Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Siết chặt hoạt động điều tra, đảm bảo công bằng, giảm oan sai

(DS&PL) -

Từ ngày 15/1/2021 tới đây, mọi công dân bị khởi tố, bắt giam, khám xét, bị kê biên tài sản... trái pháp luật đều phải được bồi thường.

Từ ngày 15/1/2021 tới đây, mọi công dân bị khởi tố, bắt giam, khám xét, bị kê biên tài sản... trái pháp luật đều phải được bồi thường.

Từ ngày 15/1/2021 tới đây, mọi công dân bị khởi tố, bắt giam, khám xét, bị kê biên tài sản... trái pháp luật đều phải được bồi thường. Các chuyên gia pháp lý cho rằng, quy định này nhằm nâng cao trách nhiệm trong hoạt động điều tra vụ án hình sự.

Khổ vì đi “rửa” tiếng oan cả đời!

Minh bạch, dân chủ trong hoạt động điều tra để giảm oan sai (ảnh minh họa, nguồn internet).

Xung quanh vấn đề này, trao đổi với PV ĐS&PL, luật sư Đặng Văn Cường (đoàn Luật sư TP.Hà Nội) nêu quan điểm: “Việc nâng cao trách nhiệm, đảm bảo tính dân chủ trong hoạt động điều tra vụ án hình sự là cần thiết để đảm bảo công bằng, dân chủ, khách quan, đúng pháp luật, giảm bớt những vụ án oan sai.

Thời gian qua xuất hiện nhiều vụ án oan sai trong tố tụng hình sự, nhiều vụ việc cơ quan tố tụng phải xin lỗi, bồi thường oan sai theo luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước. Bên cạnh đó, một số vụ án oan sai sau nhiều năm, thậm chí mấy chục năm sau mới được minh oan, được xin lỗi, bồi thường. Nhiều người mang tiếng án oan cả đời, dành cả tuổi thanh xuân đi kêu oan khiến dư luận bức xúc”.

Luật sư Cường nhấn mạnh: “Bởi vậy, việc ban hành các quy phạm pháp luật, xây dựng cơ chế, chính sách để đảm bảo dân chủ, công bằng trong tố tụng hình sự là cần thiết, đảm bảo pháp chế xã hội chủ nghĩa. Trên tinh thần ấy, bộ Công an đã ban hành Thông tư 126/2020/TT-BCA về thực hiện dân chủ trong hoạt động điều tra của lực lượng CAND, có hiệu lực từ ngày 15/01/2021. Trong đó quy định, công dân bị khởi tố, bị bắt, giữ, bị khám xét... trái pháp luật đều phải được bồi thường về vật chất, tinh thần. Mục đích để nâng cao đạo đức, trách nhiệm, siết chặt kỷ luật kỷ cương trong hoạt động điều tra vụ án hình sự”.

Vị luật sư phân tích: “Cụ thể, Điều 14 Thông tư 126/2020 nêu rõ, trong mọi trường hợp công dân bị khởi tố bị can, bị bắt, giữ, tạm giữ, tạm giam, bị khám xét, thu giữ, tạm giữ đồ vật, tài liệu, kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản trái pháp luật đều phải được phục hồi về danh dự, quyền và lợi ích hợp pháp cũng như được bồi thường về vật chất, tinh thần theo quy định của luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước.

Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng, điều tra viên, cán bộ điều tra của cơ quan điều tra; cấp trưởng, cấp phó, cán bộ điều tra các cơ quan của CAND được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra ra quyết định, có hành vi tố tụng trái pháp luật bị xem xét, xử lý theo quy định của pháp luật.

Cán bộ, chiến sĩ công an xã, phường, thị trấn, đồn, trạm khi tiến hành tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm không được nhận đơn, thư và giải quyết công việc cho công dân tại nhà riêng hoặc bất cứ nơi nào ngoài trụ sở cơ quan công an, trừ trường hợp cấp bách công dân đến báo tin về tội phạm; đồng thời phải báo cáo ngay với lãnh đạo trực tiếp biết; không được sách nhiễu hoặc cầu lợi dưới bất kỳ hình thức nào đối với người tham gia tố tụng, người thân thích của họ và cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan; không được tư vấn cho người bị buộc tội, người thân thích của người bị buộc tội, đương sự hoặc người tham gia tố tụng khác trái pháp luật; không được can thiệp trái pháp luật vào việc giải quyết vụ án, vụ việc hoặc lợi dụng ảnh hưởng của mình tác động đến người có trách nhiệm giải quyết vụ án, vụ việc; không được đưa hồ sơ, tài liệu vụ việc ra khỏi cơ quan nếu không vì nhiệm vụ được giao hoặc không được sự đồng ý của người có thẩm quyền”.

Thượng tá Nguyễn Xuân Hùng.

