Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Tâm sự của sinh viên miền Trung xa nhà: Những tiếng tút..tút.. không hồi đáp sắc lẹm cứa vào tim

(DS&PL) -

Liên tiếp các cơn bão quét qua miền Trung cướp đi bao sinh mạng, đẩy nhiều gia đình vào cảnh tay trắng bởi cơ nghiệp gây dựng hàng chục năm bỗng trôi sạch theo dòng nước.

Liên tiếp các cơn bão đổ bổ vào miền Trung gây thiệt hại nặng nề, đẩy nhiều gia đình vào cảnh tay trắng, cơ nghiệp gây dựng bao năm bỗng trôi sạch theo dòng nước. Khi quê nhà đang gồng mình chống chọi với lũ lụt, ở khắp mọi miền của Tổ Quốc, những người con xa quê cũng sống cùng sự lo âu, ngóng chờ từng giây, từng phút trong sự hồi hộp.

Những cuộc điện thoại không hồi đáp

Nỗi niềm đó luôn nặng trĩu trong tâm trí Ngô Thanh Huyền (hiện đang là sinh viên năm 2 Học viện Báo chí và Tuyên Truyền) suốt vài tháng qua. Sinh trưởng từ vùng rốn lũ Lệ Thủy, Quảng Bình, dù đã quá quen thuộc với cảnh "nước ngập, sông sâu", thế nhưng Huyền không thể ngờ mùa lũ năm nay lại khắc nghiệt quá sức tưởng tượng.

"Lần đầu tiên trong đời em thấy nước dâng cao đến như vậy. Trước đó mọi người trong gia đình em vẫn rất bình thản vì nghĩ rằng lũ lụt cũng chỉ như mọi năm", Huyền tâm sự. Mối lo dần hiện hữu rõ hơn vào trưa ngày 17/10, thời điểm gia đình Huyền cùng hàng nghìn hộ dân tại Lệ Thuỷ gấp rút chạy lũ.

"Lũ ở Lệ Thuỷ dâng cao, toàn huyện ngập sâu trong biển nước. Nhiều ngày qua, người dân thiếu thục phẩm, nước sạch trầm trọng", những dòng tin tức xấu ập tới làm Huyền bật khóc. Càng lo lắng hơn khi em gọi điện về nhà, đầu dây phía bên kia chỉ là những tiếng "Tút,tút,.." kéo dài vô vọng.

Căn nhà mà gia đình em Ngô Thanh Huyền sinh sống bị nước ngập sâu. Ảnh: NVCC

Lúc này, Huyền không còn tâm trạng đến giảng đường. Ngồi trong phòng trọ, em sốt ruột theo dõi từng dòng tin tức để nắm bắt tình hình. 

"Em chỉ còn biết khóc vì không thể liên lạc với gia đình. Nhà em nằm trong vùng bị ảnh hưởng nên chắc chắn sẽ bị ngập rất sâu. Có lẽ chỉ người trong cuộc mới hiểu được cảm giác bất lực lúc đó", Huyền kể. Đặc biệt, gia đình Huyền còn có ông nội đã cao tuổi, nếu phải ngâm mình trong nước thì không biết chuyện gì sẽ xảy ra.

Đêm 17/10, sau nhiều cuộc điện thoại, Huyền đã có thể kết nối được với gia đình. Nước mắt em lại trào ra khi biết nhà mình đã bị ngập nặng, nước sâu đến ngang ngực khiến tất cả người dân trong xóm phải chạy lên các điểm cao, chấp nhận bỏ lại nhiều đồ đạc có giá trị như TV, tủ lạnh....chìm nghỉm trong nước lũ. Nhiều hộ dân ở trong các căn nhà 1 tầng thì tình cảnh còn bi đát hơn. Không có chỗ trú ẩn, họ buộc phải ngồi trên các mái nhà, đợi các đoàn cứu hộ đi qua.

"Vì bão nhanh và mạnh một cách bất chợt nên gia đình em không chuẩn bi kịp lương thực dự trữ. Rất may có các đoàn cứu hộ đến tiếp tế, đủ đồ ăn duy trì trong vài ngày", Huyền chia sẻ.

Nhìn hình ảnh những nóc nhà chìm trong biển nước, các sinh viên đồng hương Lệ Thuỷ - Quảng Bình đã đứng lên kêu gọi quyên góp tiền, nhu yếu phẩm như mỳ tôm, gạo, nước,... để chuyển về quê hương. Biết được thông tin này, Huyền nhanh chóng tham gia với mong muốn phần nào góp sức hỗ trợ, khắc phục khó khăn cho người dân.

Nhóm đồng hương Lệ Thuỷ - Quảng Bình đã tích cực kêu gọi ủng hộ nhu yếu phẩm cho miền Trung.

