Trong cuộc đời Tào Tháo có đến 2 cơ hội mà nếu nắm chắc, ông đã biến toàn bộ thiên hạ thuộc về mình.
Giai đoạn cuối Đông Hán, thiên hạ đại loạn, quần hùng tranh đoạt Trung Nguyên. Trong bối cảnh đó, Tào Tháo với khả năng quân sự thiên tài, là người đầu tiên thực hiện sách lược "dùng Thiên tử lệnh chư hầu".
Tháng 8 năm Công Nguyên 196, Tào Tháo "cứu giá" thành công Hán Hiến Đế Lưu Hiệp, được phong làm Tư Lệ Hiệu úy, Lục thượng thư sự. Tháng 11 Bính Tuất, Hán Hiến Đế lại phong Tào Tháo làm Tư Không, Hành quân kỵ tướng quân sự.
Kể từ đó, Tào Tháo dưới danh nghĩa Thiên tử Lưu Hiệp, chinh phạt bốn phương. Trong diệt Viên Thuật, Viên Thiệu, Lữ Bố, Lưu Biểu, Mã Siêu, Hàn Toại cùng nhiều thế lực cát cứ. Ngoại thu phục Hung Nô, Ô Hoàn, Tiên Ti... Đồng thời, Tào Tháo cũng thực hiện một loạt chính sách khôi phục quốc lực nhà Đông Hán, nhưng thực chất là củng cố sức mạnh của chính mình.
Tuy nhiên, đến năm Công Nguyên 220, Tào Tháo bệnh nặng qua đời, bỏ lại bá nghiệp thống nhất thiên hạ còn dang dở. Cho đến 60 năm sau, "thế chân vạc" Ngụy-Thục-Ngô cũng bị dòng họ Tư Mã bẻ gãy, thiên hạ thống nhất thành nhà Tấn.
Dù suốt nửa đời người bỏ ra rất nhiều tâm huyết, nhưng khi Tào Tháo mất, cục diện thiên hạ vẫn chia làm 3 phần. Vậy Tào Tháo đủ khả năng thống nhất Trung Nguyên sao?
Đối với Tào Tháo, ông thậm chí có đến 2 cơ hội, mà nếu nắm chắc, ông đã biến toàn bộ thiên hạ thuộc về mình.
Cơ hội đầu tiên, Tào Tháo quá nóng vội mà bỏ lỡ
Tháng 7 âm lịch năm Công Nguyên 208, Tào Tháo dẫn đại quân nam tiến. Bước đầu chiến dịch bình định phía Nam của Tào Tháo trở nên dễ dàng khi Lưu Biểu trở nên đau ốm còn quân đội Kinh Châu dưới quyền ông ta thì mệt mỏi sau những xung đột với lực lượng của Tôn Quyền. Thêm vào đó là sự tranh giành quyền thừa kế của hai con trai Lưu Biểu là Lưu Kỳ và Lưu Tông. Kết quả là Lưu Kỳ bị truất quyền thừa kế và phải chuyển ra làm tướng coi giữ Giang Hạ.
Vài tuần sau khi Lưu Kỳ bị truất quyền, Lưu Biểu cũng qua đời vào tháng 8 âm lịch cùng năm. Quyền kiểm soát Kinh Châu thuộc về người con trai thứ của ông là Lưu Tông. Tào Tháo lập tức chớp lấy cơ hội tấn công Kinh Châu. Lưu Tông đầu hàng nhanh chóng và Tào đạt được mục tiêu đầu tiên, đó là kiểm soát Giang Lăng, đồng thời tăng cường được một lực lượng thủy quân mạnh và giàu kinh nghiệm chiến đấu ở Kinh Châu.
Kinh Châu rơi vào tay của Tào Tháo đồng nghĩa với việc Lưu Bị một lần nữa phải chạy nạn xuống phía Nam.