Theo luật sư Cường, như vậy, có thể nói Thông tư trên đã quy định nhiều nội dung liên quan đến trách nhiệm, kỷ luật, kỷ cương để đảm bảo tính khách quan, công bằng, minh bạch trong hoạt động tố tụng hình sự. Nội dung của văn bản này là cơ sở pháp lý quan trọng để xác định trách nhiệm của các cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng trong việc thực hiện chức trách nhiệm vụ, làm cơ sở để xác định trách nhiệm khi có sai phạm xảy ra, làm cơ sở yêu cầu bồi thường thiệt hại Nhà nước.

Luật sư Cường cho biết: “Mọi hành vi vi phạm các quy định của pháp luật nói chung, trong tố tụng hình sự nói riêng, chuyện gây dẫn đến oan sai, gây thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân thì phải xin lỗi, bồi thường thiệt hại theo quy định pháp luật. Đây là những quy phạm pháp luật tiến bộ, văn minh, đảm bảo tính công bằng trong hoạt động tố tụng hình sự, là cơ sở pháp lý để nâng cao chất lượng tốt tụng, đạo đức cán bộ, tính minh bạch, công khai trong hoạt động tố tụng và làm cơ sở để xem xét trách nhiệm pháp lý khi có những sai phạm xảy ra.

Tuy nhiên, cái gì cũng có hai mặt của nó. Trách nhiệm của cán bộ, công chức, cơ quan Nhà nước trong việc bồi thường thiệt hại cho công dân theo quy định của luật Trách nhiệm bồi thường Nhà nước là cơ sở để đảm bảo tính công bằng, đảm bảo quyền lợi của công dân khi bị khởi tố, bắt giữ, khám xét, kết tội oan sai.

Ở một khía cạnh khác thì những quy định này có thể khiến một số trường hợp cơ quan, tổ chức, cán bộ có sai phạm vì sợ bồi thường, sợ trách nhiệm nên không nhận trách nhiệm, thậm chí trốn tránh trách nhiệm dẫn đến việc minh oan, xác định sai phạm khó hơn. Nếu không tổ chức thực hiện tốt các quy định về quản lý cán bộ, siết chặt kỷ luật kỷ cương, xem xét trách nhiệm bồi thường oan sai thì những quy định trách nhiệm sẽ cản trở quá trình minh oan, kêu oan của những người bị oan thực sự”.

Luật sư Đặng Văn Cường.

Lãnh đạo phải có trách nhiệm

Đồng tình với quan điểm trên, ông Lương Quang Tuấn, nguyên là Kiểm sát viên vụ Thực hành quyền công tố và Kiểm sát điều tra án trật tự - xã hội thuộc VKSND Tối cao cho rằng: Việc ban hành các quy phạm pháp luật, xây dựng cơ chế, chính sách để đảm bảo dân chủ, công bằng trong tố tụng hình sự là cần thiết để đảm bảo pháp chế xã hội chủ nghĩa.

“Tuy nhiên, để những quy định pháp luật này trở thành công cụ pháp lý quan trọng tác động đến đời sống tố tụng, hành vi, thái độ, thói quen của những người tiến hành tố tụng thì cần phải có hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật. Các cơ quan đơn vị, đặc biệt là người đứng đầu cần phải gương mẫu chấp hành và lãnh đạo chỉ đạo cán bộ, nhân viên nghiêm túc thực hiện các quy định của pháp luật để đảm bảo tính độc lập, minh bạch, công khai, công bằng trong hoạt động tố tụng. Đảm bảo người tiến hành tố tụng, cơ quan tiến hành tố tụng phải thực hiện hết chức trách nhiệm vụ được giao”, ông Tuấn nói.

Cũng trao đổi về vấn đề này, Thượng tá Nguyễn Xuân Hùng, nguyên điều tra viên cao cấp của Công an TP.Hà Nội nhìn nhận: Về quy định mọi công dân bị khởi tố, bắt giam, khám xét, bị kê biên tài sản... trái pháp luật đều phải được bồi thường là hợp lý. Làm như vậy để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của công dân. Nếu người nào bị oan sai, mặc dù không có tội nhưng vẫn bị tạm giữ, tạm giam, phải chịu điều tiếng hoặc tự dưng bị kê biên tài sản trái pháp luật thì đương nhiên họ phải được xin lỗi công khai, trả lại sự trong sạch và bồi thường tương ứng với hậu quả mà hành vi trái pháp luật gây ra. Quy định của Thông tư 126/2020/TT-BCA mà bộ Công an ban hành cho thấy sự chặt chẽ, rõ ràng, dân chủ trong hoạt động điều tra”.