"Mặc dù những món quà này không có gì quá to tát nhưng đây là cả tấm lòng mà những người con xa quê như chúng em đây có thể làm được cho quê hương. Mỗi một thùng mì tôm, một chai nước lọc, vài ba chiếc quần áo cũ sẽ đến tay những người đang loay hoay chống chọi với cơn lũ dữ. Khi quê hương đang gồng mình chống bão, chúng em chỉ biết ở xa kêu gọi hỗ trợ từ các mạnh thường quân. Và bất cứ khi nào quê hương cần, chúng em luôn sẵn sàng", Huyền tâm sự. 

Cũng là một sinh viên miền Trung học tại Hà Nội, Lê Thị Phương Thảo (quê Can Lộc, Hà Tĩnh) cho biết: "Là một người con của miền Trung nên em rất hiểu những khó khăn, vất vả của người dân trước, trong và sau lũ. Chính vì thế, khi nghe thông báo lũ lụt sắp xảy ra, ngày nào em cũng theo dõi diễn biến tình hình của lũ xem nó đã đi đến đâu rồi gọi điện về cho ông bà bố mẹ để hỏi thăm tình hình ở nhà".

Ngày lũ vào đến Hà Tĩnh, mực nước dâng cao khiến người thân của Thảo không thể ra ngoài, mọi sinh hoạt đều bị đảo lộn. Bố mẹ Thảo thức trắng nhiều đêm vì lo bão có thể bất chợt chuyển biến mạnh hơn:

"Ký ức về đợt lũ lịch sử năm 2010 lại hiện về. Nghe bố mẹ nói em rất lo vì nếu bão to thì có thể làm tốc mái nhà, gây thiệt hại rất khủng khiếp. Lúc đó em chỉ biết cầu cho gia đình và người thân ở quê an toàn, nước rút nhanh cho bà con bớt khổ", Thảo nói.

Mới chỉ từ Hà Tĩnh ra Hà Nội nhập học chưa lâu, Đoàn Lê Thu Uyên (Khoa Sư Phạm Tiếng Anh, Đại học Ngoại Ngữ) cho biết trận lũ khiến việc kinh doanh của gia đình gần như "đóng băng", thu nhâp bị ảnh hưởng nặng nề. Trong khi đó, Uyên chưa thể phụ giúp gia đình vì mới chỉ là sinh viên năm nhất.

"Nhà cửa ngập lụt, kinh doanh khó khăn mà bố mẹ vẫn phải gửi tiền để em ăn học trên Hà Nội. Em rất áy náy và cảm thấy đôi chút dằn vặt", Uyên trăn trở.

Chung tay san sẻ khó khăn

Thấu hiểu được nỗi niềm, khó khăn của những sinh viên có gia đình bị ảnh hưởng bởi lũ lụt tại miền Trung, nhiều trường đại học đã tiến hành giúp đỡ, hỗ trợ các em bằng nhiều hình thức. 

Những sinh viên như Huyền, Thảo đều được nhà trường hỗ trợ suất học bổng có giá trị 1 triệu đồng/suất. Đồng thời, không chỉ là vật chất, các thầy cô, bạn bè trong trường luôn thăm hỏi, trấn an, là chỗ dựa cho các em tâp trung học tập.

"Nhà trường, Đoàn Thanh niên và các khoa đã chủ động kêu gọi ủng hộ ngay từ khi bão ảnh hưởng lớn, sau đó huy động các nguồn để hỗ trợ cho hàng trăm bạn sinh viên đang học tại trường", ThS. Đinh Ngọc Sơn, Phó trưởng Khoa Phát thanh - Truyền hình (Học viện Báo chí và Tuyên truyền) cho biết.

Nhiều trường Đại học đã hỗ trợ học bổng cho sinh viên vùng lũ.

Tại Đại học Thương mại, lãnh đạo trường đã quyết định hỗ trợ mỗi sinh viên có hộ khẩu và thường trú tại các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế đang chịu thiệt hại nghiêm trọng về lũ lụt số tiền 10 triệu đồng. Nhà trường coi đây là hoạt động hướng về miền Trung ruột thịt, đồng thời mang ý nghĩa phát huy truyền thống nhân văn, tương thân tương ái.

Đại học Ngân hàng TP.HCM cũng hỗ trợ 250 suất học bổng, mỗi suất 1 triệu đồng cho các sinh viên hệ chính quy có cha, mẹ hoặc người giám hộ ở các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế bị thiệt hại do thiên tai, lũ lụt. 

Còn Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội) quyết định miễn giảm học phí cho các sinh viên có gia đình gặp khó khăn do ảnh hưởng trực tiếp của thiên tai, lũ lụt. Mức hỗ trợ là 100% hoặc 50% học phí hệ chuẩn học kỳ một năm học 2020 - 2021, tùy theo mức độ thiệt hại. 

Hiếu Nguyễn

Tin nổi bật