Sáng 18/10, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã có buổi làm việc với bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) cùng các bộ, ngành liên quan và các nhà khoa học, để trao đổi, đánh giá và đề xuất định hướng, giải pháp toàn diện của ngành khoa học, công nghệ phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19 trong trạng thái bình thường mới.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại phiên làm việc. Ảnh: Báo Chính phủ
Theo báo cáo của bộ KH&CN, gần hai năm qua, từ những ngày đầu xuất hiện dịch Covid-19, các nhà khoa học Việt Nam đã nỗ lực từ những ngày đầu, có đóng góp mang tính quyết định thành công trong phòng, chống dịch COVID-19. Các nhà khoa học Việt Nam vào cuộc kịp thời thực hiện phân lập, nuôi cấy thành công chủng mới của virus corona, sau này gọi là SARS-CoV-2. Kết quả này giúp Việt Nam trở thành một trong những quốc gia đầu tiên trên thế giới phân lập, nuôi cấy thành công SARS-CoV-2.
Đây là dấu ấn đặc biệt quan trọng, tạo tiền đề cho việc nghiên cứu sản xuất bộ kit chẩn đoán, sản xuất vaccine và nghiên cứu sâu hơn về virus.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đánh giá rất cao các nhà khoa học đã vào cuộc rất sớm, có nhiều đóng góp trí tuệ, thầm lặng nhưng hết sức hiệu quả vào công tác phòng, chống dịch từ y tế, công nghệ đến khoa học xã hội, chính trị, luật pháp… Từ đó góp phần xây dựng các chủ trương phòng, chống dịch đúng hướng, phù hợp với xu hướng thế giới và điều kiện kinh tế, chính trị, xã hội, truyền thống của Việt Nam.
Theo Phó Thủ tướng, 3 đợt dịch đầu tiên chúng ta đạt được thành quả tốt. Giai đoạn đầu của đợt dịch thứ 4, chúng ta đã kiểm soát hiệu quả các ổ dịch ở Bắc Ninh, Bắc Giang. Giai đoạn sau chúng ta đã trải qua những thời khắc rất khó khăn. Nhiều bài học đã được đúc rút và đến nay chúng ta đã cơ bản kiểm soát dịch bệnh, chuẩn bị bước sang giai đoạn thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh.
Tuy nhiên, trong quá trình tổ chức thực hiện, huy động lực lượng phòng, chống dịch có lúc, có nơi làm chưa tốt. Vì vậy, bên cạnh những việc làm được, chúng ta cần nhìn lại vào những cái chưa được để làm tốt hơn.
Thứ trưởng KH&CN Bùi Thế Duy cho rằng, hiện nay, tỷ lệ người dân được tiêm vaccine ngừa COVID-19 ngày càng tăng, tuy nhiên do virus thường xuyên biến đổi tạo ra các chủng mới có nguy cơ kháng lại vaccine, do vậy dịch bệnh luôn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát. Giai đoạn tới ngành khoa học tập trung bảy hướng nghiên cứu, trong đó có vaccine và thuốc điều trị; hội chứng hậu COVID-19; hỗ trợ hoàn thiện công nghệ máy thở ô-xy dòng cao (HFNC), hệ thống làm giàu ô-xy và khí nén sử dụng trong y tế di động; các phương pháp xét nghiệm mới phát hiện SARS-CoV-2 qua mẫu bệnh phẩm là nước bọt, hơi thở, các nghiên cứu đánh giá tác động đến kinh tế và khuyến nghị các mô hình hoạt động giáo dục, y tế thích ứng trong giai đoạn mới.
Đóng góp ý kiến với Phó Thủ tướng, PGS.TS Trần Đắc Phu nhận định hiện tình hình dịch bệnh ở các địa phương trên cả nước khác nhau, tỉ lệ tiêm chủng khác nhau… thì cách ứng xử với dịch bệnh không thể giống nhau. “Chiến lược ngăn chặn, phát hiện, truy vết, khoanh vùng, cách ly, điều trị vẫn phát huy hiệu quả với những biện pháp điều chỉnh, bổ sung khi chúng ta đang đẩy mạnh tiêm vaccine, chủ động nguồn sinh phẩm xét nghiệm, thuốc điều trị”, GS.TS Trần Đắc Phu trao đổi và nhấn mạnh “các biện pháp phòng, chống dịch phải phù hợp với thực tế của Việt Nam, không thể áp dụng nguyên mô hình của những nước khác.
Ông Trần Đắc Phu đề nghị cần nghiên cứu sâu hơn về giải trình tự gene, đánh giá kháng thể, hiệu quả bảo vệ của các loại vaccine tiêm ở Việt Nam, điều tra dịch tễ…
PGS, TS Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc Bệnh viện Phổi trung ương cho rằng: "Bình thường mới không có nghĩa để dịch phát triển tự do. Để sống chung với dịch bệnh, cần hệ thống giám sát dịch đủ mạnh, phát hiện sớm, truy vết, khoanh vùng, dập từng ổ dịch ngay lập tức và hệ thống điều trị ứng phó phù hợp. Để làm được điều này, PGS, TS Nguyễn Viết Nhung đề xuất một chương trình chiến lược tổng thể quốc gia về COVID-19 gồm nghiên cứu cơ bản, dịch tễ, xét nghiệm, vaccine, các dữ liệu lâm sàng, phác đồ điều trị, phát triển thuốc, trang thiết bị y tế..."
