Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Thanh tra lật lại sai phạm của sở Xây dựng TP.HCM khi thẩm định dự án

(DS&PL) -

Từ quá trình thanh tra, UBND TP.HCM đã nhìn ra nhiều khuyết điểm trong công tác của sở Xây dựng trong năm 2018 và 2019.

Thẩm định, quyết định có nhiều khuyết điểm

Thanh tra TP.HCM vừa ban hành Kết luận thanh tra số 75/TB-TTTP-P1 về trách nhiệm của Giám đốc sở Xây dựng về chấp hành pháp luật trong việc tổ chức thẩm định, quyết định đầu tư dự án công trình dân dụng, công nghiệp sản xuất vật liệu có sử dụng nguồn vốn ngân sách và các dự án đầu tư xây dựng khác thuộc thẩm quyền của Giám đốc sở Xây dựng hoặc theo ủy quyền của UBND TP.HCM.

Thời kỳ thanh tra được xác định là trong 2 năm 2018, 2019. Tức là từ 1/1/2018 đến 31/12/2019.

Phần lớn thời gian mà sở Xây dựng TP.HCM bị thanh tra chỉ ra sai phạm nằm trong nhiệm kỳ của ông Trần Trọng Tuấn.

Trong khi, vào 10/1/2013, Chủ tịch UBND TP.HCM lúc đó là ông Lê Hoàng Quân đã ký Quyết định số 09/QĐ-UBND-TC về điều động và bổ nhiệm ông Trần Trọng Tuấn, Thành ủy viên, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Bình Chánh đến nhận công tác và giữ chức vụ Giám đốc sở Xây dựng TP.HCM, thời gian giữ chức vụ là 5 năm.

Đến cuối tháng 4/2019, chức vụ này được giao về cho ông Lê Hòa Bình, khi đó là Chủ tịch UBND quận 7, hiện nay là Phó Chủ tịch UBND TP.HCM.

Kết luận thanh tra chỉ ra việc tổ chức thẩm định, quyết định đầu tư các dự án công trình dân dụng, công nghiệp sản xuất vật liệu có sử dụng nguồn vốn ngân sách tồn tại, khuyết điểm.

Sở Xây dựng thực hiện thẩm định chi phí quản lý dự án, chi phí thẩm tra, phê duyệt quyết toán chưa phù hợp theo quy định của Quyết định số 79/QĐ BXD ngày 15/02/2017 của bộ Xây dựng về công bố định mức chi phí quản lý dự án và tư vấn đầu tư xây dựng.

Trách nhiệm chính thuộc về cán bộ thụ lý vụ việc, lãnh đạo phòng Thẩm định dự án, Giám đốc sở Xây dựng thời kỳ có liên quan, liên đới chịu trách nhiệm với vai trò người đứng đầu.

Về việc tổ chức thẩm định, quyết định đầu tư các dự án đầu tư xây dựng khác thuộc thẩm quyền của Giám đốc Sở Xây dựng hoặc theo ủy quyền của UBND TP.HCM có thời hạn giải quyết một số hồ sơ chấp thuận chủ trương đầu tư chấp thuận đầu tư thực hiện thẩm định trễ hạn so với quy định.

Đồng thời cũng không thực hiện lưu trữ hồ sơ của các đơn vị mà sở Xây dựng cho rằng chưa đảm bảo điều kiện để chấp thuận chủ trương đầu tư và chấp thuận đầu tư dự án; không có biên bản họp Tổ chuyên gia theo đúng quy định.

Sở Xây dựng tham mưu cho UBND TP.HCM thực hiện 02, 03 thủ tục cùng lúc là chưa đảm bảo quy định tại khoản 1 Điều 9, khoản 4 Điều 10 và khoản 1, khoản 3 Điều 18 Nghị định số 99/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015 của Chính phủ, Điều 20 Thông tư liên tịch số 20/2013/TTLT-BXD BNV ngày 21/11/2013 của bộ Xây dựng và bộ Nội vụ, cùng với khoản 3 Điều 20 Nghị định 11/2013/NĐ-CP ngày 14/01/2013 của Chính phủ.

Có 1 dự án có văn bản chấp thuận chủ trương và công nhận chủ đầu tư của cơ quan có thẩm quyền hết hiệu lực trước khi cơ quan có thẩm quyền ban hành quyết định chấp thuận đầu tư, là chưa thực hiện đúng theo quy định của Nghị định số 99/2015/NĐ-CP và Nghị định số 11/2013/NĐ-CP của Chính phủ.

Một số dự án không đảm bảo đúng quy định

Trụ sở sở Xây dựng TP.HCM

Về nội dung thẩm định dự án, sở Xây dựng TP.HCM còn có một số thiếu sót, vi phạm như một số dự án chưa đảm bảo thành phần hồ sơ theo quy định tại khoản 2 Điều 11 Nghị định số 99/2015/NĐ-CP và Điều 26 Nghị định số 11/2013/NĐ-CP của Chính phủ.