Mọi hành vi né tránh, bao che cho sai phạm đều phải xử lý nghiêm

Luật sư Đặng Văn Cường cho rằng: “Để đảm bảo công bằng, đảm bảo các quy định pháp luật trong Thông tư mới của bộ Công an được đi vào đời sống xã hội thì cần phải có cơ chế phù hợp để tổ chức thực hiện pháp luật một cách triệt để, công bằng. Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước phải là cơ sở để cán bộ công chức thực hiện tốt hơn nhiệm vụ của mình và cần phải nâng cao đạo đức, tính gương mẫu, dám chịu trách nhiệm của cán bộ mỗi khi có sai phạm.

Cán bộ công chức Nhà nước khi thực hiện nhiệm vụ, tận tâm, tuân thủ pháp luật, khách quan, công bằng, phải nghiêm túc rút kinh nghiệm, phải nhận trách nhiệm, sửa sai, thậm chí phải bồi thường thiệt hại theo quy định pháp luật. Mọi hành vi trốn tránh, né tránh, bao che cho những sai phạm dẫn đến khó khăn trong việc minh oan, giải oan cho người bị oan thì cần phải xử lý nghiêm minh bằng các chế tài của pháp luật”.

Điều 14. Giải quyết bồi thường trong hoạt động điều tra

Trong mọi trường hợp công dân bị khởi tố bị can, bị bắt, giữ, tạm giữ, tạm giam, bị khám xét, thu giữ, tạm giữ đồ vật, tài liệu, kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản trái pháp luật đều phải được phục hồi về danh dự, quyền và lợi ích hợp pháp cũng như được bồi thường về vật chất, tinh thần theo quy định của luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước.

Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng, Điều tra viên, Cán bộ điều tra của Cơ quan điều tra; cấp trưởng, cấp phó, cán bộ điều tra các cơ quan của Công an nhân dân được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra ra quyết định, có hành vi tố tụng trái pháp luật bị xem xét, xử lý theo quy định của pháp luật.

Điều 6. Những việc Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra, Điều tra viên và Cán bộ điều tra không được làm

1. Điều tra viên, Cán bộ điều tra không được làm những việc quy định tại Điều 54 luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự năm 2015.

2. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, Điều tra viên, Cán bộ điều tra không được làm những việc sau đây: a) Tự ý tiếp nhận, giải quyết nguồn tin về tội phạm và đơn thư khiếu nại, tố cáo trái quy định hoặc không được Thủ trưởng, Phó thủ trưởng Cơ quan điều tra phân công; tự ý tiến hành các hoạt động điều tra không theo kế hoạch điều tra đã được Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra phê duyệt; b) Thêm, bớt, sửa đổi, đánh tráo, hủy hoặc làm hư hỏng tài liệu, đồ vật, vật chứng của vụ việc, vụ án hoặc bằng các phương thức khác làm sai lệch nội dung vụ việc vụ án; c) Tiếp người bị buộc tội, người thân thích của người bị buộc tội, đương sự hoặc người tham gia tố tụng khác ngoài trụ sở cơ quan Công an, trừ trường hợp do yêu cầu nghiệp vụ phải được sự đồng ý của Thủ trưởng hoặc Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra; d) Ăn uống, nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích khác của người bị buộc tội, người thân thích của người bị buộc tội, đương sự hoặc người tham gia tố tụng khác; đ) Lợi dụng danh nghĩa công tác để gặp gỡ, nhờ, sách nhiễu hoặc cầu lợi dưới bất kỳ hình thức nào đối với người bị buộc tội, người thân thích của người bị buộc tội, đương sự, người tham gia tố tụng khác và các cơ quan, tổ chức có liên quan; e) Bức cung, mớm cung hoặc dùng nhục hình dưới bất kỳ hình thức nào; g) Tiết lộ bí mật, thông tin, tài liệu vụ án, vụ việc đang được điều tra, xác minh khi chưa được phép công khai với người không có trách nhiệm dưới bất kỳ hình thức nào. Trường hợp cần cung cấp thông tin phải báo cáo và được sự đồng ý bằng văn bản của Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra; h) Cho người đang bị tạm giữ, tạm giam sử dụng điện thoại hoặc các phương tiện thông tin khác để liên lạc, trao đổi với người khác (kể cả trong và ngoài khu vực Trại tạm giam, Nhà tạm giữ); trừ trường hợp đặc biệt để phục vụ yêu cầu điều tra vụ án phải được sự đồng ý bằng văn bản của Thủ trưởng hoặc Phó thủ trưởng Cơ quan điều tra đang thụ lý vụ án, vụ việc; i) Gây phiền hà để người tham gia tố tụng hoặc công dân phải chờ đợi, đi lại nhiều lần.

3. Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra không được làm những việc quy định tại các điểm b, d, đ, e và i khoản 2 Điều này.

(Trích Thông tư số 126/2020/TT-BCA ngày 01/12/2020 của bộ Công an quy định việc thực hiện dân chủ trong hoạt động điều tra của lực lượng công an nhân dân).

Chí Công - Tư Viễn

Bài đăng trên ấn phẩm Đời sống & Pháp luật số Thứ 3 (7)

Tin nổi bật