GS.TS, Trung tướng Đỗ Quyết, Giám đốc Học viện Quân y nhận định kinh nghiệm đợt dịch thứ 4 đặt ra yêu cầu tăng cường năng lực mạng lưới y tế cơ sở thực chất, hoàn chỉnh từ các tổ, đội y tế cộng đồng, cơ động đến các trạm y tế xã, phường, trung tâm y tế quận, huyện. Mạng lưới y tế cơ sở sẽ giám sát, ứng phó ngay lập tức với các nguy cơ dịch bệnh trong cộng đồng. Trung tướng Đỗ Quyết kiến nghị bộ Y tế, bộ KH&CN đặt đầu bài cho các trường y để triển khai chương trình tập huấn, cầm tay chỉ việc đến từng thôn, xóm, xã, phường.
Thứ trưởng Y tế Trần Văn Thuấn đề xuất Chính phủ xem xét bổ sung ngân sách cho khoa học và công nghệ ngành y tế, đặc biệt là các nghiên cứu phục vụ phòng, chống Covid-19. Cần xây dựng Trung tâm an toàn sinh học cấp III, cấp IV đầy đủ, phục vụ thực hiện các hoạt động thực nghiệm và thử nghiệm lâm sàng, đáp ứng cho các nghiên cứu.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam lắng nghe ý kiến của các nhà khoa học. Ảnh: Báo Chính phủ
Lắng nghe ý kiến của các nhà khoa học, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nêu rõ: "Những bài học từ ban đầu mang tính chủ trương, nguyên tắc như: Sớm, kiên quyết, dứt khoát, kết hợp khoa học với thực tiễn, nghĩ đến tình huống xấu hơn, sẵn sàng cho tình huống xấu nhất, huy động toàn dân chống dịch… vẫn rất đúng. Đồng thời, chúng ta đã chủ động hơn trong công tác phòng, chống dịch khi bước đầu đúc kết một số kinh nghiệm từ thực tiễn phòng, chống dịch, nhất là trong điều hành, phối hợp giữa các lực lượng. Năng lực ứng phó của hệ thống y tế từng bước được nâng lên. Diện bao phủ vaccine, nhất là đối với nhóm người có nguy cơ cao, các đô thị lớn tăng nhanh. Từng bước bảo đảm được nguồn sinh phẩm xét nghiệm, thuốc điều trị. Ý thức người dân đã cao hơn một mức".
Từ thực tế dịch COVID-19 đã tác động trực tiếp đến nhiều lĩnh vực như kinh tế, xã hội, chính trị, ngoại giao ở quy mô toàn cầu..., Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam giao các cơ quan nghiên cứu khẩn trương đánh giá tác động toàn diện của dịch COVID-19 từ y tế, sức khỏe, kinh tế, xã hội, tâm lý xã hội, giáo dục đến quản lý, điều hành, vận hành một đất nước, một cơ quan, một nhà máy xí nghiệp, đưa ra dự báo xu thế tương lai. Bộ KH&CN cần duy trì cơ chế mở để giao nhiệm vụ KH và CN mới ngay khi có yêu cầu từ thực tế. Mặt khác, các bộ, ngành cần phối hợp chặt chẽ trong thử nghiệm lâm sàng, cấp phép lưu hành, sử dụng các loại vaccien, thuốc, sinh phẩm, trang thiết bị điều trị…
Phó Thủ tướng đề nghị bộ Y tế, bộ KH&CN khẩn trương xây dựng kế hoạch nâng cao năng lực hệ thống y tế cơ sở để sẵn sàng ứng phó dịch COVID-19 với bất kỳ biến chủng nào hoặc dịch bệnh khác lây nhiễm qua đường hô hấp trong tình huống khác nhau từ mức độ bình thường đến sự cố y tế công cộng nghiêm trọng, thậm chí tới mức thảm họa. Việc nâng cao năng lực hệ thống y tế cơ sở phải kế thừa, kết hợp được những lợi thế hiện nay, lực lượng y tế tại chỗ (bao gồm y, bác sĩ nghỉ hưu, sinh viên trường y, quân y, dân y), ứng dụng công nghệ và một số biện pháp khác để giám sát dịch bệnh tốt hơn trong thời gian tới.
Phó Thủ tướng mong muốn các nghiên cứu của giới khoa học nước nhà đặt trong tổng thể chung của thế giới cũng như điều kiện kinh tế, xã hội Việt Nam, đề ra những khuyến nghị lớn để thích ứng an toàn, linh hoạt với dịch bệnh, không làm mất đi những cơ hội phát triển
Hoa Vũ (T/h)