Một số dự án, sở Xây dựng TP.HCM không thực hiện thẩm định hoặc thẩm định không đảm bảo đầy đủ điều kiện một số nội dung theo đúng quy định pháp luật như: Năng lực tài chính, năng lực kinh nghiệm của chủ đầu tư; sự phù hợp với chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở của Thành phố; hay sự phù hợp của dự án với quy hoạch xây dựng nhà ở, quy hoạch đô thị đã được cấp thẩm quyền phê duyệt.

Cũng chưa xem xét sự phù hợp với giới hạn về quy mô dân số của khu vực thực hiện dự án; nhu cầu sử dụng đất, tài nguyên; các yếu tố ảnh hưởng đến dự án như quốc phòng, an ninh, môi trường; về thẩm duyệt phòng cháy, chữa cháy; sự cần thiết đầu tư, hiệu quả kinh tế - xã hội của dự án, tiến độ thực hiện dự án.

Một số nội dung có thể hiện trong hồ sơ dự án nhưng khi thẩm định sở Xây dựng không thể hiện trong Tờ trình trình UBND TP.HCM như: Chức năng kinh doanh bất động sản của chủ đầu tư, năng lực kinh nghiệm của chủ đầu tư; sự phù hợp của dự án với quy hoạch đô thị đã được cấp thẩm quyền phê duyệt; sự phù hợp với giới hạn về quy mô dân số của khu vực thực hiện dự án; nhu cầu sử dụng đất, tài nguyên; sự cần thiết đầu tư, hiệu quả kinh tế - xã hội của dự án.

Về pháp lý sử dụng đất, trong Tờ trình sở Xây dựng trình UBND TP.HCM không thể hiện chính xác việc đảm bảo quyền sử dụng đất dự án theo quy định pháp luật. Điều đó là chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm với UBND TP.HCM, trong công tác tham mưu thực hiện các thủ tục đầu tư dự án nhà ở.

Về điều tiết nhà ở xã hội, có 17/26 dự án nhưng trong Tờ trình thì sở Xây dựng chỉ ghi nhận chủ đầu tư thực hiện điều tiết nhà ở xã hội theo quy định pháp luật, mà không xác định cụ thể chủ đầu tư phải thực hiện theo hình thức nào, thời gian thực hiện là chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm quản lý Nhà nước đối với nhà ở xã hội trên địa bàn TP.HCM.

Ngoài ra, qua xác minh tại cơ quan thuế, có 3 trường hợp báo cáo tài chính do nhà đầu tư cung cấp cho sở Xây dựng có mức vốn chủ sở hữu cao hơn so với báo cáo tài chính nộp cho cơ quan thuế (cùng niên độ kế toán).

Qua đây cho thấy có dấu hiệu cung cấp hồ sơ, tài liệu không chính xác cho cơ quan Nhà nước nhằm chứng minh năng lực tài chính để thực hiện các thủ tục đầu tư dự án.

Các thiếu sót, vi phạm nêu trên trách nhiệm chính thuộc về Tổ chuyên gia (đối với hồ sơ lấy ý kiến của Tổ chuyên gia); cán bộ thụ lý, lãnh đạo phòng Phát triển Đô thị trực tiếp thụ lý hồ sơ, Phó Giám đốc Sở phụ trách; Giám đốc sở Xây dựng từng thời kỳ có liên quan, liên đới chịu trách nhiệm với vai trò người đứng đầu.

Về điều chỉnh chấp thuận đầu tư dự án, sở Xây dựng có thiếu sót trong việc thẩm định về chỉ tiêu quy hoạch - kiến trúc và cơ cấu sử dụng đất phù hợp với Quyết định phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 khi đề xuất UBND TP.HCM ban hành Quyết định chấp thuận đầu tư, dẫn đến chủ đầu tư xin điều chỉnh bổ sung.

Sở Xây dựng không tham mưu, đề xuất xử lý theo quy định của pháp luật về xây dựng và pháp luật về đất đai đối với các dự án chậm thực hiện mà đề xuất UBND TP.HCM chấp thuận điều chỉnh thời gian và tiến độ thực hiện dự án, là chưa thực hiện đúng quy định tại Điều 34 Nghị định số 11/2013/NĐ-CP của Chính phủ.

Các thiếu sót, vi phạm nêu trên trách nhiệm chính thuộc về cán bộ thụ lý, lãnh đạo phòng Phát triển Đô thị trực tiếp thụ lý hồ sơ, Phó Giám đốc Sở phụ trách; Giám đốc sở Xây dựng từng thời kỳ có liên quan, liên đới chịu trách nhiệm với vai trò người đứng đầu.

Cần chấm dứt nhiều thủ tục đầu tư không đúng

Từ những kết luận đó, Chánh Thanh tra TP.HCM kiến nghị và được Chủ tịch UBND TP.HCM chỉ đạo xử lý.

Thứ nhất là giao Giám đốc sở Xây dựng (từ 7/4 đến nay là ông Trần Hoàng Quân, nguyên Bí thư Huyện ủy Bình Chánh) thực hiện kiểm điểm rút kinh nghiệm đối với tập thể, cá nhân có liên quan đến hạn chế, thiếu sót trong việc thẩm định, quyết định đầu tư dự án công trình dân dụng, công nghiệp, sản xuất vật liệu có sử dụng nguồn vốn ngân sách.

