Tối 5/9 (giờ Việt Nam), bà Liz Truss, cựu ngoại trưởng Anh, đã chính thức được bổ nhiệm làm nhà lãnh đạo mới của đất nước, kế nhiệm ông Boris Johnson. Theo kế hoạch, tân thủ tướng Anh sẽ tuyên thệ nhậm chức vào chiều 6/9 và chính thức trở thành nhà lãnh đạo mới vào thời điểm Vương quốc Anh đang trải qua một giai đoạn đặc biệt khó khăn cả về mặt kinh tế và chính trị.
Theo kế hoạch, bà Truss và ông Johnson sẽ đến Scotland gặp Nữ hoàng Anh Elizabeth vào ngày 6/9. Trong một buổi tiếp kiến riêng, ông Johnson sẽ cúi đầu chào nữ hoàng và chính thức nói lời từ chức. Ngay sau đó, trong một nghi lễ khác, bà Truss sẽ cúi đầu và xin phép nữ hoàng thành lập chính phủ mới. Tân thủ tướng dự kiến sẽ phát biểu trước công chúng Anh tại London vào cuối ngày. Bà Truss sẽ trở thành vị thủ tướng thứ 15 dưới thời Nữ hoàng Anh Elizabeth.
Với lời hứa cắt giảm thuế và bày tỏ sự ủng hộ với cựu Thủ tướng Johnson, bà Truss đã nhận được sự ủng hộ của nhiều thành viên trong đảng Tory bảo thủ. Theo Washington Post, bà Truss được đánh giá sẽ đem lại những ảnh hưởng tích cực hơn so với ông chủ cũ của bà là cựu Thủ tướng Boris Johnson, người đã buộc phải từ chức vào giữa tháng 7 vừa qua do vướng hàng loạt bê bối.
Bà Liz Truss được bầu làm tân thủ tướng Anh ngày 5/9. Ảnh: AFP
Bà Truss không phải lựa chọn hàng đầu của các nhà lập pháp đảng bảo thủ nhưng theo các cuộc thăm dò, bà là ứng viên thủ tướng được yêu thích nhất đối, do đó bà đã nhận được sự ủng hộ từ các nhà hoạt động trong đảng Tory và các cử tri.
Trong bài phát biểu sau chiến thắng, bà Truss vẫn thể hiện sự tôn trọng và gửi lời cảm ơn tới người tiền nhiệm. Bà chia sẻ: "Ông Boris, ông đã hoàn thành Brexit, ông đã đánh bại lãnh đạo đảng Lao động Jeremy Corbyn, ông tung ra vaccine ngừa COVID-19 và đứng lên đối đầu với Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ông đã nhận được sự yêu mến và kính trọng ở mọi nơi từ Kyiv (Ukraine) đến Carlisle (một thành phố nhỏ ở miền Bắc nước Anh)".
Đồng thời, tân thủ tướng Anh tiếp tục cam kết trong bài phát biểu rằng bà sẽ "cắt giảm thuế và phát triển nền kinh tế đất nước". Các nhà phân tích nhận định dù bà Truss là một người lạc quan và có nhiều tư tưởng giống với ông Johnson nhưng trong bài phát biểu của mình, bà ít sử dụng các phép ẩn dụ giống như cách người tiền nhiệm từng làm.
Được biết, bà Truss lên nắm quyền lãnh đạo nước Anh trong bối cảnh đất nước đang phải gánh chịu nhiều khó khăn về kinh tế, khi lạm phát tăng cao, kéo theo chi phí sinh hoạt tăng. Ngân hàng Trung ương Anh dự đoán nước Anh sẽ trải qua cuộc suy thoái kéo dài, bắt đầu sớm nhất là vào tháng 10 tới. Lạm phát tại Anh đã ở mức 10%, các nhà kinh tế cảnh báo rằng con số này có thể tăng lên tới 15%.
Công chúng Anh đang lo lắng về hóa đơn điện và khí đốt tăng vọt, một vấn đề sẽ chi phối chương trình nghị sự trong nước của bà Truss ngay từ ngày đầu tiên tại vị. Từ khi tranh cử thủ tướng, bà Truss đã cam kết sẽ giúp người dân Anh giải quyết các hoá đơn này nhưng bà chưa nêu kế hoạch chi tiết của mình.
Một vài thách thức khác cũng có tính cấp bách không kém với bà Truss là các nguy cơ với nền công nghiệp, các câu hỏi không ngừng về nền độc lập của Scotland và giao thức Bắc Ireland.
Bà Truss sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức lớn khi lên lãnh đạo nước Anh trong thời điểm khó khăn cả về mặt kinh tế và chính trị. Ảnh: Reuters
Bronwen Maddox, giám đốc Chatham House, một tổ chức tư vấn của Vương quốc Anh, nhận xét: "Bà ấy có một danh sách dài. Xem xét những điều chúng ta đã biết, các vấn đề bà ấy phải đối mặt sẽ vô cùng lớn".
Trong một bài viết trên tờ Sunday Telegraph, bà Truss mô tả nước Anh đang mắc kẹt trong các vấn đề về năng suất thấp, thuế cao, quản lý quá mức và không có khả năng làm những việc lớn. Bà chia sẻ: "Chúng tôi sẽ thay đổi cách tiếp cận thuế và chi tiêu cũ bằng cách tập trung vào tăng trưởng và đầu tư". Bà đã phàn nàn về "gánh nặng thuế trong 70 năm". Bà cũng đặt câu hỏi khi chưa có một hồ chứa nước mới hay nhà máy điện hạt nhân nào được xây dựng trong một phần tư thế kỷ.
Tuy nhiên, thật khó để biết điều gì sẽ xảy ra khi bà Truss lên nắm quyền, vì bà chưa thật sự tiết lộ bất kỳ kế hoạch cụ thể nào. Bà được đánh giá là một chính trị gia hay thay đổi. Bà từng là một đảng viên Dân chủ Tự do trung tâm thời trẻ trước khi gia nhập Đảng Bảo thủ; bà đã lập luận về việc bãi bỏ chế độ quân chủ trước khi khẳng định sự ủng hộ của bà đối với nó; và bà đã bỏ phiếu cho Anh ở lại Liên minh Châu Âu trước khi trở thành một người ủng hộ Brexit.
Với tư cách là Ngoại trưởng, bà là một đồng minh đáng tin cậy của NATO và là người ủng hộ Ukraine, bày tỏ thái độ cứng rắn với Nga và cả Tổng thống Vladimir Putin. Tuy nhiên, một vấn đề khác của bà Truss là mối quan hệ giữa Anh và Liên minh châu Âu. Washington Post nhận định, bà Truss cũng không được lòng các nhà lãnh đạo EU và bản thân khối này cũng ít kỳ vọng rằng bà sẽ trở thành người giúp hàn gắn mối quan hệ "rạn nứt" giữa Anh và 27 nước thành viên EU thời kỳ hậu Brexit.
Tuy nhiên, trong thông điệp chúc mừng bà Truss hôm 5/9, Chủ tịch Uỷ ban châu Âu Ursula von de Leyen vẫn bày tỏ: "Tôi mong muốn có một mối quan hệ mang tính xây dựng, tôn trọng đầy đủ các thỏa thuận của chúng tôi".
Minh Hạnh (Theo Washington Post)