Nhiều người không khỏi lo lắng khi đọc được những bài viết với tiêu đề “2% số người tử vong do COVID-19 ở Illionis (Mỹ) trong năm nay là những người đã tiêm phòng đầy đủ”, “79 trường hợp ở Massachusetts (Mỹ) được tiêm phòng đầy đủ đã tử vong”…
Vào thời điểm các ca mắc COVID-19 đang vẫn còn cao ở Mỹ và một số quốc gia, cùng sự lan tràn của biến thể Delta, việc vaccine không phải là lá chắn hoàn hảo khiến một số người cảm thấy thất vọng.
Tuy nhiên, trên thực tế, vaccine vẫn là công cụ hiệu quả nhất để chống COVID-19, đã được chứng minh có hiệu quả tốt trong việc ngăn ngừa bệnh nặng hoặc tử vong. Ngay cả khi các biến thể mới của virus SARS-CoV-2 xuất hiện, hầu hết các loại vaccine vẫn giữ vững được chỗ đứng của mình.
Vì thế, người không được tiêm phòng là đối tượng dễ gặp nguy hiểm nhất trong thời kỳ đại dịch. Theo Giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Rochelle Walensky, “dữ liệu sơ bộ từ các bang ở Mỹ trong 6 tháng qua cho thấy 99,5% trường hợp tử vong do COVID-19 xảy ra với những người không được tiêm chủng”.
Không có vaccine nào hiệu quả 100% trong việc ngăn chặn lây nhiễm dịch bệnh. Ảnh minh họa: Báo Chính Phủ
Khi càng có nhiều người được tiêm vaccine ngừa COVID-19, số ca mắc “COVID-19 đột phá” - trường hợp người vẫn dương tính sau khi tiêm phòng, đã tăng lên. Tuy nhiên, đây không phải là điều bất ngờ. Nguyên nhân là do không có vaccine nào hiệu quả 100% trong việc ngăn chặn lây nhiễm trong mọi trường hợp.
Ngay cả trong trường hợp lý tưởng nhất là tất cả mọi người được tiêm vaccine ngừa COVID-19, vẫn sẽ có một số người có thể mắc bệnh, lây nhiễm và không chống lại được virus. Tuy nhiên, khi tỷ lệ dân số được tiêm chủng ngày càng lớn, virus càng khó tìm thấy vật chủ dễ bị tổn thương.
Các ca mắc COVID-19 giảm nhanh chóng so với mức đỉnh điểm trong khi số người được tiêm chủng tăng lên, virus SARS-CoV-2 vẫn đang hoành hành. Trong số người đã được tiêm chủng, vẫn sẽ có những người dễ bị lây nhiễm.
Một số ít các ca mắc “COVID-19 đột phá” cho thấy vaccine ngừa COVID-19 có hiệu quả đáng kinh ngạc trong việc phòng chống dịch bệnh. Khi tỷ lệ tiêm chủng thấp, COVID-19 là mối đe dọa lớn hơn bao giờ hết. Điều đó đặt ra một thách thức đối với những người đã được tiêm chủng, cần phải thực hiện các bước hạn chế sự lây lan của dịch bệnh để có cuộc sống bình thường.
Những người nào dễ bị mắc COVID-19 dù đã tiêm vaccine?
Người đã được cấy ghép nội tạng đang sử dụng các loại thuốc ức chế miễn dịch có thể ảnh hưởng tới hiệu quả của vaccine trong việc bảo vệ cơ thể, chống lại bệnh tật.
Một số người có các yếu tố di truyền khiến họ khó có phản ứng miễn dịch với virus ngay cả sau khi tiêm chủng.
Một nghiên cứu về 152 ca mắc COVID-19 phải nhập viện ở Israel cho thấy chỉ 6% không có bệnh nền. Những người còn lại đều có những bệnh nền khác nhau, từ huyết áp cao, tiểu đường tới ung thư.
Một nghiên cứu trước đó được thực hiện trên 2.394 trường hợp mắc COVID-19 sau khi đã tiêm chủng ở Anh chỉ ra những người lớn tuổi, đặc biệt là người sống ở các khu vực nghèo khó có nguy cơ nhiễm bệnh cao hơn sau khi tiêm. Các nhà khoa học từ lâu đã xác định rằng hệ thống miễn dịch suy giảm theo tuổi tác. Tuy nhiên, triệu chứng bệnh ở người đã tiêm vaccine nhẹ hơn nhiều so với người chưa tiêm.
Nên làm gì để phòng chống nhiễm COVID-19 sau khi tiêm vaccine?
Nhìn chung, các biện pháp được thực hiện trong suốt thời gian qua vẫn có tác dụng ngăn chặn các ca lây nhiễm ở người đã tiêm phòng.
Chiến lược tốt nhất để ngăn ngừa các “ca COVID-19 đột phá” là tăng tỷ lệ tiêm chủng, đạt tới mức có đủ số người được chủng ngừa để ngăn virus SARS-CoV-2 dễ dàng lây nhiễm từ người này sáng người khác. Việc tiêm chủng cũng giảm cơ hội đột biến của virus.
Các biện pháp như giãn cách xã hội, đeo khẩu trang có thể vẫn cần thiết trong một số trường hợp như ở những nơi có số ca bệnh đang gia tăng.
“Ở thời điểm biến thể Delta đang gia tăng, chúng ta vẫn phải cảnh giác khi ở trong không gian công cộng, đặc biệt là không gian đông người trong nhà. Tôi không có ý nghĩ bỏ khẩu trang khi ở trong những không gian như vậy, ít nhất là vào lúc này”, Veradi – nhà virus học của Đại học Connecticut cho hay.
Khi virus tiếp tục phát triển, nó có thể thay đổi theo cách khiến vaccine kém hiệu quả hơn nhiều. Các công ty hiện đang phái triển các mũi tiêm tăng cường để nhắm mục tiêu vào các biến thể của SARS-CoV-2 và tăng cường khả năng miễn dịch. Tuy nhiên, mức độ cần thiết của mũi tiêm nhắc lại vẫn chưa được khẳng định.
Đinh Kim (Theo VOX)