Với khả năng tận dụng nhiều loại tên lửa để chống lại các mối đe dọa trên không, tầm bắn lên gần 650km và khả năng phát hiện các tiêm kích tàng hình được ca ngợi rộng rãi, S-400 nổi tiếng là một trong số ít hệ thống phòng không có khả năng chống lại các vũ khí trên không của Mỹ.
Theo Sandboxx, quá trình phát triển hệ thống S-400 của Nga có thể bắt đầu từ những năm 1980 nhưng cho đến năm 1993, hai năm sau khi chính phủ Liên Xô sụp đổ, việc này mới được công bố rộng rãi. Do những hạn chế về ngân sách, cấu trúc phần cứng của S-400 gần như giống với người tiền nhiệm S-300.
Sự khác biệt chính giữa hệ thống S-300 và S-400 nằm ở dạng hệ thống radar được cập nhật và tinh chỉnh, phần mềm được cải tiến và kết hợp các loại tên lửa mới để mang lại sự linh hoạt trong việc đánh chặn mục tiêu và tăng tầm bắn.
Hệ thống phòng thủ khu vực tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) của Mỹ ở Hàn Quốc. Ảnh: Bộ Quốc phòng Mỹ.
Một yếu tố khác rất quan trọng của hệ thống S-400 là các biện pháp đối phó tác chiến điện tử, bao gồm việc cho phép radar Nebo-M thay đổi tần số nhanh để hạn chế hiệu quả của việc gây nhiễu radar và điều khiển chùm tia linh hoạt, nhằm cải thiện khả năng thu thập và theo dõi mục tiêu.
Theo tuyên bố của bộ Quốc phòng Nga, S-400 có khả năng chống các tiêm kích tàng hình phần lớn nhờ vào hệ thống radar Nebo-M.
Các máy bay chiến đấu tàng hình hiện đại được thiết kế để trì hoãn hoặc ngăn chặn sự phát hiện từ các mảng radar sử dụng tần số cao là C, X và K, vốn có khả năng cung cấp hình ảnh chính xác để các tên lửa hành trình xác định mục tiêu. Tuy nhiên chúng lại bỏ qua các radar tần số thấp như L và S, bởi chúng không thể cung cấp dữ liệu chính xác để các hệ thống phòng không "khóa" mục tiêu.
Do đó, nhiều quốc gia đã phát triển các hệ thống radar cảnh báo sớm tận dụng dải tần số thấp để thông báo cho họ về cách tiếp cận của các máy bay chiến đấu tàng hình.
Hệ thống Nebo-M của Nga sử dụng hai mảng radar tần số thấp, Nebo SVU ở băng tần VHF và Protivnik G ở băng tần L, để phát hiện sự hiện diện của máy bay chiến đấu tàng hình khi chúng tiếp cận. Các hệ thống này không cung cấp độ trung thực của hình ảnh cần thiết để nhắm mục tiêu máy bay chiến đấu tàng hình, nhưng bằng cách kết nối chúng với mảng Gamma S1 của Nga phát sóng ở dải S và X, hệ thống Nebo-M cung cấp phương tiện theo dõi hiệu quả và thậm chí nhắm mục tiêu máy bay chiến đấu tàng hình.
Hệ thống radar Nebo-M. Ảnh: Wikimedia Commons.
Cuộc đọ sức trực diện giữa S-400 và F-35 sẽ diễn ra thế nào?
S-400 có thể khóa mục tiêu vào F-35 nhưng chỉ khi tiêm kích này cách tổ hợp tên lửa 32km. Nếu S-400 không thể ngắm xa hơn khoảng cách này, F-35 gần như giành chiến thắng 100% nhờ công nghệ tên lửa tàng hình chuyên diệt radar (AARGM-ER).
AARGM-ER là tên lửa chống bức xạ tiên tiến, hay còn được biết đến là vũ khí được thiết kế để phát hiện và áp sát bằng mảng radar phát sóng. Tên lửa được trang bị trên F-35 có tầm bắn trung bình 96km, tức nó có thể tìm và tiêu diệt S-400 ở khoảng cách an toàn, ngay cả khi hệ thống phòng không này tắt các radar phát sóng.
Bích Thảo (Theo Sandboxx)