo, nhiều nước phương Tây đã lên tiếng kêu gọi Washington không nên gửi loại bom này cho Kiev.
Theo đó, Bộ trưởng Quốc phòng Tây Ban Nha Margarita Robles khẳng định việc Mỹ gửi bom chùm cho Ukraine là sai và Madrid kiên quyết phản đối việc này.
Bà Margarita Robles cho biết Ukraine không nên sử dụng bom chùm "trong bất kỳ trường hợp nào".
"Tây Ban Nha cũng có cam kết không chuyển giao một số loại vũ khí và bom trong bất kỳ trường hợp nào", Hãng tin Reuters dẫn lời bà Robles ở Madrid, ngày 8-7.
Tây Ban Nha "nói không với bom chùm và đồng ý với việc phòng vệ chính đáng cho Ukraine, điều mà chúng tôi hiểu rằng không nên thực hiện bằng bom chùm", bà Robles nói thêm.
Tổng Thư ký Liên hợp quốc (LHQ) António Guterres đã lên tiếng phản đối quyết định của Washington cung cấp bom, đạn chùm cho Kiev. Bước đi này của Tổng thống Biden còn khiến đồng minh Canada bối rối. Theo các chuyên gia, động thái như vậy nhiều khả năng sẽ làm dấy lên làn sóng chỉ trích từ các đồng minh trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và Liên minh châu Âu (EU), VTV đưa tin.
Quyết định của chính quyền Tổng thống Joe Biden cũng bị Đức, Anh và Canada chỉ trích.
Trong đó, Canada và Anh tái khẳng định cam kết của họ với thỏa thuận của Liên Hiệp Quốc trong việc cấm bom chùm, đồng thời lên tiếng phản đối việc sử dụng chúng trong cuộc xung đột Nga - Ukraine.
"Chúng tôi không ủng hộ việc sử dụng bom, đạn chùm", Đài truyền hình quốc gia Canada CTV dẫn thông báo của chính phủ. "Ottawa cam kết chấm dứt ảnh hưởng của bom, đạn chùm đối với thường dân, đặc biệt là trẻ em".
Tại London, Thủ tướng Anh Rishi Sunak nói với báo giới rằng nước Anh không ủng hộ việc sử dụng bom chùm. "Vương quốc Anh đã ký kết công ước cấm sản xuất hoặc sử dụng bom, đạn chùm và chúng tôi không khuyến khích sử dụng chúng".
Ông Sunak cho biết London sẽ tiếp tục hỗ trợ Ukraine bằng các biện pháp khác.
"Mọi người tiếp tục chết vì sử dụng loại vũ khí này", ông Earl Turcotte, một nhà ngoại giao Canada kỳ cựu và là nhà hoạt động giải trừ quân bị, nói với Đài CTV. Vị cựu quan chức này, người dẫn đầu phái đoàn Canada tại các cuộc đàm phán công ước về bom, đạn chùm năm 2008, đã hối thúc Ottawa lên tiếng cụ thể về quyết định của Mỹ.
Bom chùm bị cấm ở hơn 100 nước. Loại bom này thường phát tán nhiều quả bom nhỏ hơn nằm bên trong, có khả năng gây sát thương ở phạm vi rộng. Những quả bom không phát nổ có thể tiềm ẩn nguy hiểm trong nhiều thập kỷ.
Theo các chuyên gia, động thái như vậy nhiều khả năng sẽ làm dấy lên làn sóng chỉ trích từ các đồng minh trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và Liên minh châu Âu (EU).
Ngược lại, Washington có quan điểm khác với bản thân ông Turcotte và với cả các đồng minh. Ngày 8/7, khi được hỏi về khả năng gây hại cho dân thường, một quan chức cấp cao của Lầu Năm Góc nói rằng "điều tồi tệ nhất đối với dân thường ở Ukraine là Nga sẽ chiến thắng".
"Tôi cũng lo ngại về tác động nhân đạo như bất kỳ ai, nhưng điều tồi tệ nhất đối với dân thường ở Ukraine là Nga chiến thắng. Vì vậy, điều quan trọng là không để họ chiến thắng", ông Colin Kahl, thứ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ, cho biết.
Ông Colin Kahl nói thêm rằng Kiev đã hứa sẽ không sử dụng bom chùm trong khu vực đô thị có dân cư sinh sống, đồng thời khẳng định việc gửi bom chùm chỉ là biện pháp tạm thời cho đến khi các nước phương Tây có thể đẩy mạnh sản xuất đạn pháo thông thường, báo Tuổi trẻ thông tin.
Vân Anh (T/h)