Nhà sản xuất thiết bị khoa học Thermo Fisher Scientific của Mỹ mới đây đã nhất trí mua QIAGEN theo một thỏa thuận trị giá 11,5 tỷ USD.
GeneReader của QIAGEN. Ảnh: AP |
Mới đây, dư luận xôn xao việc Cơ quan Cảnh sát điều tra (Bộ Công an) đã khởi tố, bắt tạm giam ông Nguyễn Nhật Cảm - Giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP Hà Nội (CDC Hà Nội) cùng 6 đồng phạm về hành vi "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng", quy định tại khoản 3, điều 222 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.
Quá trình điều tra bước đầu xác định các đối tượng đã câu kết, gian lận, thông đồng, nâng khống giá trị gói thầu mua sắm Hệ thống Realtime PCR tự động - xét nghiệm Covid-19 gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng cho Nhà nước.
Cơ quan điều tra xác định, hệ thống xét nghiệm này được nhập về Việt Nam với giá chỉ khoảng 2,3 tỷ đồng, tuy nhiên sau khi mua bán lòng vòng, đến tay CDC Hà nội đã lên tới 7 tỷ đồng.
Hệ thống Realtime PCR thuộc hãng QIAGEN.
Tập đoàn QIAGEN là nhà cung cấp các thiết bị công nghệ nhằm phân tích các mẫu mô, máu và xét nghiệm, qua đó chẩn đoán tế bào, thử nghiệm ứng dụng, nghiên cứu học thuật và dược phẩm.
Những xét nghiệm di truyền này đóng vai trò chính trong nghiên cứu và điều trị ung thư, bệnh truyền nhiễm và rối loạn di truyền.
QIAGEN gồm hơn 35 văn phòng tại hơn 25 quốc gia, hợp nhất dưới sự quản lý của Hà Lan. Cổ phiếu của QIAGEN được liệt kê tại Sở giao dịch chứng khoán New York (NYSE) và Sở giao dịch chứng khoán Frankfurt . Thierry Bernard là Giám đốc điều hành của công ty. Trụ sở chính được đặt tại Hilden , Đức
Năm 1984, QIAGEN được thành lập vào ngày 29/11 bởi một nhóm các nhà khoa học tại Đại học Heinrich Heine Düsseldorf, Đức. Hai năm sau, QIAGEN ra mắt sản phẩm đầu tiên của mình.
Năm 1996 chứng kiến đợt chào bán công khai ban đầu của QIAGEN trên sàn giao dịch chứng khoán theo định hướng công nghệ, trở thành công ty đầu tiên của Đức làm như vậy.
Năm 2009, QIAGEN bắt đầu xây dựng doanh nghiệp Chăm sóc sức khỏe cá nhân của mình thông qua việc mua lại DxS Ltd, trong một thỏa thuận trị giá 95 triệu USD, đồng thời mua lại SABioscatics Corp trong một thỏa thuận trị giá 9 triệu USD.
Vào cuối năm 2009, QIAGEN vượt mốc doanh thu 1 tỷ USD và có hơn 3.500 nhân viên. QIAGEN trở thành một trong những công ty đầu tiên công bố bộ xét nghiệm chẩn đoán lâm sàng để phát hiện bệnh cúm lợn.
QIAGEN đã nghiên cứu thiết bị để phát hiện Covid-19 kể từ khi đại dịch bắt đầu vào tháng 1. Mới đây, tập đoàn cho biết đã gửi bộ dụng cụ xét nghiệm đến bốn bệnh viện ở Trung Quốc để đánh giá và có kế hoạch xin cấp phép khẩn cấp để bán chúng ở Mỹ, Hàn Quốc và Trung Quốc.
Các bộ dụng cụ cung cấp kết quả xét nghiệm trong khoảng một giờ, được sử dụng để kiểm tra các hội chứng hô hấp khác nhau.
Tới ngày 4/3, Nhà sản xuất thiết bị khoa học Thermo Fisher Scientific của Mỹ mới đây đã nhất trí “thâu tóm” QIAGEN theo một thỏa thuận trị giá 11,5 tỷ USD.
Hội đồng quản trị cũng như ban giám đốc của QIAGEN đã chấp thuận đề xuất của Thermo Fisher mua QIAGENvới giá 39 euro/cổ phiếu, theo đó công ty này được định giá ở mức 11,5 tỷ USD.
Lực lượng lao động của QIAGEN hiện có khoảng 5.100 người, làm việc tại 35 văn phòng trên khắp thế giới. QIAGEN đạt doanh thu 1,53 tỷ USD trong năm 2019.
Theo QIAGEN, các công nghệ chuẩn bị mẫu thử của công ty được sử dụng để trích xuất, phân lập và tinh chế DNA, RNA và protein từ một loạt mẫu sinh học sau đó được khuếch đại và làm giàu để có thể dễ dàng phân tích.
Thierry Bernard, giám đốc điều hành của QIAGEN, cho hay bước đi chiến lược này với Thermo Fisher sẽ cho phép QIAGEN bước vào một kỷ nguyên mới đầy hứa hẹn, đồng thời mang lại giá trị đáng kể cho các cổ đông.
Với thoả thuận sáp nhập nói trên, Thermo Fisher dự kiến sẽ kiếm được 200 triệu USD/năm ngay khi thỏa thuận được ký kết. Tuy vậy, thương vụ vẫn phải tuân theo các quy định hiện hành.
Mộc Miên (Theo CNBC, Qiagen.com)