(ĐSPL) – Mặc dù giá thanh long đang dao động khoảng 10.000 đến 15.000 đồng/ 1 ký, nhưng nhiều hộ dân ở Bình Thuận vẫn tiếp tục mở rộng diện tích trồng thanh long.
Bình Thuận là tỉnh có diện tích thanh long lớn nhất cả nước, với khoảng 25.000 hộ dân trồng và kinh doanh loại trái cây này. Sau đợt thanh long thiết lập giá kỷ lục từ 28.000 – 30.000 nghìn đồng/kg , nông dân Bình Thuận vui mừng, phấn khởi, chuyển đổi canh tác từ đất lúa sang trồng thanh long nhằm thực hiện “xóa đói giảm nghèo”.
Vào những ngày này, về hai xã Hàm Chính, thị trấn Phú Long thuộc huyện Hàm Thuận Bắc, giữa những cánh đồng xanh mướt là từng ruộng thanh long chín đỏ trải rộng khắp. Dọc theo hai bên đường, nhà nhà xuống ruộng trồng thanh long, có hộ đang lấp đất, trồng trụ.
Vườn thanh long với khoảng 4 hecta của anh Nguyễn Văn Chín (thôn Phú Trường, thị trấn Phú Long) trước đây là đất lúa, chuyển sang trồng thanh long gần 2 năm, hiện đang chờ vào mùa thu hoạch.
Anh Chín cho biết “giá lúa hiện nay có tăng hơn mấy năm trước từ 3.000 – 5.000 đồng/kg, nhưng vì ruộng hay bị ngập nước cộng thêm giá cả lên xuống bấp bênh, nên anh chuyển hẳn sang trồng thanh long.
Những ngày gần đây, giá thanh long trên thị trường giảm sút, dao động trong khoảng 10.000 – 15.000 nghìn/kg. Tuy nhiên, nhiều hộ gia đình vẫn không ngại chuyển đổi canh tác.
Cách đây 3 năm, vườn thanh long 4 hecta của anh Nguyễn Thành Trí (thôn Phú Thịnh, thị trấn Phú Long) được trồng trên đất lúa. Hiện nay, anh tiếp tục mở rộng phạm vi, mua thêm 2 sào ruộng, thuê người lấp đất trồng trụ thanh long.
|
Những vườn thanh long mới xuống trụ trên đất lúa. |
Chi phí đổ đất 1 hecta lúa để làm thanh long ít nhất cũng mất hơn 150 triệu, chưa kể trụ. Theo anh Trí thì ngày xưa với 2 sào ruộng, anh thu hoạch mỗi năm 2 vụ, trừ ra mọi chi phí chỉ lời hơn 6 triệu đồng. Trong khi 2 sào thanh long, anh sẽ thu về hơn 50 triệu nếu giá thanh long khoảng 2 – 3 nghìn đồng/kg. Lời hơn nhiều so với trồng lúa.”
Theo đa số người dân cho biết, thời điểm giá thanh long đạt mốc 20.000 - 30.000 nghìn đồng/kg, nhiều hộ dân đã trở thành “đại gia thanh long”. Qua tìm hiểu, một số hộ dân tại xã Hàm Chính, vốn là vùng chủ lực trong việc sản xuất lúa của huyện Hàm Thuận Bắc thì có nhiều sự thay đổi rõ rệt về kinh tế như nhà cửa được xây dưng khang trang, con em được ăn học đến nơi đến chốn, nhiều hộ còn sắm cả xe máy, xe hơi. Vì những thay đổi này nên nhiều năm nay, diện tích đất lúa bị thu hẹp dần.
Theo thống kê của Ủy ban nhân dân xã Hàm Chính, hiện nay diện tích đất lúa vào khoảng 1 nghìn hecta. Tuy nhiên, diện tích đất trồng thanh long đã lên tới khoảng 950 nghìn hecta. Một số hộ dân trồng lúa cho năng suất thấp, mỗi năm 1 vụ chuyển đổi hẳn sang trồng thanh long. Một số hộkhác cũng không ngại lấp đất xuống trụ, mặc dù canh tác mỗi năm 2, 3 vụ lúa, năng suất cao.
Với tình hình này, cây thanh long đã dần khẳng định vị thế là cây trồng chủ lực, e rằng trong vài năm tới vùng chủ lực trong việc sản xuất lúa sẽ không còn đất canh tác lúa.