Phát hiện vi phạm kinh tế hơn 230.000 tỷ đồng
Sáng 21/11, Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, trước Quốc hội, Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong đã trình bày Báo cáo về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2023.
Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong báo cáo về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2023.. Ảnh: Công an nhân dân
Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong cho biết, toàn ngành Thanh tra đã triển khai 9.382 cuộc thanh tra hành chính và 211.545 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành.
Qua thanh tra chấn chỉnh quản lý, kiến nghị hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật trên nhiều lĩnh vực; phát hiện vi phạm về kinh tế 232.197 tỷ đồng, 1.031ha đất; kiến nghị thu hồi 166.239 tỷ đồng, 483ha đất; xuất toán, loại khỏi giá trị quyết toán do chưa thực hiện đúng quy định và đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét xử lý 65.959 tỷ đồng, 548 ha đất; kiến nghị xử lý kỷ luật hành chính 2.269 tập thể và 8.242 cá nhân; chuyển cơ quan điều tra xử lý hình sự 404 vụ, 459 đối tượng.
Toàn ngành đã tiến hành đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện 10.860 kết luận và quyết định xử lý về thanh tra, đã xử lý, thu hồi 6.769 tỷ đồng, 30ha đất; xử lý hành chính 3.867 tổ chức, 9.638 cá nhân; khởi tố 16 vụ, 34 đối tượng.
Tổng Thanh tra Chính phủ cũng cho biết cơ quan hành chính nhà nước các cấp đã giải quyết 23.023/29.277 vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền, đạt tỷ lệ 78,6%. Qua giải quyết khiếu nại, tố cáo đã kiến nghị thu hồi cho nhà nước 11,8 tỷ đồng, 16,4ha đất; trả lại cho tổ chức, cá nhân 463,8 tỷ đồng, 20,1ha đất; khôi phục, đảm bảo quyền lợi cho 516 cá nhân; kiến nghị xử lý 532 người; chuyển cơ quan điều tra tiếp tục xử lý 42 vụ, 34 đối tượng.
Về kiểm toán, theo ông Đoàn Hồng Phong, Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị xử lý tài chính 65.259,9 tỷ đồng, (trong đó: các khoản tăng thu: 4.515,3 tỷ đồng; các giảm chi NSNN: 25.185,5 tỷ đồng; kiến nghị xử lý khác: 35.559,1 tỷ đồng). Đã kiến nghị huỷ bỏ, sửa đổi, bổ sung và ban hành mới 252 văn bản quy phạm pháp luật, văn bản quản lý.
Ngoài ra, Kiểm toán Nhà nước đã cung cấp 373 báo cáo kiểm toán và tài liệu có liên quan cho các cơ quan của Quốc hội, Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Cơ quan Điều tra và các cơ quan nhà nước khác có thẩm quyền để phục vụ công tác điều tra, kiểm tra, giám sát, theo thông tin trên tạp chí Đầu tư tài chính.
Đề nghị truy tố 1.205 bị can phạm tội về tham nhũng
Đối với các biện pháp phòng ngừa tham nhũng, theo báo Tổ quốc, ông Đoàn Hồng Phong cho hay, đã tiến hành kiểm tra việc thực hiện quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức tại 8.211 cơ quan, tổ chức, đơn vị; kịp thời phát hiện, chấn chỉnh các sai phạm và xử lý 938 cán bộ, công chức, viên chức vi phạm quy tắc ứng xử, quy tắc đạo đức nghề nghiệp (số trường hợp vi phạm tăng 109% so với năm 2022). Có 23 trường hợp nộp lại quà tặng cho đơn vị, với số tiền 93 triệu đồng.
Về thực hiện các quy định về kiểm soát tài sản, thu nhập (TSTN) của người có chức vụ, quyền hạn: trong kỳ đã có 60.458 người kê khai TSTN lần đầu; 545.535 người đã kê khai TSTN hằng năm; 44.015 người đã kê khai TSTN bổ sung; 161.928 người kê khai TSTN phục vụ công tác cán bộ; 655.299 người đã được công khai bản kê khai TSTN.
Kết quả xác minh tài sản, thu nhập năm 2022 là 13.093 người; có 2.664 người có sai sót về kê khai sai mẫu, chưa bảo đảm theo hướng dẫn, không đầy đủ thông tin, chậm thời hạn so với quy định…; có 54 người bị xử lý do không trung thực trong việc kê khai tài sản, thu nhập và giải trình nguồn gốc tài sản tăng thêm.
Về phát hiện và xử lý hành vi tham nhũng, các cơ quan điều tra trong CAND đã thụ lý điều tra 1.103 vụ án/2.951 bị can phạm tội về tham nhũng; trong đó khởi tố mới 732 vụ án/2.106 bị can; đã kết luận điều tra, đề nghị truy tố 499 vụ án/1.205 bị can.
Viện kiểm sát các cấp thụ lý giải quyết 743 vụ/1.987 bị can (trong đó án mới 699 vụ/1.920 bị can). TAND các cấp giải quyết theo thủ tục sơ thẩm 747 vụ/1.800 bị cáo; đã giải quyết 699 vụ/1.800 bị cáo, trong đó xét xử 562 vụ/1.207 bị cáo về các tội tham nhũng.
Tổng Thanh tra Chính phủ cho biết thêm, vừa qua đã điều tra, truy tố, xét xử vắng mặt những đối tượng bỏ trốn, từ đó mở đường để xử lý nhiều đối tượng bỏ trốn ở một số vụ án khác; là cơ sở để dẫn độ tội phạm đã được tòa án kết tội; là hồi chuông cảnh tỉnh, răn đe, cơ sở để nghiên cứu, ban hành án lệ, áp dụng thống nhất trên cả nước..., theo báo Công an nhân dân.
Về xử lý trách nhiệm của người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng, ông Đoàn Hồng Phong cho hay, có 55 người đứng đầu, cấp phó người đứng đầu bị kết luận là thiếu trách nhiệm để xảy ra hành vi tham nhũng; 13 người đứng đầu, cấp phó người đứng đầu bị xử lý hình sự do thiếu trách nhiệm để xảy ra hành vi tham nhũng; 42 người đứng đầu, cấp phó người đứng đầu bị xử lý kỷ luật do thiếu trách nhiệm để xảy ra hành vi tham nhũng (trong đó khiển trách: 16 người; cảnh cáo: 13 người; cách chức: 13 người).
Vân Anh (T/h)