Sơn Tùng M-TP là một trong những nghệ sĩ đình đám, sở hữu lượng người hâm mộ hùng hậu cùng sự nghiệp âm nhạc đáng mơ ước. Mỗi khi ra sản phẩm mới, nam ca sĩ đều nhận được đông đảo sự quan tâm và mong chờ từ khán giả. Tuy nhiên, không ít lần trong số đó, MV mới của nam ca sĩ gốc Thái Bình gây ra tranh cãi trong cộng đồng mạng.
Cơn mưa ngang qua
Cơn mưa ngang qua là ca khúc đưa tên tuổi Sơn Tùng M-TP đến với khán giả trẻ, giúp anh trở thành một hiện tượng khi tuổi đời còn rất trẻ nhưng ca khúc lại vướng ồn ào đạo nhạc không lâu sau khi ra mắt. Beat của Cơn mưa ngang qua có nhiều điểm tương đồng với "Sarangi Mareul Deujianha" của nhóm nhạc Namolla Family ra mắt vào năm 2010, trong khi sáng tác của Sơn Tùng M-TP trình làng vào năm 2012.
Cơn mưa ngang qua là một trong những bản hit làm nên tên tuổi Sơn Tùng MT-P.
Chúng ta không thuộc về nhau
Ngày 3/8/2016, MV Chúng ta không thuộc về nhau của Sơn Tùng M-TP được ra mắt và đã tạo được sức hút mạnh mẽ trên mạng xã hội và truyền thông. Chỉ trong vòng chưa đầy một tuần, MV này đã có hơn 20 triệu lượt xem trên Youtube.
Tuy vậy, nhiều ý kiến cho rằng Chúng ta không thuộc về nhau có phần nhạc khá giống bản hit We don’t talk anymore của Charlie Puth và Selena Gomez. Không chỉ nhạc, đoạn flow (cách xử lý nhịp đọc, nhấn nhá khi đọc rap) trong ca khúc Chúng ta thuộc về nhau của Sơn Tùng cũng bị tố giống hệt cách flow của thành viên Rap Monster (BTS) trong ca khúc Fire.
Ca khúc Chúng ta không thuộc về nhau bị tố đạo nhạc.
Chia sẻ với VietNamNet về sự giống nhau giữa hai ca khúc We don't talk anymore và Chúng ta không thuộc về nhau, DJ Heyder, tác giả bản remix We don’t talk anymore của Charlie Puth và Selena Gomez cho biết: "Ý tôi là ca khúc đó có ý tưởng và cấu tứ gần giống với bản remix của tôi.
Không cần phải là một nhạc sĩ chuyên môn cũng có thể nhận ra sự tương đồng giữa hai ca khúc này và tôi nghĩ khán giả đã tự đưa ra kết luận dễ dàng rồi nên tôi không muốn nói thêm nhiều. Bạn đã thử nghe 2 ca khúc cùng nhau chưa? Nếu chưa, bạn hãy thử và sẽ hiểu điều tôi muốn nói.
Sử dụng một tone khác, những sound tiếng khác không có nghĩa là mình đã tạo ra một ca khúc hoàn toàn mới. Điểm khác nhau rõ ràng nhất ở 2 ca khúc này chính là ngôn ngữ, thế thôi. Chúng tôi có thể khẳng định rằng ca khúc đó là phiên bản tiếng Việt bản remix của tôi".
Việc các sản phẩm âm nhạc của Sơn Tùng M-TP bị “mổ xẻ” mỗi khi trình làng đã không còn là một chuyện mới mẻ.
Chúng ta của hiện tại
Hình ảnh trong MV Chúng ta của hiện tại.
Nhiều người suy đoán Chúng ta của hiện tại dính líu đến vấn đề bản quyền và “truy lùng” GC - “thế lực” đứng đằng sau vụ “mất tích” của MV kể trên. Được biết đứng đầu kênh này là một producer tài năng chuyên sáng tác và bán các beat nhạc. Dân mạng bắt đầu tìm đến những đoạn beat mà kênh GC đăng tải để so sánh độ tương đồng với sản phẩm của Sơn Tùng M-TP, đồng thời đòi người này đưa ra câu trả lời thỏa đáng.
Cụ thể, bên dưới đoạn beat được kênh này đăng tải, một fan Việt đặt câu hỏi: “Vì sao kênh của bạn lại đánh bản quyền MV Chúng ta của hiện tại? Sản phẩm tốn cả tháng trời để ghi hình và nghệ sĩ đã làm việc chăm chỉ để rồi đổ sông đổ bể vì bạn đã xóa chúng đi. Tại sao vậy? Độc ác quá!”.
Đáp lại bình luận này, GC cho hay: “Khiếu nại đã được rút lại, nhà sản xuất đã thừa nhận rằng anh ta sao chép sản phẩm của tôi. Kiếm tiền dựa trên công sức của người khác sao? Ở phương Tây chúng tôi không làm thế. Các bạn chưa bao giờ tìm hiểu để biết đầy đủ về sự việc này, đúng chứ? Video đó sẽ được đăng tải lại thôi, cứ thư giãn đi”.
Lạc trôi
Về phong cách thời trang trong các lần ra mắt sản phẩm, Sơn Tùng MT-P cũng nhiều lần bị tố "sao chép" của G-Dragon. Khi MV Lạc Trôi được ra mắt chưa đầy một ngày, mạng xã hội đã đăng tải clip tố Sơn Tùng "copy" nhạc.
Sơn Tùng MT-P.
Cụ thể, cộng đồng mạng đã chỉ ra sự giống nhau đến bất ngờ về phần intro của Lạc trôi với Princess Of China của Rihanna. Phần rap của Sơn Tùng giống với thành viên nhóm BTS. Những cảnh quay trên không trung trong MV của giọng ca sinh năm 1994 cũng được cho là "hao hao" Bae Bae của Big Bang.
Bích Thảo (T/h)
Ảnh: MT-P Entertainment, Wepro