Tây Du Ký 1986 được chuyển thể từ tác phẩm cùng tên của tác giả Ngô Thừa Ân, kể về hành trình đi Tây Thiên thỉnh kinh của thầy trò Đường Tăng. Được biết, Tây Du Ký 1986 không phải bộ phim chuyển thể duy nhất nhưng lại là phiên bản thành công nhất và đã được chiếu lại hơn 3.000 lần trong 35 năm qua.
Tây Du Ký 1986 do đạo diễn Dương Khiết chỉ đạo sản xuất. Thời gian ghi hình bộ phim, cở sở vật chất còn nghèo nàn và kỹ xảo phim còn lạc hậu, do đó, đạo diễn Dương Khiết và đoàn làm phim Tây Du Ký 1986 luôn phải vận dụng tối đa khả năng sáng tạo về khiến bộ phim trở nên chân thực nhất.
Có một sự thật đặc biệt ít ai biết đó là khi ghi hình Tây Du Ký 1986, đoàn làm phim chỉ sử dụng duy nhất một chiếc máy quay. Thời đó, do kinh phí ít, nên đoàn chỉ đủ tiền thuê đúng một chiếc máy này. Ban đầu, những tưởng việc quay phim bằng một máy là không thể nhưng với tư duy và sự sáng tạo, đoàn làm phim Tây Du Ký 1986 vẫn thành công tạo ra những thước phim đẹp mắt và ghi dấu ấn tới bây giờ.
Đoàn làm phim Tây Du Ký 1986 năm xưa chỉ có đúng một chiếc máy quay để ghi hình bộ phim.
Tuy nhiên, kể lại chuyện hậu trường phim, đạo diễn Dương Khiết và cả ê-kíp cũng gặp không ít rắc rối chỉ vì có một chiếc máy quay. Cụ thể, vào 8/1986, thời tiết ở Kiến Đức oi bức đến 40 độ. Khi ấy, đạo diễn Dương Khiết đã cùng vài cộng sự đã đến tìm hiểu một hang động, nằm ngay lưng chừng núi. Khi lên tới cửa hang động, gió từ trong động lùa ra mát lạnh cả người, càng đi sâu vào trong động, cái lạnh càng khắc nghiệt khiến đoàn làm phim không chịu nổi bởi nhiệt độ ngoài trời và trong hang chênh lệch tới hơn 30 độ. Tuy nhiên, khi máy móc, diễn viên đều đã ổn định và chuẩn bị quay thì máy ghi hình lại "dở chứng" không hoạt động.
Lúc mang máy ra ngoài kiểm tra, đội kỹ thuật phát hiện bên trong có nước đọng, nguyên nhân là do chênh lệch nhiệt độ quá lớn. Nhưng cảnh quay thì vẫn phải hoàn thành, do đó để quay trọn vẹn các cảnh trong hang động, nhân viên trong đoàn cứ phải lôi máy quay ra ra vào vào động mệt đến phờ phạc.
Say đó, vì cho rằng máy đã quá cũ nên mới "dở chứng", đạo diễn Dương Khiết đã gọi về xưởng phim yêu cầu máy mới. Lúc này, phim trường mới cho biết họ không có máy nào khác. Vì vậy, cả đoàn làm phim đành phải thay phiên nhau bê máy ra bê máy vào hàng trăm lần.
Ngày hôm sau, đoàn phải mang theo cả một cái chăn để ủ cho máy quay. Đoàn phim đã bố trí chuẩn bị đâu vào đấy rồi mới dám mang máy vào quay. Khi thấy máy chuẩn bị có triệu chứng lại tức tốc lôi ra bên ngoài nơi nhiệt độ giao nhau gần cửa hang cho máy nghỉ. Việc này cũng ảnh hưởng không hề nhỏ đến tiến độ quay phim nhưng vì kinh tế hạn hẹp nên đoàn làm phim không còn cách nào khác ngoài chịu vất vả.
Minh Hạnh (T/h)