Theo Dân Trí, số ca mắc thực tế có thể cao hơn do đa số ca mắc không triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ, người dân không thực hiện xét nghiệm hoặc không khai báo nên hệ thống giám sát gặp khó khăn trong việc nắm bắt được thông tin đầy đủ.
Như vậy, từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 11.532.103 ca nhiễm, đứng thứ 13/230 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Thống kê số ca mắc. Ảnh: Bộ Y tế
Về tình hình điều trị, theo Bộ Y tế, trong ngày có 2 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh. Có 14 bệnh nhân phải thở oxy, trong đó 12 trường hợp phải thở oxy qua mặt nạ, 2 ca phải thở HFNC.
Trong ngày 16/4, nước ta cũng không ghi nhận ca tử vong nào. Đến nay đã hơn 3 tháng liên tiếp, Việt Nam chưa ghi nhận ca tử vong do COVID-19 . Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại nước ta tính đến nay là hơn 43.000 ca, chiếm tỷ lệ 0,4% so với tổng số ca nhiễm.
Cũng trong ngày 16/4 có 159 liều vắc xin phòng COVID-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều vắc xin đã được tiêm là 266.073.566 liều.
Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội (CDC Hà Nội), trong tuần qua, thành phố cũng ghi nhận số ca mắc COVID-19 gia tăng.
Người dân cần nâng cao cảnh giác về làn sóng dịch COVID-19 bùng phát trở lại
Thành phố đã tiến hành gửi 10 mẫu bệnh phẩm có kết quả test nhanh dương tính với COVID-19 đến Bệnh viện Bạch Mai để thực hiện giải trình tự gene, phục vụ công tác giám sát biến chủng SARS-CoV-2.
Các chuyên gia cảnh báo kỳ nghỉ lễ 30/4, 1/5 và giỗ Tổ Hùng Vương tới đây là dịp người dân đi lại nhiều, du lịch tăng cao, có thể ca mắc COVID-19 sẽ gia tăng trở lại. Vì vậy người dân cần chú ý trong thời gian sắp tới duy trì nguyên tắc 2K (khẩu trang, khử khuẩn), không chỉ phòng COVID-19 mà còn các bệnh viêm đường hô hấp khác như cúm A, cúm B, theo Tuổi Trẻ.
Thùy Dung (t/h)