Taliban đã yêu cầu những viên chức nữ làm việc tại Bộ tài chính Afghanistan cử một người thân là nam giới đến làm việc thay họ. Động thái này được đưa ra gần 1 năm sau khi những lao động nữ bị yêu cầu ở nhà và bị cấm làm việc.
Những phụ nữ làm việc trong chính phủ đã bị đuổi về nhà ngay sau khi Taliban lên nắm quyền lãnh đạo từ giữa tháng 8/2021 và bị cắt giảm lương nghiêm trọng.
Tuy nhiên, mới đây, một số người cho biết họ đã nhận được các cuộc gọi từ các quan chức Taliban yêu cầu họ giới thiệu người thân là nam giới thay thế vì "khối lượng công việc ở văn phòng đã tăng lên và họ cần thuê một người đàn ông".
Bà Sima Bahous, giám đốc điều hành của UN Women, cho biết vào tháng 5: "Những hạn chế hiện tại đối với việc làm của phụ nữ được ước tính sẽ dẫn đến thiệt hại kinh tế ngay lập tức lên tới 1 tỷ USD- tương đương 5% GDP của Afghanistan".
Bà nói thêm: "Tình trạng nghèo đói gần như đã bao trùm trong cả nước. Cả một thế hệ đang bị đe dọa bởi tình trạng mất an ninh lương thực và suy dinh dưỡng".
Nhiều phụ nữ Afghanistan đã bị yêu cầu ở nhà kể từ khi Taliban lên nắm quyền lãnh đạo. Ảnh: Getty
Một người phụ nữ tên Maryam, 37 tuổi, cho biết cô nhận được cuộc gọi từ phòng nhân sự của Bộ tài chính Afghanistan, nơi cô đã làm việc hơn 15 năm, với yêu cầu như trên. Cô kể lại: "Tôi đã được yêu cầu giới thiệu một thành viên nam trong gia đình để thay thế tôi tại Bộ, vì vậy có thể tôi sẽ bị đuổi việc. Làm thế nào tôi có thể dễ dàng giới thiệu người khác thay thế tôi? Liệu anh ấy có thể làm việc hiệu quả như tôi đã làm trong nhiều năm không?"
Cô thất vọng bày tỏ: "Đây là một vị trí khó và kỹ thuật mà tôi đã được đào tạo và có nhiều năm kinh nghiệm. Và thậm chí nếu cuối cùng anh ấy có thể làm công việc tương tự, điều gì sẽ xảy ra với tôi? Kể từ khi họ lên nắm quyền, Taliban đã giáng chức tôi và giảm lương của tôi từ 60.000 AFN (680 USD) xuống còn 12.000 AFN. Tôi thậm chí, tôi còn không đủ khả năng chi trả học phí cho con trai mình. Khi tôi đặt câu hỏi về điều này, một quan chức đã thô lỗ bảo tôi ra khỏi văn phòng của anh ta và nói rằng việc cách chức của tôi là không thể thương lượng được".
The Guardian đã liên hệ với Bộ Tài chính Afghanistan nhưng họ đã từ chối đưa ra bình luận về vấn đền này. Không rõ liệu các viên chức nữ từ các cơ quan nhà nước khác có bị yêu cầu cử người thân của nam giới đến làm công việc của họ hay không. Tuy nhiên, Maryam cho biết cô biết ít nhất 60 đồng nghiệp nữ từ bộ phận tài chính của cô đã nhận được những cuộc gọi tương tự.
Sahar Fetrat, trợ lý nghiên cứu của bộ phận quyền phụ nữ tại Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW), cho biết: "Taliban vốn luôn phân biệt đối xử với phụ nữ, vì vậy, động thái này không có gì đáng ngạc nhiên".
Trong một báo cáo năm nay, HRW đã điều tra tình trạng mất việc làm và sinh kế của phụ nữ ở tỉnh Ghazni kể từ tháng 8/2021, khi Taliban nắm chính quyền ở Kabul. Một người được phỏng vấn cho biết trong báo cáo: "Gần như tất cả những phụ nữ từng làm công ăn lương đều bị mất việc làm. Chỉ có nữ nhân viên y tế và giáo viên mới được đi làm. Phụ nữ làm việc trong các lĩnh vực khác buộc phải ở nhà ngay bây giờ".
Bà Fetrat cho biết: "Trong quan điểm của Taliban, phụ nữ thuộc về đàn ông, như một tài sản và một vật đại diện cho danh dự của gia đình. Do đó, trong một số trường hợp như thế này, họ trao công việc và chức danh của phụ nữ cho những người thân là nam giới".
Maryam và các đồng nghiệp của cô đang vận động để phản đối chính sách của Taliban. Cô chia sẻ: "Chúng tôi không chấp nhận yêu cầu của họ và chúng tôi sẽ cố gắng khiến họ thay đổi nó. Chúng tôi đã tạo ra một nhóm nữ nhân viên của Bộ. Hiện chúng tôi đang đàm phán và chúng tôi sẽ biểu tình nếu họ không lắng nghe chúng tôi".
Afghanistan hiện đang trong vòng xoáy của một cuộc khủng hoảng kinh tế và nhân đạo nghiêm trọng. Theo Liên hợp quốc, 20 triệu người hiện phải đối mặt với nạn đói nghiêm trọng, hơn 9 triệu người phải di dời kể từ khi Taliban lên nắm quyền, và hạn hán nghiêm trọng đã ảnh hưởng đến việc trồng trọt.
Minh Hạnh (Theo The Guardian)