Sau khi đoạt được Kinh Châu, quân đội Tào Tháo như hổ thêm cánh. Còn Đông Ngô, tuy thế lực khá hơn Lưu Bị, nhưng vẫn không đủ sức đe dọa đến quân Tào.
Vì vậy, lúc này Tào Tháo không nhất thiết phải cùng Tôn Quyền quyết chiến, cũng không nên để liên minh Tôn - Lưu có cơ hội bắt tay, mà nên tiến chắc đánh chắc, ưu tiên diệt cánh quân mỏng manh của Lưu Bị, phát triển ổn định ở Kinh Châu, tạo thế vây hãm Giang Đông của họ Tôn.
Trước trận Xích Bích, Tào Tháo đã dùng danh nghĩa Thiên tử, gửi một bức thư thảo phạt cho Tôn Quyền, khiến quần thần Đông Ngô thất sắc, chia làm 2 phe chủ chiến và chủ hòa.
Tào Tháo hoàn toàn có thể bình tĩnh, tận dụng cơ hội này để diệt Lưu Bị, ổn đinh Kinh Châu, gây áp lực xuống Giang Đông. Tuy nhiên, ông lại quá vội vàng, phát động đại chiến Xích Bích, để rồi nhận lấy một trong những thất bại lớn nhất trong sự nghiệp, và cũng mất đi cơ hội đầu tiên có thể thống nhất thiên hạ.
Cơ hội thứ 2 vuột mất vì quá bảo thủ
Năm Công Nguyên 215, sau khi bình định Hán Trung, Tào Tháo tiếp tục có một cơ hội để thống nhất thiên hạ, nhưng vì quá bảo thủ mà lỡ mất.
Tháng 3 năm Công Nguyên 215, Tào Tháo nhận thấy Lưu Bị chiếm được Ích Châu, mà Hán Trung chính là "bức bình phong" của Ích Châu nên Lưu Bị chắc chắn sẽ đánh chiếm. Vì vậy, Tào Tháo liền đi trước một bước, dẫn 10 vạn đại quân thân chinh Hán Trung của Trương Lỗ.
Những bước đi của Tào Tháo là vô cùng chính xác. Trương Lỗ sau nhiều lần thất bại, đã chủ động đầu hàng Tào Tháo vào tháng 11 cùng năm. Tào Tháo phong Trương Lỗ làm Trấn Nam tướng quân, Lãng Trung hầu; năm con trai của Lỗ và Diêm Phố cũng được phong làm liệt hầu. Sau đó ông còn kết thông gia với Trương Lỗ, lấy con gái Lỗ cho con trai mình.
Sau khi bình định được Hán Trung, 2 viên chủ bạ là Tư Mã Ý và Lưu Hoa đã khuyên ông nên thuận đường đánh sang Tây Xuyên, bởi Lưu Bị vừa chiếm Ích Châu, lòng dân còn náo loạn, thế cục chưa vững chân.
Tuy nhiên, Tào Tháo lại nói rằng: "Người khổ vì không biết đủ, đã chiếm được Lũng Hữu, còn muốn chiếm Thục địa, đây là lòng người không đáy". Vì vậy Tào Tháo không nghe theo Tư Mã Ý và Lưu Hoa, để Hạ Hầu Uyên ở lại trấn thủ, còn mình cất đại quân về Nghiệp Thành, bỏ mất cơ hội tốt.
Hậu quả sau đó thì ai cũng biết. Năm Công Nguyên 217, đại chiến Hán Trung giữa 2 bên Lưu - Tào nổ ra. Sau 2 năm tranh đoạt, Tào Tháo thất bại hoàn toàn, Lưu Bị đoạt được Hán Trung, tấn xưng Hán Trung Vương, quân Thục đạt đỉnh phong sức mạnh.
Không lâu sau đó, Tào Tháo qua đời vì bệnh đau đầu mãn tính mà không thể hoàn thành bá nghiệp thống nhất thiên hạ.
Hoa Vũ (Theo Sohu)