Đối với việc thẩm định các dự án nhà ở thương mại, sở Xây dựng cần tổ chức kiểm điểm rút kinh nghiệm đối với những thiếu sót và làm rõ trách nhiệm đối các tập thể, cá nhân thuộc Sở có liên quan đến những vi phạm như đã nêu tại Kết luận thanh tra; đề xuất biện pháp xử lý phù hợp, báo cáo kết quả cho UBND TP.HCM và Thanh tra TP.HCM.

Quan trọng nhất, sở Xây dựng TP.HCM phải chấm dứt tình trạng thực hiện nhiều thủ tục đầu tư cùng lúc không đúng theo quy định pháp luật hiện hành.

Cần chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan đề xuất xây dựng đối với các tiêu chí và giải pháp thực hiện chính sách về phát triển và quản lý nhà ở phù hợp với điều kiện cụ thể của Thành phố này để trình UBND cấp tỉnh xem xét.

Việc ban hành theo thẩm quyền cần nêu rõ quy trình, tiêu chí thẩm định các nội dung đề xuất chấp thuận chủ trương đầu tư, công nhận chủ đầu tư và chấp thuận đầu tư dự án nhà ở thương mại; điều chỉnh chấp thuận đầu tư dự án nhà thương mại, gia hạn thời gian và tiến độ thực hiện dự án để áp dụng thống nhất, công khai, minh bạch các thủ tục đầu tư nhằm tạo môi trường kinh doanh lành mạnh, công bằng.

Cần tham mưu cho UBND TP.HCM rà soát, điều chỉnh, bổ sung quỹ đất dành để phát triển nhà ở xã hội trong quy hoạch chung, quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết đô thị; rà soát, thống kê và có kế hoạch sử dụng đối với quỹ đất 20% dành để xây dựng nhà ở xã hội trong các dự án phát triển nhà ở thương mại, khu đô thị mới (nhưng chưa sử dụng) theo chủ trương và định hướng của TP.HCM từng giai đoạn và phân kỳ theo yêu cầu khu vực phân bổ cần thiết đối với nhà ở xã hội.

Cần kiểm tra, rà soát các trường hợp chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại chưa thực hiện nghĩa vụ điều tiết nhà ở xã hội, đề xuất hướng thực hiện, báo cáo UBND TP.HCM xem xét, chỉ đạo. Thực hiện kiểm tra, kiến nghị xử lý theo đúng quy định pháp luật đối với 4 trường hợp chậm triển khai thực hiện dự án không có lý do chính đáng mà sở Xây dựng đã tham mưu cho UBND TP.HCM gia hạn thời gian thực hiện dự án đã nêu tại phần kết quả thanh tra và những trường hợp tương tự khác.

Bên cạnh đó, UBND TP.HCM cũng giao Giám đốc sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với sở Xây dựng rà soát đối với 6 trường hợp chậm đưa đất vào sử dụng như đã nêu ở phần kết quả thanh tra, xử lý theo đúng quy định pháp luật về đất đai.

Cần rà soát, xác định chính xác diện tích đất thu tiền sử dụng đất tại các dự án theo các quy định pháp luật về đất đai, xây dựng, quy hoạch đối với các trường hợp chưa thực hiện nghĩa vụ tài chính bổ sung do điều chỉnh quy hoạch như đã nêu ở phần kết quả thanh tra và các trường hợp khác; sau đó, chuyển hồ sơ trình Hội đồng thẩm định giá đất Thành phố để thẩm định, xác định nghĩa vụ tài chính bổ sung của chủ đầu tư tại các dự án (nếu có).

Giao Giám đốc sở Nội vụ tổ chức kiểm điểm trách nhiệm đối với lãnh đạo sở Xây dựng, thành viên Tổ Chuyên gia có liên quan đến những vi phạm như đã nêu ở phần kết luận thanh tra. Giao Giám đốc sở Tài chính tiếp nhận thông tin do Thanh tra TP.HCM chuyển đến, theo dõi kiểm tra và xử lý theo đề nghị của Thanh tra Thành phổ tại Văn bản số 282/TTTP-P1 ngày 9/11/2020.

Giao Cục trưởng cục Thuế TP.HCM tiếp nhận hồ sơ do Thanh tra TP.HCM chuyển đến để xử lý theo đúng quy định của luật Quản lý thuế đối với các trường hợp kê khai báo cáo tài chính không chính xác liên quan đến chỉ tiêu lợi nhuận chưa phân phối (báo cáo tài chính cung cấp cho sở Xây dựng có chỉ tiêu lợi nhuận chưa phân phối cao hơn báo cáo tài chính cung cấp cho cơ quan thuế).

Sau khi Hội đồng thẩm định giá đất Thành phố xác định nghĩa vụ tài chính bổ sung, giao cục Thuế TP.HCM có thông báo đến chủ đầu tư tại các dự án thực hiện nghĩa vụ tài chính bổ sung do điều chỉnh quy hoạch.

Thành Nhân

Bài đăng trên ấn phẩm Đời sống & Pháp luật số Thứ 4 (112)

Tin nổi bật