Tuổi Trẻ dẫn nguồn từ Hãng tin Reuters, tảng băng trôi lớn nhất thế giới, A23a, đã tách khỏi Nam Cực và trên đà dịch chuyển lần đầu tiên sau hơn ba thập kỷ.
Theo báo cáo, tảng băng trôi A23a có diện tích gần 4.000 km2, kích thước lớn gấp 3 lần thành phố New York của Mỹ.
Tách ra từ thềm băng Filchner-Ronne ở phía Tây Nam Cực vào năm 1986, tảng băng này từng là nền một trạm nghiên cứu của Liên Xô. Sau đó phần lớn tảng băng bị mắc kẹt trên nền biển Weddell. Một hình ảnh vệ tinh gần đây cho thấy hình ảnh tảng băng nặng gần 1.000 tỉ tấn bắt đầu di chuyển, đang trôi nhanh qua mũi phía Bắc của bán đảo Nam Cực nhờ gió lớn và các dòng hải lưu mạnh.
Hình ảnh chụp vệ tinh tảng băng trôi lớn nhất thế giới- A23a. Ảnh: Business Insider.
Nhà nghiên cứu sông băng Oliver Marsh, làm việc tại Cơ quan khảo sát Nam Cực, cho hay việc một tảng băng trôi có kích thước như thế này di chuyển là điều rất hiếm gặp, do đó các nhà khoa học sẽ theo dõi chặt chẽ quỹ đạo của nó.
Khi tăng tốc, tảng băng khổng lồ này có thể sẽ trôi nhanh vào Hải lưu Vòng Nam Cực (một dòng hải lưu chảy theo chiều kim đồng hồ từ phía tây sang đông xung quanh Nam Cực), hướng về phía Nam Đại Dương, nơi có nhiều tảng băng trôi lớn đang trôi nổi.
"Theo thời gian, A23a có thể mỏng đi một chút, cho phép nó nổi lên khỏi đáy đại dương và bị dòng hải lưu đẩy đi. Có khả năng nó sẽ di chuyển tới đảo Nam Georgia", Oliver Marsh nói.
Nguy cơ khi những núi băng trôi khổng lồ di chuyển vào hành lang băng trôi này là khi chúng mắc kẹt ở vùng nước nông gần đảo Nam Georgia, nơi sinh sống của chim cánh cụt và hải cẩu non. Nếu điều đó xảy ra, các loài động vật sẽ bị chặn mất đường ra biển và không thể tiếp cận nguồn thức ăn.
Bù lại, các nhà khoa học biết núi băng trôi có thể mang theo khoáng chất lấy từ đáy biển. Những khoáng chất đó có thể phân tán khi núi băng trôi tan chảy trong nước biển, cung cấp chất dinh dưỡng cho động vật hoang dã địa phương, Vnexpress dẫn nguồn tin từ Business Insider.
Thùy Dung (T/h)